Khi phần đầu tiên loạt phim Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) ra mắt năm 2011, trung bình mỗi tập thu hút 2,5 triệu người xem truyền hình Mỹ. Bước sang năm 2014, con số đó là 18,6 triệu, giúp series lập kỷ lục lượng người xem lớn nhất kênh truyền hình HBO. Từ năm 2012, Game of Thrones bị tải lậu nhiều nhất thế giới theo thông tin từ TorrentFreak. Trong quý một 2015 có bảy triệu lượt tải lậu phim, tăng 45% so với năm ngoái. CEO hãng sản xuất Time Warner - Jeff Bewkes - bày tỏ, việc tải phim lậu không ảnh hưởng mà góp phần giúp phim gây sốt.
Hôm 12/4, phần năm trở lại, phủ sóng ở 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những fan trung thành nổi tiếng của phim có Tổng thống Obama, cựu thủ tướng Australia - Julia Gillard, Bộ trưởng ngoại giao Hà Lan - Frans Timmermans - hay ca sĩ Madonna.
Vùng đất của bạo lực hòa quyện yêu đương nóng bỏng
Trò chơi vương quyền là tác phẩm giả tưởng Mỹ được David Benioff, D.B. Weiss chuyển thể từ tiểu thuyết A Song of Ice and Fire (Tuyết hỏa trường ca) của George R.R. Martin. Nhan đề phim lấy từ tập đầu tiên của tiểu thuyết với tên gọi A Game of Thrones.
Series phim lấy bối cảnh trên hai lục địa hư cấu Westeros và Essos. Đường dây cốt truyện gồm nhiều tuyến song song. Tuyến thứ nhất xoay quanh cuộc phân tranh giữa 7 gia tộc nhằm đoạt vương miện Thép để thống trị toàn cõi. Hai gia đình hùng mạnh nhất gồm dòng dõi nhà Stark và dòng dõi nhà Lannister. Tuyến thứ hai mô tả mối đe dọa tăng dần từ một loài sinh vật bí ẩn đến từ phương Bắc. Tuyến thứ ba xoay quanh những cố gắng của hậu duệ một dòng dõi bị trục xuất khỏi 7 vương quốc, quay trở về nhằm giành lại vương quyền (xem phả hệ 7 gia tộc).
Bộ phim có 257 nhân vật tổng cộng, chưa kể các vai quần chúng. Năm vai chính nổi bật gồm cặp tình nhân kiêm chị em ruột Cersei Lannister và Jaime Lannister, hoàng tử lùn Tyrion Lannister (do tài tử Peter Dinklage đóng), nữ hoàng Daenerys Targaryen (diễn bởi Emilia Clarke) được loài rồng có cánh hậu thuẫn, và chàng cận vệ điển trai Jon Snow (Kit Harington thủ vai). Đây là những nhân vật được nhiều người hâm mộ theo dõi nhất cử nhất động.
Với câu chuyện trùng điệp được sáng tạo bởi trí tưởng tượng phong phú của tác giả truyện gốc, bộ phim đưa người xem vào vùng đất mênh mông, nơi con người chìm trong thời đại loạn ly đầy rẫy chiến tranh và nạn đói, âm mưu chính trị, thù hận cá nhân. Bên cạnh đó là những cuộc yêu đương cháy bỏng, đôi khi thác loạn gây sốc, cũng như những số phận riêng tư đáng đồng cảm.
Sử gia Tom Holland viết trên Guardian: “Nhiều trường đoạn trong phim có không khí bạo lực chân thực hệt như cuộc sống tăm tối khắc nghiệt ở nước Anh trung cổ. Series khắc nghiệt và đen tối hơn Chúa Nhẫn hay Harry Potter”. Ngay trong tập đầu tiên, người xem thấy nữ hoàng rồng xinh đẹp ăn tim ngựa sống để chứng tỏ sự gan dạ. Nhiều chi tiết chặt đầu, đâm chém xuất hiện thường xuyên trong phim.
Nhiều cảnh nóng bỏng gây sốc trong phim như cảnh âu yếm loạn luân trong tòa tháp cổ của cặp nhân vật Cersei và Jamie trong phần một, cảnh nhà vua tra tấn gái điếm hay cảnh tình tứ trên lưng ngựa... Tình yêu đồng tính cũng được đề cập. Gần như trong mỗi tập phim đều có những hình ảnh nude của diễn viên nam và nữ.
Bởi chứa các cảnh bạo lực và tình dục cực đoan, loạt phim này được Ban cố vấn hãng HBO dán nhãn TV-MA, chỉ dành cho khán giả trên 17 tuổi. Trong khi đó, đơn vị phân loại phim Anh - BBFC, xếp phim cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Nhiều quốc gia đều khuyến cáo phim chỉ dành cho khán giả 18 tuổi trở lên. Ở Trung Quốc, phim bị cắt hết cảnh nóng và bạo lực trước khi lên sóng kênh CCTV, khiến cốt truyện còn lại rời rạc và lỏng lẻo, làm người xem chỉ trích không hiểu phim.
Dự án đồ sộ ghi hình công phu
Trung bình kinh phí sản xuất mỗi tập phim có thời lượng 55 phút tốn 8 triệu USD, có tập hơn 10 triệu USD. Nhiều cảnh phim được ghi hình công phu và tốn kém.
Tháng 10 năm ngoái, The Hollywood Reporter cho biết, một cảnh phần 5 tốn 200.000 USD (4,2 tỷ đồng). Theo kịch bản cảnh này, nữ diễn viên Lena Headey hóa thân thành Cersei Lannister khỏa thân và đi giữa phố đông tới một Nhà thờ, chịu đựng sự nhạo báng của người dân trong khu phố. Trường đoạn có tên Đại lộ xấu hổ được thực hiện ở Croatia, mất bốn ngày ghi hình, mỗi ngày hết 50.000 USD. Các nhà sản xuất thuê hơn 200 vệ sĩ để quây kín trường quay, đảm bảo an ninh cũng như không cho người hiếu kỳ xem đoàn phim làm việc. Ngoài ra, đoàn phim cần đền bù cho các chủ cửa hiệu ở khu phố do họ phải đóng cửa hàng trong thời gian quay phim.
Những cảnh ghi hình lớn thu hút đông đảo quần chúng. Năm 2014, khi đoàn phim đến Tây Ban Nha ghi hình cho một cảnh chiến đấu ở phần 5, phim tuyển 600 người vào vai quần chúng. Telegraph cho hay, hơn 86.000 đơn nộp về, có người hâm mộ cuồng nhiệt xin nghỉ phép dài ngày ở sở làm để được tham gia. Chứng kiến số người ứng tuyển vào phim như trẩy hội, được đánh giá có thể làm kích thích nền kinh tế xứ sở bò tót, Đại sứ Mỹ ở Tây Ban Nha - James Costos - cho biết trên EW: “Thật tuyệt vời, đây là những khoảnh khắc thật thú vị ở Tây Ban Nha”.
Bối cảnh bộ phim được chọn lựa kỹ càng. Mặc dù màu phim mang không khí thời Trung cổ ở châu Âu, một vài chi tiết kiến trúc, phong cảnh và trang phục trong phim lại lấy từ nhiều thời đại và vùng miền khác nhau, từ thời Aztecs hay Samurai ở Nhật đến thời Anh cổ đại hoặc thời người Viking. Phim được quay chủ yếu ở Bắc Ireland, nơi có những lâu đài cổ, bãi đá, thung lũng nguyên sơ, lối đi lãng mạn. Nhiều địa điểm được chọn làm bối cảnh thu hút lượng khách du lịch tăng đột biến sau khi phim được trình chiếu (xem bối cảnh của phim).
Trang phục của trường ca này khá kỳ công (xem hậu trường thời trang của phim). Nhờ một phần không nhỏ từ việc đầu tư, Game of Thrones trở thành loạt phim truyền hình lớn nhất và được bàn tán nhất trên truyền hình năm 2014.
Ca ngợi và chỉ trích
Phim chuyển thể ăn khách tới nỗi làm tăng lượng bán ra sách gốc. Năm 2012, Vulture đánh giá người hâm mộ của Game of Thrones lớn hơn của Lady Gaga, Justin Bieber, phim Harry Potter hay Star Wars. Cũng từ năm 2012, ở Anh và Mỹ xuất hiện trào lưu các bậc phụ huynh đặt tên trẻ sơ sinh theo tên các nhân vật trong Game of Thrones. Telegraph cho biết, 167 bé gái sinh năm 2013 được đặt tên Khaleesi. Nhiều bé gái cũng được đặt theo tên Catelyn, Sansa và Arya là những nhân vật nổi tiếng trong phim. Tên các nhân vật nam như Tyrion, Theon, Bran... cũng được nhiều phụ huynh ngoài đời lấy cho con sơ sinh.
Bốn phần phim được giới chuyên môn Bắc Mỹ xếp vào danh sách các phim hay nhất năm. Năm 2013, Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ xếp loại Game of Thrones đứng thứ 40 trong danh sách 101 kịch bản truyền hình xuất sắc. Series nhận được nhiều giải thưởng và đề cử, trong đó có đề cử Emmy cho "Phim truyền hình xuất sắc" và đề cử Quả cầu vàng cho "Phim truyền hình xuất sắc".
Mặc dù được đánh giá cao, phim gặp một số chỉ trích từ khán giả vì những cảnh sex và khỏa thân. Một số cảnh của nam diễn viên Stephen Dillane đóng vai Stannis Baratheon bị Huffington Post so sánh giống các phim khiêu dâm Đức từ thập kỷ 1970. Charlie Anders viết trên IO9 cho rằng, phần một có các cảnh khỏa thân nhẹ nhàng, phần hai tập trung khai thác các cảnh khỏa thân dễ dãi, trần trụi hơn khiến cốt truyện bị nhạt dần.
Anna Holmes viết trên Washington Post, các cảnh khỏa thân xuất hiện trong phim chủ yếu nhắm đến các khán giả nam thích những cảnh thân mật mang tính trung cổ. Huffington Post viết, phụ nữ trong phim khỏa thân nhiều hơn nam giới và cứ như thể loạt phim này được cố vấn bởi một cậu bé đang dậy thì tò mò nên đưa nhiều cảnh khỏa thân nhất có thể. Nhóm tẩy chay Game of Thrones cho rằng, phim là câu kể chuyện “thập cẩm” (meat-and-potatoes) của bạo lực và tình dục.
Phần 5 loạt phim lên sóng HBO Việt Nam từ hôm 12/4.
Vũ Văn Việt