- “Ghost Theatre” - phim mới nhất của ông được giới thiệu tại LHP Tokyo 2015 – gây ấn tượng với nhân vật ma búp bê. Êkíp đã tạo ra con búp bê này thế nào?
- Trong Ghost Theatre, con búp bê được tạo nên theo phong cách “Lifestyle Doll” – với kích cỡ và đường nét trên gương mặt như người thật. Một nghệ nhân làm búp bê của Nhật tên là Yoshida đã tạo ra nó. Có một diễn viên nữ đảm nhận vai ma búp bê và ông Yoshida đã đúc mẫu dựa trên gương mặt và cơ thể của nữ diễn viên này. Bạn sẽ thấy trong phim có rất nhiều cảnh con búp bê bị đập nát cả người lẫn gương mặt. Khi quay phim này, chúng tôi đã chuẩn bị tới 15 con búp bê giống nhau với kích cỡ như người thật và sử dụng khá nhiều kỹ xảo để khi lên hình, khán giả có thể thấy nó đi lại nhìn rất rùng rợn.

"Ghost Theatre" kể câu chuyện về con búp bê ma đầy hận thù xuất hiện trong một vở kịch và khiến cuộc sống của cô nữ diễn viên trẻ Sara bị đảo lộn. Ảnh: Tiff-jp.
- Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm rùng rợn về ma như "Ringu", "The Ring Two" và "Dark Water". Ông quan niệm thế nào về chuyện ma quỷ?
- Về cơ bản, tôi không tin trên đời này có ma. Tuy nhiên, tôi không thể phủ nhận thực tế rằng có rất nhiều người tin vào chuyện ma quỷ, các thế lực siêu nhiên của thế giới bên kia. Đó là lý do vì sao phim kinh dị ra đời, để kể những câu chuyện kỳ bí trong tâm tưởng và tín ngưỡng của nhiều người. Chúng ta vẫn thấy đôi khi trong đời thực vẫn có những hiện tượng siêu nhiên mà đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được.
- Từ khi nào ông nhận ra mình yêu thích phim kinh dị và muốn trở thành một đạo diễn ở thể loại này?
- Thật ra ngày trước tôi chỉ muốn làm phim, không quan trọng là thể loại nào. Nhưng có vẻ tôi hợp với phim kinh dị nhất. Khi tôi còn là một đứa trẻ vào thập niên 1970, những bộ phim kinh dị Hollywood như The Exorcist hay O-Men rất phổ biến tại Nhật Bản cũng như nhiều nơi trên thế giới và trở thành kinh điển. Đến khi bước vào lứa tuổi thanh niên, hai bộ phim này đã truyền cảm hứng và tạo sức ảnh hưởng lên phong cách của tôi sau này, giúp tôi trở thành một đạo diễn của thể loại này. Phim đầu tay của tôi là Curse, Death & Spirit cũng là tác phẩm kinh dị.
Tác phẩm đầu tiên tôi xem ở thể loại này lại là một phim truyền hình có tên Otaku từ hồi tiểu học. Series đó do chính những nhà sản xuất của tác phẩm kinh điển Godzilla (phiên bản Nhật – Gojira – vào năm 1954) thực hiện. Tám năm trước, tôi cũng từng thực hiện một loạt phim truyền hình thuộc thể loại trinh thám, ly kỳ có tên Kaiki Daisakusen – Second File. Làm phim truyền hình với thể loại kinh dị rất phức tạp bởi ở Nhật rất khắt khe trong chuyện kiểm duyệt những gì lên sóng màn ảnh nhỏ. Những bộ phim có quá nhiều cảnh ghê rợn hay máu me thì chắc chắn sẽ không được chiếu.

Đạo diễn Hideo Nakata tại Liên hoan phim Tokyo (Nhật Bản) hôm 24/10.
- Ông từng sang Hollywood đạo diễn cho hai phim làm lại của Nhật là “The Ring Two” và “Dark Water”. Phong cách làm phim ở hai nơi khác nhau thế nào?
- Ở Hollywood, các nhà sản xuất thoải mái hơn về kinh phí cho thể loại này. Năm 2005, tôi đã làm The Ring Two với số tiền gấp 15 lần so với hồi làm phần đầu ở Nhật. Tiền nhiều hơn cũng đi kèm với những áp lực về doanh thu. Các nhà đầu tư sẽ thúc ép liên tục và có những kế hoạch chi tiết để khiến tác phẩm ăn khách. Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước. Giờ đây, tôi thấy cả Hollywood và Nhật đều hướng tới xu thế sản xuất những dự án kinh dị có thể không tốn nhiều chi phí nhưng lại có những yếu tố gây tò mò, buộc khán giả phải ra rạp. Từ đó, những phim kinh dị kinh phí thấp thường có doanh thu rất cao.
- Theo ông, câu chuyện hay hiệu ứng kỹ xảo – âm thanh là yếu tố quan trọng hơn trong việc khiến khán giả sợ hãi?
- Tôi nghĩ điều đó còn tùy vào các nhà làm phim. Ngày nay, kỹ xảo rất phát triển. Chúng ta có thể đem thêm nhiều hiệu ứng bắt mắt, bắt tai hơn lên màn ảnh nhưng câu chuyện cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ám ảnh người xem. Có những phim khán giả sẽ sợ ngay trong rạp nhưng khi hết thì không còn nhớ gì nữa. Nhưng cũng có những phim hiệu ứng ở mức đơn giản nhưng câu chuyện lại khiến người xem sợ hãi và ám ảnh rất lâu.
- Ở Việt Nam, kinh dị cũng là một trong những thể loại phim đứng đầu về doanh thu và kéo khán giả tới rạp. Ông nghĩ sao về việc hợp tác thực hiện một phim kinh dị giữa Nhật và Việt Nam?
- Tôi đang có khá nhiều dự án kết hợp với nhiều nhà làm phim ở khu vực Đông Nam Á. Đây là một thị trường rất tiềm năng. Hy vọng trong tương lai, tôi sẽ có dịp tới Việt Nam để làm một bộ phim.
Hideo Nakata sinh năm 1961 tại Okayama, Nhật Bản và từng theo học ngành Báo chí ở Đại học Tokyo. Năm 1996, ông gây tiếng vang với tác phẩm điện ảnh đầu tay - Don't Look Up - thuộc thể loại kinh dị. Đến năm 1998, Hideo Nakata trở nên được biết đến rộng rãi ở nhiều nơi khác ngoài Nhật khi tác phẩm Ringu ra mắt và trở thành một trong những biểu tượng của phim kinh dị châu Á. Năm 2002, Hollywood đã làm lại tác phẩm này với tên The Ring. Hideo sau đó được mời đạo diễn phần hai của phiên bản Mỹ. Tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 28 diễn ra ở thủ đô nước Nhật từ ngày 22 đến 31/10, Hideo Nakata cùng hai đạo diễn khác là Takashi Shimizu và Kiyoshi Kurosawa tham gia vào chương trình Masters of J-Horror, giới thiệu các tác phẩm kinh dị nổi tiếng. |
Nguyên Minh thực hiện