Hôm 26/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố 139 hồ sơ đủ tiêu chuẩn để tiếp tục trình Hội đồng cấp Nhà nước xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Lê Thiện không có mặt trong danh sách. Lê Thiện cho biết sốc vì ban đầu, bà yên tâm khi hồ sơ được Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM xét duyệt, nhưng đến Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước lại trượt vì không đủ 90% tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên.
Bà nói: "Dù vậy, tình cảm của khán giả là điều tôi dành cả đời để phấn đấu. Đây sẽ là lần cuối tôi xin xét danh hiệu. Nói thật, tôi già rồi, chẳng biết còn sống được bao năm để chờ đến đợt tiếp theo".
Nghệ sĩ cho biết nhiều diễn viên trẻ, học trò gọi điện thoại, khóc vì buồn thay cho bà, khiến bà phải an ủi ngược lại. Một số người khuyên bà nên làm đơn gửi cho Hội đồng xét duyệt để đề nghị xem lại, nhưng diễn viên từ chối.
Năm ngoái, Lê Thiện dự tính không làm hồ sơ đăng ký. Nhiều đồng nghiệp hối thúc, cho rằng tuổi nghề, thành tích của bà xứng đáng với tiêu chí, Lê Thiện mới làm thủ tục để "sau này con cháu có cái tự hào". Năm 1993, bà được phong Nghệ sĩ Ưu tú cũng do phía Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang làm hồ sơ giúp, bà không chủ động đăng ký.
Ở tuổi U80, Lê Thiện dành trọn đam mê cho diễn xuất, giảng dạy. Bà khoe vừa được mời đóng hai phim truyền hình - Trên cả tình thương và Mẹ rơm. Trong đó, vai trong Mẹ rơm là nhân vật bà tâm đắc - một phụ nữ miền Nam khắc khổ, nhân hậu. Lê Thiện cho biết dù tham gia nhiều dự án, cát-xê bà nhận được chỉ vừa đủ sống. Nhiều phim quay xa, nghệ sĩ phải trích một nửa thù lao cho chi phí đi lại. Bà hiếm khi từ chối lời mời nào vì thích không khí bận rộn, được đi đây đi đó. Diễn viên nói: "Các cháu hay đùa rằng, bộ tôi có vốn hùn trong đoàn làm phim hay sao mà hiếm thấy vắng mặt. Nhiều lúc không có lịch, tôi ở nhà vài hôm là đổ bệnh".
Lê Thiện đến với nghiệp diễn từ năm 13 tuổi. Bà sinh ra, lớn lên ở vùng quê Bình Định, gia đình làm nghề bán đậu phụ. Năm bà 11 tuổi, đoàn văn công Nam bộ đi diễn ở Hoài Nhơn, Bình Định. Những năm theo đoàn, nhờ thông minh, sáng dạ, bà được tuyển vào Đoàn Tổng cục Chính trị, học khóa đào tạo diễn viên chung với các nghệ sĩ Minh Châu, Thanh Vy, Hà Quang Văn, từ đó dấn thân vào nghề ca diễn.
Đầu thập niên 1980, bà nổi tiếng với vai Thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở Rạng ngọc Côn Sơn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Hơn 10 năm nay, Lê Thiện dần chuyển sang đóng phim với vai người bà, người mẹ. Nhờ nét phúc hậu, nghệ sĩ được nhiều khán giả gọi là "bà nội xì tin", "bà ngoại quốc dân". Bà liên tiếp xuất hiện trong loạt phim từ điện ảnh, truyền hình đến web-drama. Trước khi nghỉ hưu, bà từng giữ chức Phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang (TP HCM).
Ngoài Lê Thiện, một số nghệ sĩ như Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, Thoại Mỹ... cũng bị loại trong danh sách xét Nghệ sĩ Nhân dân. Trong 139 hồ sơ được xét Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10, lĩnh vực sân khấu có số lượng đông nhất với 88 nghệ sĩ, gồm diễn viên Xuân Bắc, Chí Trung, Quang Tèo, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Thanh Thúy, Trần Lực, cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ... Mảng âm nhạc có 45 hồ sơ, gồm ca sĩ Tấn Minh, nghệ sĩ Hoàng Xuân Bình, nghệ sĩ Bùi Công Duy, ca sĩ Thanh Lam...
Lĩnh vực múa có ba hồ sơ gồm nghệ sĩ Trần Ly Ly, Đỗ Hiền, Bùi Xuân Hanh. Mảng điện ảnh có một người là nghệ sĩ Hồ Quảng. 348 gương mặt khác được đề nghị xét duyệt Nghệ sĩ Ưu tú. Danh sách được đăng lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ đến hết ngày 16/8 để lấy ý kiến của người dân, trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.
Hồi tháng 5/2021, Nghị định bổ sung về xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú có hiệu lực, tạo điều kiện thoáng hơn trong tiêu chí. Quy chế xét theo huy chương không thay đổi, tuy nhiên bổ sung một số quy định ưu tiên. Các trường hợp thiếu huy chương vẫn được vào danh sách gồm: Nghệ sĩ cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị; hoặc nghệ sĩ là giảng viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đoạt giải cao tại quốc tế.
Mai Nhật