Lễ ra mắt hai cuốn sách “Đàn bà đẹp” và “Đến độ hoa vàng” của nhà văn Đỗ Bích Thúy diễn ra chiều 15/6 tại số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội. Hội trường Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội chật kín bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến nữ tác giả đến dự và chia vui. Ngoài những khách mời từ Hà Nội còn có giảng viên từ Đại học Thái Nguyên xuống dự, có những bó hoa từ vùng cao nguyên đá Hà Giang quê hương chị gửi xuống chúc mừng. Buổi ra mắt diễn ra không khuôn sáo, lễ nghi mà gần gũi, ấm áp và xúc động.
Màn trình diễn tản văn “Nơi về” là điểm nhấn gây xúc động trong khán giả. Dưới sự nhập vai xuất sắc của hai NSƯT Minh Phương và Phương Thúy, hội trường lặng đi trước diễn biến của câu chuyện và lời độc thoại tự sự từ phía sân khấu. Tản văn “Nơi về” là câu chuyện có thật về việc bố mẹ Đỗ Bích Thúy phải bán ngôi nhà gỗ trong thung lũng ở Hà Giang để chuyển về Hà Nội đồng nghĩa với việc chị mất đi cả một miền ký ức gắn bó với tuổi thơ và những người thân. Có lẽ một phần vì thế mà nó có sức lay động và nhận được sự đồng cảm từ nhiều phía. Khi màn trình diễn đang diễn ra, dưới hàng ghế khán giả, diễn viên - NSƯT Phạm Cường tháo kính lau những giọt nước mắt. Các tiết mục trình diễn “Con dê bốn mắt” và biểu diễn các làn điệu sáo Mông, Thái diễn ra trước đó cũng làm cho không khí buổi ra mắt thêm sinh động.
Các ý kiến phát biểu đều khẳng định Đỗ Bích Thúy là nhà văn ghi dấu ấn với độc giả bằng thể loại truyện ngắn. Tuy số lượng tác phẩm không phải là nhiều nhưng Đỗ Bích Thúy đã cho người đọc thấy nội lực của chị ở thể loại này. Chỉ ra những thành công trên con đường văn chương của Đỗ Bích Thúy với thể loại truyện ngắn, nhà phê bình Văn Giá đánh giá cao nữ tác giả trong việc tạo tình huống bất ngờ, những tình huống bất thường, trái khoáy. Cụ thể như ở truyện ngắn “Con dê bốn mắt”, tưởng như tích “Sơn Tinh – Thủy Tinh” sẽ được tái hiện nhưng không, cả hai chàng trai chinh phục cô gái tên Kía đều thất bại. Văn Giá nhận xét, Đỗ Bích Thúy đã tìm kiếm, lựa chọn tình huống và dẫn dụ độc giả, giấu đến cùng để rồi gây bất ngờ ở phần kết truyện. Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy đã thể hiện cái nhìn sắc sảo và tinh quái về cuộc sống. Có được điều đó, theo Văn Giá là do Đỗ Bích Thúy có tài quan sát, lựa chọn chi tiết đắt giá. Văn của Thúy buồn một cách nhẹ nhàng, nhân hậu.
Ngôn ngữ trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy cũng được các ý kiến phát biểu tại lễ ra mắt đánh giá cao. Nhà phê bình Văn Giá lấy ví dụ bằng trích đoạn tác phẩm của Đỗ Bích Thúy nói một cuộc “hành nghề” của một bà mối đi đánh tiếng hỏi một cô gái giúp gia chủ:
“Bà mối ậm ừ lấy giọng:
- Ông Cáy bà Cáy à, nhà ông Dấn túng bấn quá không biết nhờ vả đâu, nay nhờ tôi đến nói với ông chia cho ít thóc giống.
Ông Cáy:
- Thóc thì có đấy nhưng không được tốt lắm, gieo nó xuống còn phải mất công chăm bón nhiều, không dám chia cho nhà ấy đâu.
Bà mối:
- Hạt giống chưa tốt nhưng có mảnh đất tốt, có tấm lòng rộng rãi thì không sợ gì mất mùa ông ạ.
Bà Cáy:
- Không dám đâu, không dám đâu. Nhờ bà về nói hộ, núi ấy cao quá, nhà này không trèo được.
Bà mối cầm chén nước, uống ực:
- Thế là ông bà chê rồi, tôi về vậy…”.
Theo Văn Giá, đoạn trích trên dù không hề nói chuyện dựng vợ gả chồng gì cả nhưng ai cũng hiểu đó là một cuộc mai mối đậm chất vùng cao của đồng bào dân tộc. Đó là cái tài của Đỗ Bích Thúy.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét, văn Đỗ Bích Thúy dung dị nhưng đã chạm vào nỗi đau thân phận nhân vật. “Đỗ Bích Thúy không nhặt chi tiết để sắp xếp nên đời sống mà tìm hiểu đời sống rồi mới lựa chọn chi tiết để tái hiện đời sống ấy”, tác giả “Quyên” nói. Nhà thơ Hữu Việt thì cho rằng Đỗ Bích Thúy đã minh chứng cho việc vấn đề không phải là viết cái gì mà là viết như thế nào. Bởi có những vấn đề đúng là của báo chí, câu chuyện của báo chí nhưng qua ngòi bút Đỗ Bích Thúy đã chạm đến trái tim người đọc như ở các truyện “Khách quý”, “Mèo đen”…
Bên cạnh những thành công ở mảng đề tài miền núi, những sáng tác gần đây của Đỗ Bích Thúy cũng cho thấy một sự “chuyển vùng thẩm mỹ” từ cảm hứng vùng cao sang cảm hứng đô thị. PGS.TS Văn Giá cũng mong muốn sáng tác của Đỗ Bích Thúy “áp sát” hơn với đời sống hôm nay, có trách nhiệm với những vấn đề của xã hội.
Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa, người viết lời giới thiệu cho tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp” có một “khuyến cáo” cho những người đọc văn Đỗ Bích Thúy rằng, đọc Đỗ Bích Thúy cần nhẩn nha, nếu đọc vội vàng, sống sít, theo kiểu “nuốt sống ăn tươi”, đọc để biết nội dung thì sẽ chẳng thấy gì hết, bởi truyện chị rất giản dị, nhiều truyện không có cốt hoặc nếu có cốt thì cái cốt truyện cũng rất lỏng lẻo, mờ nhạt. “Bởi thế, truyện Đỗ Bích Thúy thường không tóm tắt được vì chẳng có gì để tóm tắt. Vậy mà chị vẫn dựng được thành một tác phẩm hoàn chỉnh, hấp dẫn, trong trẻo và buốt nhói”, Trần Đăng Khoa phát biểu.
Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975 tại Hà Giang. Khi còn là sinh viên báo chí, chị đã đoạt giải cao nhất của cuộc thi truyện ngắn Văn Nghệ Quân Đội năm 1999. Đỗ Bích Thúy đã xuất bản 6 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết, 2 tập tản văn. Truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của chị được đạo diễn Ngô Quang Hải dựng thành phim truyện nhựa “Chuyện của Pao”.
* Hình ảnh tại lễ ra mắt sách của Đỗ Bích Thúy |
Thiện Nguyễn