- Đã bao giờ chị lấy bút danh Phạm Minh Phong để gửi truyện ngắn “Máu của lá” lên báo?
- Tôi là Võ Thị Hảo chứ không phải Phạm Minh Phong. Tôi không bao giờ cần thiết phải lấy bút danh này.
- Truyện “Máu của lá” được chị viết từ bao giờ?
- Tôi viết xong vào tháng 6/1992.
- Truyện được dựa trên ý tưởng nào?
Ba mẹ con nhà văn Võ Thị Hảo trong lễ ra mắt Công ty Văn hóa và Truyền thông Võ Thị. |
- Khơi gợi ý tưởng cho truyện Máu của lá là số phận một người em gái bạn thân của tôi, hiện sống ở Mai Dịch. Nhưng đó chỉ là sự khơi gợi, cuộc sống hiện nay của cô khác với cuộc sống của nhân vật Tâm trong truyện. Ở tác phẩm Máu của lá, tôi để nhân vật Tâm sống bằng ảo tưởng, bằng những hình ảnh đẹp của một tình yêu không có thật. Có ba người đàn ông đã thay phiên nhau viết những lá chất chứa đầy yêu thương, an ủi động viên Tâm, giúp Tâm có thêm nghị lực để sống.
- Truyện “Máu của lá” đã in mấy lần?
- Trên hai lần, một lần ở báo và một lần ở sách, tôi có thể chứng minh ngay lập tức. Truyện ngắn này đã in trong tập truyện đầu tay của tôi là Biển cứu rỗi, tác phẩm được trao giải trong cuộc thi Truyện ngắn và Tiểu thuyết của NXB Hà Nội. Cùng năm đó, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và Y Ban cũng đoạt giải.
- Chị nghĩ gì khi truyện “Máu của lá” đăng báo nhưng tên tác giả lại là Phạm Minh Phong?
- Tôi đọc dứt cái truyện này và thấy người có tên Phạm Minh Phong đạo truyện của tôi đến hơn 99%. Anh ta "vui tính" đến mức copy y chang từ tiêu đề truyện ngắn, đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Chỉ khác có điều, tên các nhân vật được anh ta thay toàn bộ. Tôi thấy đó là sự ăn cắp trắng trợn, nếu như tôi không nhìn tận mắt, tôi sẽ không tin vào điều này.
Tôi thấy Phạm Minh Phong đang "giỡn chơi", chứ một người bình thường không ai làm trò hề như thế. Đây là sự vi phạm bản quyền trắng trợn, nhất là khi chúng ta đang tham gia công ước Berne và luật sở hữu trí tuệ.
- Chị nghĩ gì về tình trạng đạo văn ngày nay?
- Tôi quan niệm rằng: Nếu anh không viết được văn thì anh có thể về nhà đi cày bừa, làm thuê cuốc mướn, hoặc anh có thể làm nghề nghiệp sang trọng nào khác. Chứ lôi văn chương ra để đạo, để tiến thân bằng con đường văn chương quả thật là nguy hiểm. Người xưa đã nói: “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Khi anh đạo văn trắng trợn để đi vào nghề viết, đó là sự thiệt hại lớn cho bạn đọc. Tôi nghĩ rằng, nhất thiết, mỗi người viết đều cần có trách nhiệm công dân trước tiên.
Về việc này, dù tôi có là người thờ ơ hay rộng lượng đến đâu cũng không thể im lặng được. Tôi sẽ kiện đến tận cùng để tìm ra chân lý của sự thật.
Từ Nữ Triệu Vương thực hiện