Đây là cuốn tiểu thuyết thứ hai trong sự nghiệp văn chương của Đỗ Bích Thúy, nhưng là cuốn sách thứ 13 của chị được phát hành. Cánh chim kiêu hãnh vẫn lấy bối cảnh Hà Giang - quê hương, cái nôi sinh ra Đỗ Bích Thúy và là nguồn cảm hứng lớn cho cây bút nữ sung sức này. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Mai - một người phụ nữ tham gia kháng Nhật, chống Pháp ở Hà Giang.
Tiểu thuyết lịch sử vốn là một mảnh đất khó nhằn, bởi tính chất khô cứng của nó. Nhưng Đỗ Bích Thúy đã mạo hiểm chọn đề tài đó để viết. Chị lý giải: "Tôi thường viết về Hà Giang, nhưng lịch sử vùng đất ấy thì tôi chưa hề viết. Nhân vật chính được tôi lấy nguyên mẫu từ một nhân vật có thật tham gia cách mạng ở Hà Giang. Do quá ấn tượng với người phụ nữ đó mà tôi đã xây dựng ý tưởng và viết nên Cánh chim kiêu hãnh”. Nhà văn Đặng Thiều Quang nhận xét: "Có vẻ như cuốn sách này tìm độc giả hơi khó, bởi Đỗ Bích Thúy đã quá mạo hiểm khi chọn viết tiểu thuyết lịch sử". Nhưng tác giả khẳng định viết sách không phải lúc nào cũng để bán, mà cũng có lúc phải viết cái gì đó cho mình. Và vì thế mà Cánh chim kiêu hãnh ra đời.
Cánh chim kiêu hãnh chia làm 25 chương, gói gọn trong 182 trang sách, là một tiểu thuyết ngắn phù hợp với độc giả ngày nay. Nhà phê bình văn học Bùi Mạnh Thắng nhận xét, Cánh chim kiêu hãnh được giản lược về nhân vật và cốt truyện, vận dụng tối đa phép tỉnh lược trong cấu trúc tác phẩm. Nhà phê bình này cũng đánh giá cao văn phong của Đỗ Bích Thúy, ông cho rằng Cánh chim kiêu hãnh đặc trưng cho không gian, hình ảnh và văn hóa miền núi.
Nhà văn Bình Nguyên Trang dành sự ngưỡng mộ cho cuốn tiểu thuyết mới của Đỗ Bích Thúy. Chị nói: "Đề tài hoạt động cách mạng rất thiêng liêng, bản thân tôi không đủ dũng khí để bước vào. Khi mới cầm Cánh chim kiêu hãnh và biết đó là một tiểu thuyết lịch sử, tôi đã có chút ngần ngại. Bởi nhiều người viết dòng tác phẩm này thường quá nệ vào lịch sử mà quên đi chức năng văn học. Nhưng khi đọc sách của Thúy, tôi đã vượt qua được định kiến cũ. Đỗ Bích Thúy đã đặt vấn đề khiến cho độc giả dễ tiếp cận. Đối với nhân vật Mai, Thúy đã chọn một góc tiếp cận là viết về chính cuộc đời một người hoạt động cách mạng. Thúy viết về Mai như một người đàn bà bình thường của vùng đất ấy, nhưng khi đọc, tôi cảm nhận được chân dung của một người anh hùng".
Nhận xét về văn phong, câu chữ của Đỗ Bích Thúy, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói: "Dù viết chuyện vui hay buồn Thúy vẫn giữ giọng văn trong sáng. Trong khi các nhà văn trẻ đang đào sâu vào đời sống đô thị với những bi kịch tình tiền, văn phong tràn lan ngôn ngữ thời @, thì Thúy vẫn không nao núng mà giữ giọng văn dung dị cho mình. Nền văn học Việt Nam có thể tiếp tục dòng chảy riêng bởi có những người như Đỗ Bích Thúy".
Nhà văn Đỗ Bích Thúy hiện là phó tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tác phẩm nổi bật nhất của Đỗ Bích Thúy là Chuyện của Pao - truyện ngắn đã được dựng thành phim, và đoạt giải Cánh diều vàng 2005.
Hiền Đỗ
Ảnh: M.Q