1. Nguồn cảm hứng phong cách ở Westeros và Essos Trong khi bối cảnh của câu chuyện được đặt vào thời Trung Cổ, nhà thiết kế trang phục Michele Clapton lại quyết định kết hợp phong cách từ nhiều thời kỳ và nhiều nền văn hóa để tìm ra sự hoàn hảo cho mỗi nhân vật trong "Game of Thrones". Về cơ bản, trang phục mang đậm hơi thở của châu Âu thời Trung đại. Tuy nhiên, bạn có thể nhận ra nhiều phong cách khác từ bộ tộc sói Inuit, những bộ giáp kiểu Nhật Bản được thêm thắt các thiết kế hiện đại cho đến phong cách vùng Bắc Phi hay Trung Đông. 2. Tạo vẻ ngoài dơ bẩn cho trang phục Vì là trang phục thời xưa, nên chúng cần một chút bẩn và hoang dại, nhất là trang phục của chiến binh. Clapton chia sẻ: “Nếu cần ba ngày để thiết kế và hoàn thành bộ trang phục, thì cũng cần chừng ấy thời gian để phá hỏng hay làm chúng cũ đi”. Êkíp đã phải nhúng trang phục vào dầu nhớt, chà xát với cát và tẩy chúng. Ngoài ra, bí quyết để mái tóc sạch trở nên bẩn chính là bôi thật nhiều vaseline, trước khi phủ lên chúng một ít bột màu tối. 3. Biến đổi phong cách của Daenerys Từ mùa thứ nhất đến mùa thứ ba, trang phục của Daenerys (Emilia Clark thủ vai) có sự thay đổi rõ rệt. Cùng với quá trình khẳng định quyền năng cũng như vai trò nữ hoàng của mình, từ khóa dành cho sự cách tân của Daenerys chính là đường nét nam tính hơn và màu sắc xanh hơn, như một cách gợi nhớ và liên hệ đến người chồng quá cố Khal Drogo. 4. Phong cách Alexander McQueen của Margaery và Cersei Một trong những chi tiết hiện đại trong trang phục nữ của "Game of Thrones" chính là kiểu cổ áo cứng dạng phễu, một tác phẩm của nhà mốt Alexander McQueen từng được ca sĩ người Iceland Bjork sử dụng khi lên bìa album "Homogenic". Chi tiết này xuất hiện lần đầu tiên trong trang phục của công chúa Margaery Tyrell và sau đó tái xuất trong trang phục của Hoàng hậu Cersei Lanister, thể hiện ngầm sự đối đầu giữa hai người. 5. Những bộ tóc trong "Game of Thrones" Khởi quay series này, đoàn làm phim có khoảng 20-30 bộ tóc giả. Nhưng sang đến những mùa sau, nhà thiết kế mẫu tóc Kevin Alexander đã nâng con số này lên khoảng 50-100 bộ. Những bộ tóc giả đắt tiền nhất thuộc về các nhân vật Daenerys, Magaery, Cersei và Melisandre, với giá dao động khoảng 7.000 USD mỗi bộ. Tất cả được giặt sạch và tạo kiểu lại sau mỗi ngày quay. Về màu tóc giả, chẳng hạn như màu đỏ nâu của Sansa hay màu vàng óng của Joffrey, đều phải được nhuộm và chỉnh sửa lại mỗi ngày sau khi quay xong. Alexander chia sẻ rằng các phim trường khác nhau trải dài từ Iceland lạnh giá đến Ma rốc nóng bức sẽ khiến những bộ tóc mau chóng xuống sắc nên họ phải giữ gìn rất cẩn thận. 6. Bộ tóc giả của nhân vật Daenerys Bộ tóc giả màu vàng bạch kim của Daenerys tốn nhiều thời gian để bảo quản nhất. Vì màu này rất nhạy cảm với khói và cát sa mạc, những thứ xuất hiện thường ngày trên phim trường. Nhưng kiểu thắt bím dày và nhiều vòng nữ tính, quý tộc đã trở thành nguồn cảm hứng cho các cô gái đam mê kiểu tóc bím trên toàn thế giới. 7. Bộ tóc giả của Margaery Trong đoàn làm phim "Game of Thrones", bộ phận thiết kế trang phục và tạo mẫu tóc thường không làm việc cùng nhau. Nhưng mái tóc của công chúa Margaery (Natalie Dormer thủ vai) lại có liên hệ với trang phục của cô. Cũng giống như những bộ váy được cắt xẻ mạnh tay ở phần lưng và ngực đầy gợi cảm, hầu hết kiểu tóc của nhân vật đều được uốn xoăn bồng bềnh và quấn hết ra sau, phô toàn bộ gương mặt thông minh, lém lỉnh và nhiều mưu mô, để vẻ gợi cảm của Margaery được phơi bày trọn vẹn. 8. Mái tóc của Jon Snow Bên cạnh những bộ tóc giả đắt tiền của các nhân vật nữ, việc biến đổi một mái tóc nam bình thường trở thành kiểu cổ xưa đầy nam tính cũng được ê kíp làm phim quan tâm. Diễn viên Kit Harrington cho biết, mái tóc xoăn lãng tử của anh là kiểu mẫu được người hâm mộ yêu thích. Từ mái tóc thẳng, chỉ cần sáp và một ít lô cuốn nóng sẽ cho được hiệu ứng tóc xoăn trông rất tự nhiên như trong hình. Sao Mai