Sáng 16/9, một số nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam gặp gỡ và trao đổi với một số báo chí về tình hình hãng sau gần ba tháng được tổng công ty vận tải thủy Vivaso mua lại.
Tham dự cuộc họp có những nghệ sĩ gắn bó lâu năm với hãng phim như NSND Minh Châu, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam - Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, diễn viên Quốc Tuấn (phim Người thổi tù và hàng tổng)...
Theo tập thể nghệ sĩ, sau khi tiếp quản, ban lãnh đạo không có định hướng làm phim. Trước khi cổ phần hóa, đơn vị này tỏ ra quan tâm và hứa hẹn đầu tư máy móc cũng như xây dựng các chương trình quảng bá truyền thông cho hãng phim - hiện mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần ba tháng, lời hứa này không được thực hiện. Hiện nay, công ty mới chỉ có một dự án phim là Người yêu ơi - được Cục Điện ảnh đặt hàng từ trước khi chuyển giao. Theo các nghệ sĩ, kế hoạch làm một phim điện ảnh và một phim truyền hình do nhà nước đặt hàng mỗi năm của ban lãnh đạo là quá ít so với tiềm năng của hãng.
Anh Vũ Quốc Tuấn - quay phim lâu năm tại hãng - cho biết bởi đơn vị chủ quản là công ty vận tải đường thủy nên không có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Họ không tổ chức được các mô hình hoạt động cũng như đem về kịch bản để làm phim. Khi anh cùng nhóm nghệ sĩ lên xin ý kiến thì ông Nguyễn Danh Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị công ty - lại bảo các nhân viên tự đi tìm việc. Các nghệ sĩ đề nghị thành lập một công ty con trong hãng để làm phim nhưng cũng không được chấp nhận.
Ngoài ra, đơn vị trả lương không đầy đủ theo cam kết trước khi cổ phần hóa là bình quân 4.800.000 đồng một tháng cho mỗi người. Trong tháng 8, có người chỉ được trả 1.000.000 đồng, có người ít hơn hoặc không có lương. Diễn viên Quốc Tuấn cho biết: "Tôi chỉ được 540.000 đồng và không nhận vì cảm thấy không đáng. Anh Nguyễn Danh Thắng bảo đấy là lương 'chờ việc' bởi chúng tôi đang không làm gì".
Theo các nghệ sĩ, ban lãnh đạo mới yêu cầu các nhân viên làm việc theo giờ hành chính mới trả lương. Diễn viên Quốc Tuấn nói: "Như vậy là không hiểu đặc thù của ngành làm phim bởi biên kịch, diễn viên phải ra ngoài tìm chất liệu, thâm nhập thực tế chứ không thể đi làm như người văn phòng".
Các nghệ sĩ cũng hoang mang bởi sau khi cổ phần hóa, ban lãnh đạo mới gây nhiều xáo trộn về cơ sở vật chất. Bốn phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim và thiết kế mỹ thuật được dồn vào một phòng. Tủ kịch bản với nhiều tư liệu quý được chuyển sang Viện phim Việt Nam. Các kho đạo cụ, phục trang bị chuyển đến các kho của công ty vận tải cách đó gần 40 km. Các phòng này được cho thuê để kinh doanh, mở cửa hàng ăn uống để kiếm thêm tiền.
Bà Hồng Ngát - cựu giám đốc hãng phim - cho biết: "Tôi đau lòng khi thấy các thiết bị lăn lóc. Trên thực tế, công ty chủ quản không hiểu về phim ảnh. Máy quay, phục trang, phòng dựng có thể cho các đoàn làm phim khác thuê để tạo ra nguồn thu nhập cho đơn vị, nhưng họ không tận dụng điều đó mà lại cho thuê không gian để bán thức ăn".
* Phim "Sống cùng lịch sử"
Nhóm nghệ sĩ khẳng định không chống cổ phần hóa mà chỉ muốn quá trình minh bạch và người lãnh đạo mới có định hướng rõ ràng, đưa hãng phim thoát khỏi sự trì trệ nhiều năm qua. "Kỳ vọng của chúng tôi là được làm nghề", anh Vũ Quốc Tuấn chia sẻ.
Nhà quay phim cũng đưa ra giải pháp: "Ban lãnh đạo có thể mua một khung giờ trên truyền hình rồi đặt hàng chúng tôi làm phim để chiếu trong khung giờ này. Chúng tôi cũng hoàn toàn có thể thực hiện các phim thương mại, hướng đến đối tượng khán giả đại chúng chứ không chỉ làm phim cách mạng". Bà Hồng Ngát cho biết nhóm nghệ sĩ sẽ kiến nghị đến các cấp cao hơn để có chỉ đạo cho tình hình ở hãng phim.
Trước bức xúc của các nghệ sĩ, ông Nguyễn Danh Thắng cho biết công ty có kế hoạch họp nhân viên để giải quyết các thắc mắc trong tuần sau.
Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Trong quá khứ, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đời cát... Tuy nhiên, 20 năm gần đây nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ. Năm 2014, phim chiến tranh Sống cùng lịch sử có kinh phí lên đến 21 tỷ đồng nhưng chỉ bán được vài vé. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. |
Ân Nguyễn