Vài thập niên trở lại đây, khi nhắc đến phim kinh dị, khán giả thường thiên về những bộ phim châu Á thay vì Hollywood vốn thường xoay quanh các tên sát nhân máu lạnh hơn là ám ảnh về tâm linh. Ngay cả James Wan - đạo diễn phim kinh dị hàng đầu Hollywood hiện nay với những Insidious hay The Conjuring - cũng là một người gốc Á. Trong làng phim kinh dị châu Á, không thể không nhắc tới Ringu (tên Việt là Vòng tròn định mệnh), bộ phim Nhật Bản đã làm khiếp đảm biết bao thế hệ khán giả.
Trailer phim "Ringu" |
|
Tác phẩm kinh điển của phim kinh dị châu Á
Ra đời năm 1998, Ringu được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ra mắt trước đó bảy năm của Koji Suzuki. Nội dung phim kể về một giai thoại bí ẩn xoay quanh một cuộn băng. Người ta đồn rằng cuộn băng kỳ bí đó mang một lời nguyền kinh khủng, khiến bất kỳ ai xem nó xong sẽ đột tử đúng một tuần sau đó.
Nữ phóng viên Reiko Asakawa (Nanako Matsushima thủ vai) là người thực hiện chuyên đề phỏng vấn các học sinh về câu chuyện đó và hành trình đưa cô tới một câu chuyện kinh hoàng: người cháu Tomoko của cô cùng ba người bạn khác đã qua đời vào cùng một ngày với gương mặt thể hiện rõ sự kinh hãi. Trước khi chết, bốn người bạn đã cùng đi chơi trong một căn chòi ở Izu xa xôi và những bức ảnh chụp cả nhóm đều có gương mặt bị méo mó biến dạng.
Lần theo dấu vết, Reiko tới đúng nơi nhóm bạn trẻ qua đời và phát hiện ở đây một cuộn băng bí ẩn. Cô đưa nó vào đầu đọc và được xem những hình ảnh rùng rợn, không liên quan đến nhau. Ngay khi cuộn băng kết thúc cũng là lúc tiếng chuông điện thoại réo vang và Reiko nhận ra mình đã bị lời nguyền ám - cô chỉ còn bảy ngày để sống.
Hoảng hốt, Reiko cầu viện tới sự giúp đỡ của người chồng cũ Ryuji Takayama (Hiroyuki Sanada). Để tìm hiểu rõ ngọn ngành, người đàn ông này quyết định xem cuộn băng ma quỷ bất chấp sự ngăn cản của Reiko, thậm chí còn đề nghị sao thêm một bản riêng cho anh để nghiên cứu.
Những bức ảnh chụp Reiko cũng đều bị biến dạng, còn cậu con trai của cô là Yoichi cũng vô tình xem cuộn băng trên khiến cô và Ryuji phải gấp rút tìm cách hóa giải lời nguyền. Trong cuộc chạy đua với thời gian, họ tìm ra được tung tích người đàn bà đầy ám ảnh trong cuộn băng và khám phá ra một bí mật kinh hoàng trong quá khứ...
Dù dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, có lẽ ngay cả đạo diễn Hideo Nakata cũng không thể lường trước được thành công của Ringu. Với kinh phí chỉ tương đương 1,2 triệu USD, bộ phim đã thu về 12 tỷ yên Nhật (137 triệu USD) sau nhiều tuần liền làm mưa làm gió tại các phòng chiếu. Cho đến ngày nay, tác phẩm này vẫn là bộ phim kinh dị ăn khách nhất mọi thời tại đất nước mặt trời mọc và cũng được xem là phim gây kinh hãi nhất cho khán giả.
Không chỉ thành công ở Nhật, hiệu ứng Ringu còn lan tỏa tới những nước châu Á khác, làm dấy lên trào lưu thực hiện phim kinh dị với đề tài tâm linh mà sau này Thái Lan hay Hàn Quốc đều phát triển rất tốt. Bản thân bộ phim cũng được Hollywood làm lại với tên gọi The Ring (năm 2002), trong đó ngôi sao Naomi Watts thủ vai chính và thu về hàng trăm triệu USD, kéo theo phần hai cũng tương đối thành công. Thế nhưng mỗi khi đặt lên bàn cân so sánh, The Ring vẫn luôn phải xếp dưới Ringu bởi bản phim gốc biết cách "hù dọa" người xem với những yếu tố chỉ có trong phim kinh dị châu Á.
Ringu - bậc thầy của sự hù dọa
Cuốn sách gốc của phim Ringu thực chất cũng lấy cảm hứng từ một tích dân gian Nhật Bản mang tên Bancho Sarayashi. Câu chuyện đó kể về nữ hầu gái xinh đẹp Okiku, làm việc cho vị samurai Aoyama Tessa. Rung động trước nhan sắc Okiku, ông chủ liên tục buông lời ong bướm song luôn phải nhận cái lắc đầu từ nàng. Tức giận vì bị cự tuyệt, Aoyama bèn nói rằng nàng đã đánh mất một chiếc đĩa quý trong bộ sưu tập mười chiếc đĩa cổ. Vào thời bấy giờ, việc đó có thể dẫn tới cái chết của người hầu gái và Okiku đếm đi đếm lại số đĩa trong cơn hoảng sợ nhưng kết quả luôn là con số chín.
Aoyama bèn đề nghị sẽ giúp Okiku nếu nàng chịu làm tỳ thiếp hắn nhưng lại một lần nữa bị từ chối. Cảm thấy bị xúc phạm, hắn bèn đẩy nàng xuống giếng mà không hề ngờ Okiku sẽ biến thành một hồn ma. Vong hồn Okiku đi theo ám ảnh người còn sống bằng cách đếm từ một tới chín trước khi thét lên một tiếng ghê rợn để làm kẻ bị ám mất trí...
Việc đếm dần từng tiếng của oan hồn ấy đã gợi cho tác giả Koji Suzuki ý tưởng "chết trong bảy ngày sau khi xem băng" và khi lên màn ảnh đây thực sự là một nỗi ám ảnh khủng khiếp. Nhân vật Reiko và sau đó là Ryuji phải sống trong áp lực rằng thời gian sống của mình chỉ còn tính bằng ngày, dẫn tới những hành động vội vã trong tâm trạng căng thẳng đến tột độ.
Trong khi đó, khán giả cũng hồi hộp không kém để chờ xem liệu các nhân vật chính có thể tìm ra bí ẩn hóa giải lời nguyền và từ đó cũng bị cuốn vào câu chuyện. Ringu thu hút người xem bằng cách sử dụng một tích dân gian, một hình ảnh ma nữ và một lời nguyền độc địa để làm khán giả phải tập trung.
Sự tập trung đó trở thành công cụ thuận lợi cho đạo diễn Nakata làm khán giả phải giật mình bằng cách lồng vào những hình ảnh ma quái cùng âm thanh rền rĩ đến chói tai đủ làm những con tim đang theo dõi phim muốn nhảy khỏi lồng ngực. Ông dần lấp đầy tâm trí khán giả bằng nỗi sợ nơm nớp, e dè về một con ma nào đó sẽ xuất hiện và làm người xem dù sợ vẫn tò mò muốn xem tiếp. Thủ pháp đó được Nakata sử dụng xuyên suốt bộ phim một cách bất ngờ, không hề có cảnh báo trước và đạt hiệu quả cao nhất khi Ringu luôn được xếp trong danh sách những phim kinh dị hay nhất mọi thời và được nhiều nhà làm phim khác học hỏi.
Ringu thành công còn ở khâu hình ảnh và diễn xuất khi hai nhân vật chính đem lại cho người ta cảm giác đúng như những kẻ đang vùng vẫy một cách tuyệt vọng khi sợi dây níu thanh gươm Damocles ở trên đầu họ chuẩn bị đứt. 96 phút phim được phủ lên một tông màu xanh đen, ảm đạm như thể ám chỉ một tương lai không lối thoát cho những kẻ trót xem cuộn băng quỷ quái.
Thứ khiến Ringu trở thành nỗi ám ảnh lớn đến vậy với nhiều người là bởi bộ phim sử dụng những thứ thân thuộc nhất trong cuộc sống. Bối cảnh câu chuyện được diễn ra ở nước Nhật vào thời hiện đại với trung tâm là cuộn băng và chiếc TV - những thứ tồn tại trong hầu hết hộ gia đình. Vào thời điểm năm 1998, khi mà việc tải phim trên mạng hay những chiếc DVD chưa được phổ biến như ngày nay, cuộn băng video chính là công cụ xem phim tại gia được ưa chuộng nhất. Việc đưa hình ảnh ma quỷ gắn liền với nó khiến cho không ít người thừa nhận rằng họ không dám xem TV một mình vào ban đêm sau khi xem Ringu.
Nếu từng đọc qua cuốn Ring (từng được xuất bản tại Việt Nam với cái tên Vòng tròn oan nghiệt), nhiều người sẽ nhận ra những khác biệt giữa sách và phim. Nhân vật chính trong sách là nam còn trong phim là nữ để làm tăng thêm sự mong manh. Một chi tiết quan trọng khác là nếu như kẻ gieo rắc cái chết trong tiểu thuyết là virus thì trong phim lại là một hồn ma bí ẩn, nỗi sợ tâm linh gây ám ảnh hơn nhiều so với cách giải thích có phần khoa học trong truyện. Trong tâm hồn mỗi người đều có những nỗi sợ vô hình và việc phần lớn phim không có một bóng ma nào khiến cho nỗi sợ ấy lớn dần lên với sự cộng hưởng của hiệu ứng hình ảnh và âm thanh.
Trong phiên bản The Ring, vốn được làm thêm một phần hai không cần thiết, Hollywood đã cố gắng giải thích tường tận cho khán giả nhiều chi tiết trong phim. Trái lại, nhiều tình tiết trong Ringu vẫn còn được để ngỏ như một bí ẩn và để trí tưởng tượng của khán giả tự lấp vào những khoảng trống ấy.
Chính nhờ cách làm thông minh ấy mà cho đến ngày nay, vòng tròn Ringu vẫn được mở rộng để đón những fan dòng phim kinh dị muốn thưởng thức nỗi sợ tột cùng.
Thịnh Joey