Đỗ Bích Thúy là gương mặt văn xuôi trưởng thành từ Hà Giang. Tập truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá thành công, giúp gắn liền ngòi bút Đỗ Bích Thúy với đề tài miền núi. Sau khi phát hành cuốn sách viết về Hà Nội - Cửa hiệu giặt là - năm 2014, chị cho ra mắt tiểu thuyết mới lấy bối cảnh văn hóa vùng cao vào cuối tháng 10 này.
Cuốn tiểu thuyết thứ tư của Đỗ Bích Thúy lấy cảm hứng từ truyền thuyết về chúa đất Sùng Chúa Đà ở vùng Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang. Dân gian kể rằng Sùng Chúa Đà là một thổ ty người Mông hung ác, sống cách nay khoảng 200 năm. Cuộc đời ông gắn liền với sự tích cây cột đá hành quyết, cao tới 1,9 m, chuyên để treo đến chết những ai trêu ghẹo vợ chúa, và vi phạm luật lệ do ông đặt ra.
Chúa đất đưa người đọc về khung cảnh và đời sống của người dân tộc Mông, Hà Giang cách đây hai thế kỷ. Trung tâm câu chuyện là chúa đất có quyền sinh sát trong tay. Sùng Chúa Đà thích những cô gái đẹp nhưng sự bạo tàn hung ác không mang lại hạnh phúc cho ông ta. Những người phụ nữ quanh ông đều có những cá tính. Bà cả yêu chúa đất hết mực, luôn nghĩ cho ông trước bản thân mình, tình yêu của bà do đó luôn tội nghiệp tới đáng thương. Bà tư của chúa đất - Vàng Chở - là một người phụ nữ bản lĩnh, dám sống và đấu tranh cho tình yêu, dù cuối cùng phải chịu cái chết treo trên cột đá. Cô gái Sùng Pà Xính xinh đẹp, tiếng hát như họa mi rộn ràng cũng nhất định không sống cam chịu...
Đúng như lời tác giả tâm sự ở đầu sách, tiểu thuyết này chị viết về đàn bà với niềm thương yêu vô tận. Đàn bà trong Chúa đất sinh ra không phải để đàn ông hành hạ, lấy làm trò vui. Họ có ước mơ, sẵn sàng chết để đánh đổi lấy cái gọi là hạnh phúc, dù cho nó chỉ đến trong chớp mắt.
Bên cạnh kể câu chuyện với nhân vật đậm cá tính người Mông, tác giả còn vẽ nên trong tiểu thuyết bức tranh thiên nhiên, văn hóa vùng đất Hà Giang.
Sau 14 cuốn sách đã phát hành, Chúa đất một lần nữa khẳng định Đỗ Bích Thúy là cây bút có sở trường về miền núi và thân phận người phụ nữ.
Lam Thu