Gone with the Wind kể câu chuyện về cuộc đời chìm nổi của Scarlett O’Hara (Vivien Leigh), một phụ nữ quý tộc miền Nam vật lộn tìm cách sống sót qua cơn bão táp của cuộc nội chiến và thời kỳ tái thiết. Scarlett đem lòng yêu Ashley (Leslie Howard), một quý tộc kỳ lạ nhiều lý tưởng, nhưng chàng lại lấy cô em họ Melanie (Olivia de Havilland) hiền dịu làm vợ. Scarlett không bỏ cuộc, vẫn tìm mọi cách để theo đuổi Ashley nhưng dần dần nàng vướng vào mối tình định mệnh với Rhett Butler (Clark Gable), một tay chơi bất cần nhưng chân thành.
Scarlett khác với tất cả những kiểu người đẹp từng được biết đến trong cuộc sống hay văn chương. Nàng không thánh thiện, không yếu đuối, không dựa dẫm hay bị động. Scarlett bướng bỉnh, nhẫn tâm và đầy nghị lực. Nàng không ngại vươn lên đoạt lấy những thứ mình cần, cho dù có phải dẫm chân lên người khác. Một khi Scarlett đã quyết thì dù có quỷ sứ chặn đường, nàng cũng sẽ thực hiện bằng được. Khác với những nhân vật nữ được lý tưởng hóa trong tiểu thuyết tình cảm, Scarlett sinh động, tràn đầy sức sống, chân bám chặt vào đất đỏ Tara để tồn tại.
Phụ nữ nguyền rủa nàng sau lưng nhưng thầm ghen tị nàng trong thâm tâm. Đàn ông cảm thấy bị xúc phạm và phẫn nộ trước những hành động ngạo ngược của nàng nhưng sẵn sàng đánh nhau chí tử chỉ để được mang cho nàng món tráng miệng.
"Vỏ quít dày có móng tay nhọn". Với một phụ nữ xuất chúng như thế, chỉ có một người đàn ông như Rhett Butler mới có thể "thuần dưỡng" được nàng. Ngoài mặt, Rhett tỏ ra bất cần, khả ố, nhưng sâu trong trái tim, hắn cao thượng và chân thành. Hắn tử tế theo kiểu của hắn, sống theo ý thích, mặc xác thiên hạ nghĩ gì mà không thèm thanh minh hay giải thích. Đối với Rhett, Scarlett mãi mãi chỉ là một cô bé con bướng bỉnh, quen được chiều chuộng và không chịu lớn.
"Bất kể em, tôi và cái thế giới ngu ngốc này đang vỡ tan ra quanh chúng ta, tôi yêu em... Vì chúng ta giống nhau: đều xấu xa, thông minh và ích kỷ nhưng lại có khả năng nhìn mọi vật bằng mắt và gọi đúng tên... Tôi yêu em hơn tất cả những cô gái mà tôi từng yêu. Và tôi đã chờ em lâu hơn tôi phải chờ tất cả những cô gái khác".
Rhett là người duy nhất thực sự hiểu rõ bản chất của Scarlett mà vẫn yêu nàng. Khi Scarlett đang để tang người chồng đầu tiên, Rhett nhìn thấy ở người góa phụ trẻ khao khát được khiêu vũ và đã mời nàng nhảy. Rhett giúp Scarlett và người thân tháo chạy về Tara khi Atlanta thất thủ và chỉ rời đi khi tin chắc nàng sẽ được an toàn. Rhett là người ôm chặt, dỗ dành Scarlett khi nàng thức dậy hoảng loạn vì cơn ác mộng. Rhett luôn ở đó vì Scarlett, yêu thương, bảo vệ và chờ đợi. Nếu như ngay từ cuộc chạm trán đầu tiên, Rhett đã biết Scarlett là người phụ nữ của đời mình thì Scarlett ngược lại, chỉ nhận ra điều ấy khi mọi chuyện đã quá muộn.
Khác với những câu chuyện tình truyền thống, Gone with the Wind kết thúc đầy dang dở với nhiều câu hỏi còn để ngỏ. Rhett cuối cùng đã bỏ đi, với câu thoại kinh điển: "Frankly, my dear, I don’t give a damn" (Nói thẳng là, em yêu, anh cóc quan tâm"). Scarlett gục khóc trên cầu thang rồi quyết định trở về Tara với một câu thoại lừng danh không kém "After all, Tomorrow is another day" (Sau tất cả, mai là một ngày khác). Bộ phim kết thúc với quyết tâm hừng hực của một người đàn bà chưa bao giờ đầu hàng, cuối cùng đã biết mình muốn gì.
Vivien Leigh đã vượt qua hơn 1400 diễn viên, trong đó có nhiều tên tuổi lừng danh như Bette Davis và Katharine Hepburn để giành được vai Scarlett O’Hara. Vai diễn này giúp Vivien Leigh, ở thời điểm đó gần như vô danh tại Mỹ, trở thành một trong những huyền thoại điện ảnh của thời đại hoàng kim Hollywood.
Vivien Leigh diễn như nhập đồng. Cô hóa thân trọn vẹn vào nhân vật đến từng chi tiết. Khán giả càng chăm chú theo dõi diễn xuất của cô, càng choáng váng khi thấy sự hoàn hảo đáng kinh ngạc mà Vivien Leigh đã thể hiện. Từng cái nhíu mày, từng cái dẩu môi mỗi khi không vừa ý, đến nụ cười tính toán mỗi khi cô định quyến rũ ai đó... đều thuyết phục khán giả rằng Vivien Leigh chính là Scarlett. Diễn xuất chân thực của Vivien Leigh đã kéo khán giả sống với từng phút của bộ phim.
Với nụ cười nửa miệng mê hoặc, Clark Gable giống như một Rhett Butler từ trang sách bước ra. Khán giả và các nhà phê bình đều dễ dàng đồng tình Clark Gable sinh ra là để dành cho vai diễn này. Từ gương mặt, giọng nói đến phong thái của ông đều toát ra sự lịch lãm, hào hoa giống như nhân vật trong tiểu thuyết của Margaret Mitchell.
Gone with the Wind có hệ thống nhân vật sống động, đặc trưng. Trái ngược với Scarlett ích kỷ, kiêu ngạo là Melanie hiền từ, nhân hậu. Melanie cũng can đảm và kiên cường nhưng đó là kiểu can đảm khác với Scarlett. Cô gái ấy bình thường rất yếu đuối và mong manh nhưng lại trở nên rất mạnh mẽ mỗi khi cần bảo vệ những người yêu thương. Olivia De Havilland đã nhập vai Melanie một cách thuyết phục, khiến vai diễn trở nên chân thực và sống động hơn.
Leslie Howard cũng thể hiện thành công một quý tộc thất thế, lạc thời, bị động trước thời cuộc. Với một diễn viên non tay hơn, vai diễn Ashley sẽ rất dễ trở nên ngớ ngẩn và yếu đuối - điều may mắn đã không xảy ra nhờ diễn xuất của Howard.
Hattie McDaniel trở thành diễn viên da màu đầu tiên được đề cử và đoạt giải Oscar "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" cho vai bà vú trung thành. Sự cứng rắn, lối ăn to nói lớn và cách cười thoải mái tự nhiên của bà rất dễ lấy được cảm tình của khán giả.
Làm nên sự thành công của Gone with the Wind không thể không nhắc tới "tổng công trình sư" David O. Selznick, giám đốc sản xuất của bộ phim. Với tổng cộng 4 đạo diễn, hàng tá biên kịch và nhiều quay phim khác nhau, Selznick chính là chất keo dính, tạo nên một Gone with the Wind hoàn chỉnh. Bộ phim chính là sản phẩm tâm huyết nhất, là đứa con tinh thần của Selznick.
Gone with the Wind là một tượng đài sừng sững của Hollywood nhưng không phải là không có nhược điểm. Ngoài việc ủng hộ chế độ nô lệ và cái nhìn thiếu khách quan với người da đen - bắt nguồn từ tác phẩm gốc của Margaret Mitchell, bộ phim chia làm hai phần không tương xứng nhau. Phần đầu của bộ phim tràn đầy cảm hứng với âm hưởng sử thi, số phận cá nhân cuốn trong vòng xoáy của lịch sử. Phần này chứa những khoảnh khắc kinh điển nhất của điện ảnh như cảnh Atlanta thất thủ, ngập trong biển lửa hay cảnh Scarlett bước đi giữa hàng nghìn người lính bị thương, đứng ngồi chờ chết giữa đường. Tính cách của Scarlett cũng phát triển hợp lý từ một cô tiểu thư đỏng đành thành một phụ nữ cứng rắn và quyết đoán.
Phần hai, diễn xuất của các diễn viên vẫn thuyết phục như vậy nhưng câu chuyện đã mất đi sự nhiệm màu của phần trước khi chỉ tập trung vào cuộc sống cá nhân của nhân vật. Sự thức tỉnh và thay đổi tâm lý của Scarlett cũng không được diễn tả hợp lý và thuyết phục như phần đầu.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận sự thành công và sức ảnh hưởng của Gone with the Wind. Một triệu người đã kéo đến Atlanta cho buổi chiếu ra mắt của bộ phim tại rạp Loew’s Grand vào ngày 15/12/1939. Ước tính có hơn 300.000 người xếp hàng để chờ đón đoàn xe đưa dàn diễn viên đến sân bay. Sự kiện đó lớn đến nỗi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter sau này nhớ lại là "sự kiện lớn nhất từng xảy ra ở miền Nam trong cuộc đời tôi".
Tính tổng cộng tất cả những lần phát hành, Gone with the Wind bán ra được hơn 200 triệu vé tính riêng ở Mỹ và Canada, 35 triệu vé tính riêng ở Anh, trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh. Gone with the Wind cũng lập kỷ lục trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất thế giới với con số ước tính lên đến 3,3 tỷ USD.
Luôn nằm trong Top 10 phim hay nhất mọi thời đại do Viện phim Mỹ bầu chọn, Gone with the Wind chứng tỏ được sức sống lâu bền vượt thời gian. Gần 80 năm trôi qua kể từ lần phát hành đầu tiên, Gone with the Wind vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ chứ không bị "cuốn theo chiều gió".
Trailer phim "Cuốn theo chiều gió" |
Một khoảnh khắc kinh điển trong phim |
Anh Trâm