Trong cuộc bình chọn "Những diễn viên vĩ đại nhất chưa giành Oscar diễn xuất" của trang Ranker, Gary Oldman được xếp ở vị trí thứ nhất. Tài tử Anh vượt qua những ngôi sao kỳ cựu như Harrison Ford, Clint Eastwood đến những hậu bối nổi tiếng như Johnny Depp, Robert Downey Jr. hay Michael Fassbender.
Tuy nhiên, Oldman có thể sẽ không còn ở vị trí này sau lễ trao giải Oscar vào sáng 5/3 (giờ Việt Nam). Với màn hóa thân Thủ tướng Anh Winston Churchill trong Darkest Hour, ông được nhiều chuyên gia nhận định sẽ giành tượng vàng "Nam diễn viên chính xuất sắc". Trước đó, tài tử "càn quét" một loạt giải thưởng như Quả Cầu Vàng, SAG Awards và BAFTA.
* Trailer "Darkest Hour"
Tượng đài diễn xuất được đồng nghiệp kính trọng
Theo thống kê từ Box Office Mojo, tổng doanh thu các phim có Oldman là hơn 10 tỷ USD. Phần lớn trong số này tới từ các tập Harry Potter (ông thủ vai Sirius Black) và bộ ba Dark Knight (vai cảnh sát trưởng Gordon). Tuy nhiên, sự xuất chúng của tài tử Anh không được thể hiện rõ ở các bom tấn. Ông ghi dấu ấn nhờ những vai phản diện - thường là những kẻ nổi loạn - trong Sid and Nancy (1986), Bram Stoker’s Dracula (1992) hay Leon: The Professional (1994).
Sức ảnh hưởng của Oldman với những diễn viên thế hệ sau là rất lớn, như Tom Hardy chia sẻ trên Digital Spy: "Ở trường diễn xuất, ai cũng diễn lại những đoạn thoại của ông ấy". Sau khi đóng chung với Oldman trong Tinker Tailor Soldier Spy, Hardy tâm sự với tờ Total Film: "Tôi cứ đứng sững người trên trường quay nhìn chằm chằm vào Oldman bởi nghĩ ông ấy là Chúa. Gary Oldman là một trong những người hùng của tôi". Daniel Radcliffe - diễn viên thủ vai Harry Potter - xem Oldman như một người cha thứ hai sau khi đóng cùng ông và được chỉ dẫn nhiều điều cả trong công việc lẫn cuộc sống.
Không chỉ có Hardy và Radcliffe, những ngôi sao như Benedict Cumberbatch, Johnny Depp, Chris Pine hay Christian Bale... đều thừa nhận tài tử sinh năm 1958 có nhiều ảnh hưởng với sự nghiệp của họ. Tài tử từng đoạt giải Oscar - Colin Firth - chia sẻ trên talkshow của Ellen DeGeneres: "Tôi và Gary trạc tuổi nhau, nhưng từ năm 22 tuổi tôi đã là fan của cậu ấy". Trong khi Firth đã được tôn vinh với Oscar "Nam diễn viên chính xuất sắc" cho The King’s Speech (2010) thì đến nay, Gary Oldman chưa có vinh dự này.
Có người cho rằng nguyên nhân Oldman bị "ngó lơ" là bởi đời tư nhiều rắc rối. Tài tử sinh ở London (Anh) từng mắc chứng nghiện rượu nặng, từng phải đi cai nghiện và bị tố cáo đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với những người vợ cũ khi say. Về chuyên môn, những nhân vật phản diện hay "phản anh hùng" (người hùng nhưng thiếu vắng một số chuẩn mực đạo đức) mà Oldman đảm nhiệm cũng ít có cơ hội ở giải thưởng của Viện Hàn lâm.
Với vai rocker nổi loạn Sid Vicious trong Sid and Nancy, Oldman được nhận định xứng đáng với ít nhất một đề cử Oscar, nhưng cuối cùng trắng tay. Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert cảm thán: "Hollywood sẽ chẳng bao giờ đề cử một diễn viên thủ vai một gã tệ nạn đầy mình, dù vai diễn đó có xuất sắc nhường nào đi chăng nữa". Phải tới năm 2012, vai trùm tình báo với vẻ mặt lạnh như băng trong Tinker Tailor Soldier Spy mới giúp Gary Oldman có đề cử Oscar đầu tiên.
Chạm tới Oscar với vai Churchill
Darkest Hour lấy bối cảnh nước Anh vào tháng 5/1940, khi châu Âu đứng trước viễn cảnh bị Đức quốc xã của Hitler thôn tính. Winston Churchill (Gary Oldman) được đưa lên vị trí thủ tướng Anh dù không được người trong chính đảng của mình ủng hộ. Giữa thời khắc đen tối nhất này, ông đứng trước quyết định có thể ảnh hưởng tới vận mệnh không chỉ của nước Anh mà cả châu Âu: hòa giải hay đứng lên chống lại Hitler...
Về vóc dáng, khó ai nghĩ Oldman với ngoại hình mảnh khảnh có thể hóa thân thành một người to béo như Churchill. Để giải quyết vấn đề này, ông tìm tới chuyên gia hóa trang đã giải nghệ Kazuhiro Tsuji - người từng tham gia các dự án nổi tiếng như The Curious Case of Benjamin Button hay Looper. Theo trang Vulture, Oldman chỉ đồng ý tham gia Darkest Hour nếu có Tsuji đảm nhiệm phần hóa trang. Sau một e-mail chân tình từ Gary Oldman, Tsuji tái xuất và tham gia dự án.
Ngoài tài hoa của nghệ sĩ Nhật và ê-kíp, Gary Oldman cũng hy sinh nhiều cho vai diễn. Ông dành hơn 200 giờ trong suốt dự án (bốn giờ mỗi ngày trong 54 ngày quay) chỉ để ngồi cho người khác hóa trang. Theo Vanity Fair, tài tử cũng phải cạo trọc đầu để có thể dễ gắn tóc giả. Oldman cũng phải diễn khi mang một lớp áo sát thân đặc biệt để trông mập mạp hơn. Khi phim công chiếu ở New York (Mỹ), ông chia sẻ: "Trong trường quay, đôi lúc tôi đi ngang qua tấm gương và phải tấm tắc. Cảm giác ngồi trên ghế trang điểm nhiều giờ và rồi nhìn thấy diện mạo, tinh thần của Churchill trong gương thật không thể quên nổi".
* Quá trình hóa trang của Oldman
Để có được giọng nói giống với cố lãnh đạo Anh, Oldman nghe đi nghe lại những bài phát biểu của Churchill, đồng thời làm việc cùng một chuyên gia ngôn ngữ và một ca sĩ opera. Ông chia sẻ với tờ Vulture: "Chúng tôi cố gắng tìm ra giọng nói của Churchill bằng cách sử dụng âm vực của đàn dương cầm. Sau đó, tôi thực hành bằng cách nói chuyện với gia đình bằng giọng của Churchill. Khi bạn làm một thứ đủ lâu thì nó sẽ trở nên dễ dàng".
Ngoài ngoại hình, giọng nói, Oldman còn phải hút hàng trăm điếu cigar bởi lúc sinh thời, Churchill nổi tiếng là người thích hút cigar. Suốt quá trình quay Darkest Hour, ông hút tầm 12 điếu mỗi ngày và tổng hóa đơn tiền cigar khi phim đóng máy lên tới 30.000 USD. Trên chương trình The Graham Norton Show, tài tử kể đã bị ngộ độc nicotine sau khi đóng vai Churchill: "Giờ tôi không dám hút thuốc nữa, sau khi hút khoảng 12 điếu mỗi ngày khi quay phim. Lúc đoàn phim tạm nghỉ để mừng Giáng sinh, ai cũng đi mua quà, trang hoàng nhà cửa còn tôi phải đi nội soi đại tràng (hút thuốc tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng)".
Nhưng kể cả khi có được tất cả những thứ kể trên, vẫn cần tới tài năng diễn xuất của để tái sinh Winston Churchill. Cố diễn viên Robert Hardy - người nổi tiếng khi từng chín lần đóng vai Churchill - chia sẻ kinh nghiệm vào vai cố thủ tướng Anh trên Daily Mail: "Một diễn viên không nên dựa quá vào các đạo cụ như cigar để hóa thân thành Churchill. Quan trọng nhất là phải lột tả được thần thái của ông ấy. Qua những gì tôi thấy và đọc được, có vẻ như Gary Oldman đã tái hiện được Churchill thuyết phục hơn nhiều so với nhiều diễn viên gần đây". Robert Hardy qua đời tháng 8/2017, không lâu trước khi Darkest Hour ra mắt.
Đúng như lời của Robert Hardy, Gary Oldman đã chú ý từ những chi tiết nhỏ nhất cho tới những thứ khó nắm bắt như thần thái để có vai diễn ấn tượng. Từ ngoại hình đậm, dáng đi phăm phăm, cái bĩu môi, nheo mắt cho tới sự khôi hài... của diễn viên đều giống với cố thủ tướng.
Gary Oldman đã dành gần một năm để xem hàng loạt cuốn sách và băng tư liệu có thể tìm được về Churchill. Ông cũng tới gặp gia đình nhà lãnh đạo và các học giả để tìm hiểu về nhân vật. Càng nghiên cứu về Churchill, Oldman càng thấy kính trọng ông nên cố gắng thể hiện một cách tốt nhất hình ảnh vị thủ tướng không chịu đầu hàng, không chấp nhận lùi bước kể cả khi những đối thủ chính trị của ông muốn cầu hòa với Hitler. Phong thái của Churchill toát lên trong từng khung hình, đặc biệt ở bài diễn thuyết hùng hồn trước đám đông để hiệu triệu tinh thần quần chúng.
Nếu Oldman được xướng tên tại sân khấu Dolby ở lễ Oscar sắp tới, đó sẽ là đỉnh cao cho những cống hiến của tài tử cho nghệ thuật trong hơn ba thập niên.
Thịnh Joey