"Tội lỗi cuối cùng" là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Trần Phương, ra mắt năm 1980 với sự tham gia của tài tử điện ảnh Trần Quang, diễn viên Phương Thanh, Đặng Việt Bảo, Minh Châu, Diệu Thuần... Phim nói về hành trình của Hiền "Cá Sấu" từ một cô gái giang hồ thành người phụ nữ lương thiện. Thông điệp nhân văn cùng diễn xuất của dàn diễn viên giúp phim giành giải "Bông Sen Bạc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ năm vào 1980. NSƯT Phương Thanh đảm nhiệm vai Hiền "Cá Sấu". Chị thuyết phục người xem khi diễn tả hai giai đoạn một con người từ một phụ nữ ngang tàng, chán nản với cuộc đời thành một người yêu và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống. Vai diễn đem lại cho nữ nghệ sĩ giải "Bông Sen Vàng" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ năm. Đạo diễn Trần Phương kể lý do ông chọn Phương Thanh vì vẻ ngoài của cô nhìn hiền hậu nhưng có những xáo động rất lạ lùng trong nội tâm, hợp với tính cách nhân vật. Phương Thanh tên thật là Phương Thị Thanh, sinh năm 1956 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa hai Trường Điện ảnh Việt Nam. Ngoài vai Hiền "Cá Sấu", Phương Thanh còn diễn xuất trong các phim "Ai giận ai thương"," Lưu lạc" , "Bãi biển đời người", "Ông Hai Cũ", "Kỷ niệm đồi trăng"... Năm 30 tuổi, sau khi đóng "Kỷ niệm đồi trăng", Phương Thanh kết hôn với bạn diễn trong phim - NSƯT Anh Dũng và có chung một con gái. Sau khi lập gia đình, Phương Thanh ít hoạt động nghệ thuật. Chị mất năm 2009 do tai biến mạch máu não. Vai diễn cuối cùng của nghệ sĩ là bà mẹ trong phim truyền hình "Mùa cưới". Đảm nhận vai quản giáo Tuấn là diễn viên Đặng Việt Bảo (còn gọi là Đặng Lưu Việt Bảo). Trong phim, Tuấn là một chiến sĩ công an tận tụy, nghiêm khắc, sống và hành động theo lý tưởng. Diễn viên Đặng Việt Bảo nhớ lại một kỷ niệm của phim: "Quy định của ngành công an là không được yêu phạm nhân. Nhưng trong phim, tôi và Phương Thanh phải diễn sao cho ra hai người yêu nhau mà không thể bộc lộ, cũng không đến được với nhau". Đặng Việt Bảo tốt nghiệp lớp diễn viên trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 1977. Sau phim "Tội lỗi cuối cùng", anh tiếp tục ghi dấu ấn với vai liệt sĩ trong phim "Bao giờ cho đến tháng 10" (1984). Sau hơn 10 năm đóng vai bộ đội, công an, công nhân... Đặng Việt Bảo chuyển qua học đạo diễn. Anh là đạo diễn của nhiều phim truyền hình gây tiếng vang như "Ảo ảnh trắng", "Cỏ đuôi gà", "Gió nghịch mùa", "Thứ ba học trò"... Ngoài làm phim, đạo diễn Đặng Việt Bảo còn tham gia giảng dạy tại trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Tướng cướp Lê Vân trong phim ghi dấu ấn bởi vẻ đẹp lãng tử nhưng độc ác đến lạnh lùng, sẵn sàng đoạt mạng kẻ nào cản trở đường đi của mình. Lê Vân từng "vào sinh ra tử" với Hiền "cá sấu" nên luôn muốn kéo cô trở lại con đường cũ trong khi Hiền khao khát làm lại cuộc đời. Đảm nhận vai diễn này là tài tử Trần Quang. Sinh năm 1942 tại Vientiane (Lào), Trần Quang từng tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (1960 - 1963). Ông bắt đầu đóng phim vào năm 1968, đoạt giải "Nam diễn viên xuất sắc" qua vai Hoàng Guitar trong phim "Vết thù trên lưng ngựa hoang" năm 1971. Ngoài "Tội lỗi cuối cùng", Trần Quang còn đóng cặp cùng Phương Thanh trong phim "Cầu Rạch Chiếc" của đạo diễn Lê Mộng Hoàng (trái). Bộ phim cuối cùng ông tham gia tại Việt Nam mang tên "Vết thù năm tháng" (1982). Năm 1982, Trần Quang sang Mỹ định cư. Tại đây, ông theo học một khóa tu nghiệp về đạo diễn và sản xuất phim ở Hollywood Film Institute. Sau khi tốt nghiệp, Trần Quang làm MC và diễn kịch để sinh sống... Những năm gần đây, ông thường xuyên đi về giữa Mỹ và Việt Nam cho các dự án phim điện ảnh. NSƯT Bùi Cường đảm nhận một vai giang hồ nhỏ trong phim. Ông nhận nhiệm vụ của Lê Vân sát hại Hiền "cá sấu" và Điệp - bạn của Hiền - bằng cách dàn cảnh như một vụ tai nạn giao thông. Bùi Cường học lớp diễn viên điện ảnh khóa hai cùng Phương Thanh. Ông từng thành công với các vai Năm Hòa trong "Biệt động Sài Gòn" (giữa), Quang trong "Không có đường chân trời", Trần Quân trong "Kẻ giết người"... nhưng vai diễn khiến Bùi Cường được khán giả nhắc nhiều là Chí Phèo trong "Làng Vũ Đại ngày ấy" (trái). Thời gian sau đó, Bùi Cường chuyển qua làm đạo diễn. Bộ phim đầu tay của ông mang tên "Người hùng râu quặp". Đến nay, ông đã sản xuất khoảng 80 tập phim truyền hình. Trong đó, "Vị tướng tình báo và hai bà vợ" đã giành huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc vào năm 2004. NSƯT Minh Châu đóng vai trung sĩ Nga (trái) - một nữ chiến sĩ cảnh sát ôn hòa, quan tâm sát sao đến đời sống phạm nhân. Sau phim "Tội lỗi cuối cùng", Minh Châu ghi dấu ấn khi vào vai cô gái điếm tên Nguyệt trong phim "Cô gái trên sông". Vai diễn mang lại cho bà giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ tám vào năm 1988. Minh Châu tiếp tục được vinh danh lần thứ hai tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ chín với vai Liên trong phim "Người đàn bà nghịch cát" của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Thành công trong cả điện ảnh và truyền hình nhưng Minh Châu lại không may mắn trong đời sống riêng khi sớm chia tay chồng, đơn thân nuôi con. Hiện nữ diễn viên sống cùng con gái tại Hà Nội. NSƯT Diệu Thuần đóng vai người yêu của giám thị Tuấn trong phim (trái). Diệu Thuần sinh năm 1957 tại Hải Phòng, học diễn xuất cùng khóa với Phương Thanh, Bùi Cường. Sau vai diễn trong "Tội lỗi cuối cùng", Diệu Thuần đảm nhận vai chính trong phim "Ngày ấy bên sông Lam". Vai diễn đem về cho chị giải "Nữ diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ sáu (1986). Sau bộ phim, chị và NSND Phạm Quang Vinh - người làm bối cảnh cho phim - cũng nên duyên vợ chồng. Từ đó đến nay, Diệu Thuần có hàng trăm vai diễn trong các phim điện ảnh và truyền hình. Với những đóng góp của mình, Diệu Thuần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1997. Châu MỹNSƯT Phương Thanh qua đời Những tài tử đời đầu của điện ảnh Việt Nam