Chu Đông Vũ mới đây đoạt danh hiệu "Nữ diễn viên xuất sắc" (Ảnh hậu) tại Giải thưởng Điện ảnh châu Á lần thứ 14 với vai Trần Niệm. Bạn diễn của cô - Dịch Dương Thiên Tỷ - cũng giành giải "Diễn viên mới xuất sắc". Trong phim, cặp diễn viên lột tả chân thực sự cô đơn, số phận bi thương của hai nhân vật.
Trần Niệm (Chu Đông Vũ) - cô học sinh mới chuyển đến một trường điểm - bị cuốn vào vụ án bạn học Tiểu Điệp tự sát. Là người từng tiếp xúc với Tiểu Điệp, Trần Niệm biết cô tìm đến cái chết vì bị bắt nạt nhưng không dám làm chứng, khiến vụ án bế tắc. Là người đắp áo khoác lên xác Trần Tiểu Điệp, Trần Niệm trở thành nạn nhân mới của nhóm nữ sinh cá biệt do Ngụy Lai lãnh đạo. Cô vô tình quen chàng thanh niên du côn Tiểu Bắc, được anh bảo vệ. Một lần, khi Tiểu Bắc không kịp xuất hiện, Trần Niệm bị nhóm Ngụy Lai hành hạ, lột quần áo rồi tung video lên mạng. Trong một lần xô xát, Trần Niệm vô tình đẩy Ngụy Lai khiến cô ta tử vong.
Diễn xuất của Chu Đông Vũ ám ảnh người xem. Nhân vật của cô không có nhiều thoại, chủ yếu diễn xuất qua ánh mắt. Trần Niệm thể hiện sự dửng dưng ở đầu phim khi cảnh sát muốn cô làm nhân chứng. Đến giữa phim, cô xao động khi nhìn một bạn học khác tiếp tục trở thành nạn nhân của nhóm côn đồ. Những lúc bị bắt nạt, đôi mắt Trần Niệm vô cảm nhưng quật cường. Khi ở bên Tiểu Bắc, cô hay cười, đôi mắt ánh lên tình cảm. Cả hai đều là những đứa trẻ cô đơn, không có bố mẹ quan tâm, tự lực cánh sinh giữa cuộc đời. Trong lần đầu chạm ngõ điện ảnh, Dịch Dương Thiên Tỉ rũ bỏ hình ảnh nam ca sĩ thần tượng để hóa thân chàng thanh niên ngông cuồng, gai góc.
Châu Dã (diễn viên đóng vai Ngụy Lai) có vẻ ngoài xinh đẹp, trong sáng, tạo ra sự đối lập với tính cách máu lạnh bên trong. Cô khiến người xem rùng mình trong phân đoạn đối diện với cảnh sát, khi tuyên bố kẻ kém cỏi như Tiểu Điệp chết là tốt vì còn có thể kiếm được một khoản bồi thường. Nhân vật khiến người lớn khi xem phim tự vấn về nền giáo dục hiện đại và cách dạy dỗ con cái của mỗi gia đình: Điều gì khiến những đứa trẻ thành niên trở nên độc ác như vậy?
Tác phẩm cũng ngầm lên án sự dửng dưng của xã hội trước nạn bạo lực học đường. Nhóm học sinh trong phim luôn cầm sẵn điện thoại thông minh để ghi lại những cuộc xô xát trong trường học mà không bao giờ ngăn cản. Trần Niệm bị ám ảnh bởi câu nói của Tiểu Điệp trước khi tự sát: "Họ luôn bắt nạt mình. Sao các cậu không làm chút gì đó?". Một cảnh sát thâm niên khuyên đồng nghiệp ít tuổi bỏ cuộc điều tra bởi: "Việc như này bây giờ nhiều rồi".
Phim còn khắc họa sự phân chia giai cấp trong xã hội Trung Quốc. Khu nhà tập thể xập xệ Trần Niệm ở với rác rưởi chất đống xung quanh tạo ra cảm giác về sự bế tắc. Ngụy Lai - nữ sinh đứng đầu nhóm du côn ở trường học - sinh trưởng trong gia đình giàu có. Những kẻ cô chọn bắt nạt xuất thân trong gia đình nghèo, không được bố mẹ quan tâm. Khi cảnh sát tìm đến gia đình Ngụy Lai, mẹ cô ta cũng tỏ thái độ khinh miệt với những người thuộc tầng lớp dưới.
Em của thời niên thiếu cài cắm nhiều phân đoạn miêu tả áp lực học hành ở đất nước tỷ dân. Trong giờ thể dục, học sinh vừa chạy vừa hô khẩu hiệu: "Thi vào trường nổi tiếng, hoàn thành giấc mộng", "Không bỏ cuộc, bình tĩnh, vững vàng". Ở buổi chia tay cuối năm, họ tiếp tục hô to: "Chúng ta nhất định vào đại học, nhất định huy hoàng". Những lớp học thêm buổi tối, khoảnh khắc công bố điểm... mang đến cảm giác tù túng, ngột ngạt.
Tác phẩm không có các nút thắt - mở, cốt truyện đơn giản nhưng khiến người xem tò mò cách xử trí của nhân vật, số phận của họ. Lấy bối cảnh năm 2011 nhưng các vấn đề, thông điệp phim đưa ra vẫn phù hợp hiện tại. Trần Niệm luôn nghĩ về việc đỗ đại học để làm động lực cố gắng, bởi cô cho rằng trở thành người lớn sẽ bớt đau thương. Cuối phim, khi trở thành cô giáo, Trần Niệm không bỏ mặc học trò lầm lũi ngồi ở góc lớp mà cùng cô bé ra về khi tan trường, gieo vào khán giả niềm tin về tình người.
Hà Thu