Tranh cãi giữa Taylor Swift và ông bầu Scooter Braun - chủ hãng đĩa Big Machine Records - ngày càng căng thẳng. Theo Fox News, trụ sở của hãng đĩa tại thành phố Nashville, Tennessee (Mỹ) phải đóng cửa sớm vì nguy cơ an ninh. Một số người lo lắng vì thông tin cá nhân, địa chỉ nhà bị fan ca sĩ công bố trên các trang mạng xã hội.
Sự việc xuất phát từ bức thư Taylor Swift gửi người hâm mộ hôm 15/11, cho biết bị hãng đĩa cấm cô biểu diễn các ca khúc cũ tại lễ trao giải âm nhạc Mỹ AMAs cuối tháng 11. Bộ phim tài liệu thực hiện suốt ba năm cùng Netflix cũng có thể phải sản xuất lại vì dùng nhiều ca khúc cũ của Taylor. Luật sư của Taylor tố cáo hãng đĩa nợ thân chủ mình hơn tám triệu USD tiền hoa hồng từ việc bán nhạc.
Về phía Big Machine Records, người đại diện hãng đĩa nói với CNN thông tin từ Taylor Swift hoàn toàn sai sự thật. "Chúng tôi hoàn toàn không có quyền cấm Taylor biểu diễn trên truyền hình. Bài viết khiến chúng tôi hoang mang vì hãng đĩa chưa từng liên hệ với AMAs yêu cầu họ loại bỏ phần diễn của Taylor". Big Machine Records cũng tố cáo ngược nữ ca sĩ đang nợ họ hàng triệu USD tiền dịch vụ. John Seay - một luật sư về bản quyền - nói với tờ Bloomberg có nhiều nghi vấn trong bài viết của Taylor Swift vì không luật nào có quyền cấm ca sĩ biểu diễn ca khúc của họ.
*Xem thêm: Tranh chấp bản quyền ghi âm gốc: Nỗi ám ảnh của sao Âu Mỹ
Sự việc gây hai luồng phản ứng từ khán giả và nghệ sĩ. Người hâm mộ Taylor bất bình vì cho rằng Taylor Swift bị bắt nạt. "Việc một nghệ sĩ không được biểu diễn sáng tác của họ thật lố bịch. Nghệ thuật không chỉ đơn thuần là chuyện làm ăn. Những ca khúc đó rất ý nghĩa với Talor Swift", một khán giả bình luận. Nhiều đồng nghiệp như Selena Gomez, Halsey, Gigi Hadid, Lily Allen... bênh vực và cho biết đứng về phía giọng ca Look What You Made Me Do.
Bên cạnh đó, nhiều người bức xúc vì Taylor Swift khuyến khích người hâm mộ gây áp lực lên hãng đĩa bằng cách đăng lên mạng xã hội. Nhiều ý kiến nói ca sĩ nên tôn trọng điều khoản bản quyền giữa hai bên và không nên sử dụng người hâm mộ như vũ khí. Ca sĩ Justin Bieber bênh vực Scooter Braun và cho biết các thông tin Taylor Swift đưa ra hoàn toàn sai sự thật.
Năm 15 tuổi, Taylor Swift ký hợp đồng với Big Machine Label Group. Hãng này sở hữu toàn bộ thu âm gốc các ca khúc thuộc sáu album, từ Taylor Swift (năm 2006) đến Reputation (năm 2017). Ca sĩ vẫn giữ quyền sở hữu trí tuệ các bài hát và được biểu diễn trực tiếp chúng tại các liveshow hay trên truyền hình. Tuy nhiên, cô không được sử dụng các bản thu hoặc các ấn phẩm (CD, nhạc số) làm từ các bản thu mà Big Machine Label Group nắm bản quyền.
Tranh chấp trở nên căng thẳng từ tháng 6, khi Scooter Braun - quản lý của Justin Bieber - mua lại hãng đĩa. Cô nói gần như không còn cơ hội chơi các sáng tác của mình bởi hai người từng xích mích. Tuy khó đòi được quyền sở hữu các bản ghi âm gốc, từ năm 2020, Taylor Swift có quyền thu âm lại sáu album đầu.
Đạt Phan (theo Fox News, CNN)