Ngày 30/6, Taylor Swift bức xúc trước tin Scooter Braun - quản lý của Justin Bieber - mua lại hãng đĩa Big Machine Label Group (công ty quản lý Taylor từ năm 2006 đến năm 2018) với giá 300 triệu USD. Cô nói gần như không còn cơ hội mua lại quyền sở hữu các sáng tác của mình khi Scooter lên nắm quyền bởi hai người từng xích mích.
Năm 15 tuổi, Taylor Swift ký hợp đồng với Big Machine Label Group. Hãng này sở hữu toàn bộ thu âm gốc các ca khúc thuộc sáu album, từ Taylor Swift (năm 2006) đến Reputation (năm 2017). Ca sĩ vẫn giữ quyền sở hữu trí tuệ các bài hát và được biểu diễn trực tiếp chúng tại các liveshow hay trên truyền hình. Tuy nhiên, cô không được sử dụng các bản thu hoặc các ấn phẩm (CD, nhạc số) làm từ các bản thu mà Big Machine Label Group nắm bản quyền.
Trong bài viết trên trang cá nhân hôm 30/6, nữ ca sĩ cho biết nhiều lần đề nghị mua lại bản quyền thu âm gốc nhưng không đạt thỏa thuận. Hãng đĩa không đòi tiền mà muốn cô đổi quyền sở hữu từng album cũ với một album mới. Yêu cầu này đồng nghĩa ca sĩ Shake It Off cần phát hành sáu album mới với Big Machine Label Group. Taylor từ chối vì không muốn lặp lại sai lầm như quá khứ. Cô nói: "Đây là việc tồi tệ nhất từng xảy ra với tôi. Ở tuổi 15 tuổi, bạn tin lời hứa trung thành của họ. Giờ tôi hiểu đó chỉ là chiêu trò để lừa bạn ký vào hợp đồng thôi". Tháng 11 năm ngoái, cô thông báo kết thúc hợp đồng 12 năm với Big Machine Label Group và chuyển qua hợp tác với Universal Music Group.
Ông Jeff Rabhan, trưởng khoa Thu âm của đại học New York, cho biết trường hợp của Taylor Swift không có khả năng kiện hãng đĩa hay Scooter Braun. "Việc mua bán giữa Scooter và Big Machine Label Group là hợp pháp. Taylor từng có cơ hội mua lại bản quyền thu âm gốc và cô ấy đã từ chối đề nghị của hãng đĩa. Trong các buổi đàm phán hợp đồng, hai bên bình đẳng. Hãng đĩa là những người đàm phán thông minh hơn trong trường hợp này", ông Jeff nói.
Theo PopSugar, sau khi mua lại hãng, Scooter Braun có quyền cho phép bên thứ ba sử dụng ca khúc đã phát hành mà không cần sự đồng ý từ Taylor. Điều này dẫn đến việc nhạc của cô có thể bị dùng trong các dự án nữ ca sĩ không mong muốn. Cô phải đợi 35 năm (tính từ ngày ký hợp đồng) để chấm dứt việc nhượng bản quyền với hãng đĩa và đòi lại các bản thu của mình - theo Luật Bản quyền Mỹ.
Nhiều nghệ sĩ hạng A gặp rắc rối tương tự. Theo BBC, Prince là nghệ sĩ đầu tiên đứng lên đòi quyền sở hữu bản thu gốc từ các hãng đĩa. Ca sĩ đấu tranh với công ty Warner Bros trong nhiều năm. Ông không đồng ý cách hãng liên tục phát hành các album tổng hợp ca khúc của ông để kiếm lợi nhuận. Từ năm 1994 đến năm 1996, Prince sản xuất năm album để đáp ứng điều khoản chấm dứt hợp đồng với Warner Bros. Bên cạnh đó, ông liên tục đổi nghệ danh để gây khó khăn cho hãng đĩa trong khâu xuất bản và truyền thông. Ca sĩ thường xuất hiện trên sân khấu với từ "Nô lệ" viết bằng bút dạ trên mặt để thể hiện sự phản đối công ty chủ quản. Năm 1996, Prince nói với tờ Rolling Stone: "Nếu bạn không có quyền sở hữu bản thu gốc, các hãng đĩa đang sở hữu bạn".
Năm 1969, ban nhạc The Beatles thua công ty ATV trong cuộc đấu giá hãng đĩa Northern Songs, tổ chức sở hữu các bản thu gốc của nhóm. Năm 1985, Michael Jackson chi 47,5 triệu USD mua lại kho nhạc của ATV Music. Theo Billboard, Paul McCartney, ca sĩ của The Beatles nói Michael Jackson đã phản bội tình bạn giữa họ với hành động đó.
Các ca khúc của The Beatles được sáng tác trước khi Luật Bản quyền Mỹ được ban hành năm 1978. Theo luật này, tác giả phải chờ 56 năm từ ngày phát hành để đòi lại bản quyền. Từ năm 2018, Paul McCartney dần nhận lại các sáng tác cùng Beatles. Vụ trao trả quyền sở hữu bản thu gốc giữa ATV và The Beatles dự kiến kết thúc vào năm 2025. Tuy nhiên, luật này chỉ được áp dụng tại Mỹ. Công ty ATV vẫn sở hữu các ấn phẩm thu của ban nhạc tại những nơi khác trên thế giới.
Theo bà Silvia Montello, giám đốc công ty âm nhạc AWAL, nghệ sĩ trẻ tại Mỹ thường đồng ý đổi bản quyền ghi âm gốc lấy sự hỗ trợ trong các khâu sản xuất, phát hành sản phẩm từ các hãng đĩa. Họ không được phát hành nhạc với các tổ chức, cá nhân hay trên các kênh khác. "Việc sản xuất âm nhạc rất tốn kém và ca sĩ thường không thể kiếm lời ngay lập tức. Việc chọn ký hợp đồng kèm điều khoản nhượng bản quyền thu âm gốc hợp lý với những người mới vào nghề. Tuy nhiên, nhiều người không có kinh nghiệm về pháp lý và ký những hợp đồng có nhiều điều khoản khiến họ phải hối hận khi nổi tiếng", bà Silvia cho biết.
Silvia nói việc mất quyền sở hữu bản thu gốc cũng ảnh hưởng tới sức sáng tạo của nghệ sĩ. Sau khi thu âm, cả hãng đĩa và nghệ sĩ cùng tham gia hoàn thiện sản phẩm. Tác phẩm cuối cùng sẽ dựa trên sự thỏa hiệp giữa hai phía. Nhiều trường hợp nghệ sĩ chấp nhận thay đổi phong cách của ca khúc để được duyệt phát hành.
Nhiều nghệ sĩ trên thế giới đang dần quay lưng với những bản hợp đồng bán quyền sở hữu bản thu gốc. Trong bản hợp đồng với Universal Music năm 2018, Taylor Swift yêu cầu được giữ quyền sở hữu bản thu gốc các sáng tác của mình. Cô nói các nghệ sĩ trẻ nên coi những rắc rối cô gặp phải là bài học trước khi muốn ký với các hãng đĩa.
Các nghệ sĩ hạng A khác, sau khi thành công, đều tìm cơ hội lấy lại những bản thu gốc. Theo US Weekly, Rihanna cùng Frank Ocean, Ciara từng phải chi hàng chục triệu USD để mua quyền sở hữu bản thu gốc các sáng tác cũ của mình.
Time cho rằng với sự phát triển của công nghệ thu âm và mạng xã hội, nghệ sĩ trẻ có xu hướng tự sản xuất nhạc và phát hành trên nhiều nền tảng nhạc số như Youtube, Itunes, Spotify, Soundcloud... Nhiều người trở thành triệu phú nhờ tự phát hành nhạc. Rapper người Mỹ Chance nói với CNN sẽ không bao giờ ký hợp đồng với hãng đĩa để được tự do sáng tạo. Năm 2016, anh nhận đề cử Grammy cho "Rap Album hay nhất", là nghệ sĩ đầu tiên xuất thân từ các nền tảng nhạc số đạt thành tích này.
Theo CNN, luật Bản quyền Mỹ lần đầu được thông qua năm 1976 và có hiệu lực từ năm 1978. Trong đó quy định bản thu gốc là phiên bản thu âm cuối cùng, dùng để sửa đổi và sản xuất thành các CD, file nhạc số, MV... Doanh thu từ các xuất bản phẩm này về túi người sở hữu bản quyền thu âm gốc. Bên còn lại sẽ nhận được tiền nhuận, trích từ doanh thu theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Luật quy định các nhạc sĩ có sáng tác sau năm 1978 (giống trường hợp của Taylor Swift) có quyền chấm dứt việc nhượng bản quyền thu âm gốc sau 35 năm từ ngày ký hợp đồng. Những nhạc sĩ có sáng tác phát hành trước năm 1978 (giống trường hợp của ban nhạc The Beatles) được đòi lại bản quyền thu âm gốc sau 56 năm từ ngày bài hát phát hành.
Luật ở Mỹ cho phép một nghệ sĩ hỏi mua lại quyền sở hữu bản thu gốc trước thời hạn nếu cảm thấy hợp đồng ban đầu thiếu công bằng. Tuy nhiên, nghệ sĩ đó cần thuyết phục được hãng đĩa và thường phải trả những mức giá "trên trời".
Đạt Phan (theo CNN, Time, Billboard)