Bỏ ngang trường y để học trường sân khấu, nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng (Nguyễn Anh Dũng) chọn cuộc sống gắn liền với đam mê nghệ thuật từ thuở đôi mươi. “Nhờ có chút tài lẻ, biết đàn hát và từng tham gia sân khấu quần chúng từ thời còn học phổ thông nên tôi đến với nghề bước đầu không mấy khó khăn. Vả lại, vì đam mê, tôi đã nhìn vào những sáng tạo của các đồng nghiệp bậc thầy như Đào Mộng Long, Trần Tiến mà phấn đấu”, nghệ sĩ kể lại hồi năm 2013.
Không lâu sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Việt Nam năm 1971, Nguyễn Anh Dũng về hoạt động tại Nhà hát Kịch Việt Nam. “Vai Ngọ trong vở kịch Đâu có giặc là ta cứ đi của cố nghệ sĩ Ngô Y Linh là vai diễn đầu tiên của tôi khi về Nhà hát Kịch Việt Nam”. Đây cũng là một trong những vai diễn đầu đời của ông.
Sau đó, nam diễn viên đóng nhiều vở nổi tiếng như Ngêu sò ốc hến, Ca sĩ đười ươi, Hồn Trương Ba da hàng thịt hay Người cha thô bạo. 40 năm gắn bó với Nhà hát, ông đều đặn hóa thân thành hàng loạt tính cách khác nhau. Năm 2009, sau khi chuyển công tác sang cơ quan khác, ông vẫn đảm nhận một vai trong vở Nhân danh công lý.
Với diện mạo hiền hậu, chất phác và thân thiện, nghệ sĩ Anh Dũng chủ yếu hóa thân thành những nhân vật chính diện có tính cách trung hậu. Trong Hồn Trương Ba da Hàng thịt, ông hóa thân thành người con cả nông dân chất phác của ông Trương Ba. Trong vở kịch lấy bối cảnh Nhật Bản - Matsu, Kẻ sống ngoài vòng pháp luật, nam diễn viên Việt Nam vào vai anh kéo xe Matsu nghèo nhân hậu, yêu thương và là chỗ dựa tinh thần của một phụ nữ đài các, vợ góa của một viên sĩ quan. Mối tình éo le của họ khiến dư luận nhòm ngó.
Từ sau 30 tuổi, song song với diễn sân khấu, nghệ sĩ Anh Dũng đóng nhiều phim điện ảnh và cũng gây ấn tượng màn bạc với nhiều vai đột phá. Hai bộ phim mà ông nhớ và hài lòng nhất là Kỷ niệm đồi trăng (1986) và Cô gái trên sông (1988). Được nhà văn Võ Khắc Nghiêm viết kịch bản và nhà làm phim Hà Văn Trọng đạo diễn, Kỷ niệm đồi trăng xoay quanh tình yêu của một cặp trai tài gái sắc ở vùng công nghiệp mỏ Quảng Ninh những năm đổi mới.
Trong phim, Anh Dũng vào vai Hòa - một công nhân lái máy xúc yêu văn nghệ có tài chơi đàn guitar, còn nghệ sĩ Phương Thanh vào vai cô công nhân ngành than trong sáng, mơ mộng và mạnh mẽ tên là Kiều Oanh. Tuy có quan điểm khác nhau, cả hai đều là nhân vật chính diện và có tính cách hài hòa dễ mến. Trong phim có một cảnh hôn lãng mạn trên đồi trăng được hai nghệ sĩ đóng thật. Bộ phim đẹp giúp Anh Dũng và Phương Thanh nên duyên vợ chồng.
Trong khi vai diễn của Kỷ niệm đồi trăng là bộ phim để lại kỷ niệm đặc biệt với vợ chồng nghệ sĩ Anh Dũng, nhân vật trong Cô gái trên sông của ông là vai đột phá nhất so với hàng trăm vai diễn sân khấu và màn ảnh khác. Trong tác phẩm kể về cuộc đời éo le của một cô gái bán hoa trên sông Hương khi thời thế thay đổi, Anh Dũng vào vai Thu - người chiến sĩ giải phóng mâu thuẫn với chính mình. Thuở còn hoạt động cách mạng, nếm mật nằm gai, Thu từng được cô gái bán hoa miền trong cưu mang, giúp đỡ và anh yêu cô. Tuy vậy, sau giải phóng, Thu trở thành một vị quan chức lớn, phụ bạc người xưa, sống cuộc đời của mình.
Vai diễn đa diện này của nghệ sĩ Anh Dũng là một vai gai góc trong bộ phim đặc sắc của NSND Đặng Nhật Minh. Nhờ nhân vật có tính cách và một câu chuyện day dứt, bộ phim từng tham dự LHP Toronto, nghệ sĩ Minh Châu (người vào vai nữ chính) và nghệ sĩ Anh Dũng đều khẳng định được vị trí trong làng điện ảnh Việt Nam.
Ngoài diễn xuất ăn ý với Minh Châu trong Cô gái trên sông, nghệ sĩ Anh Dũng cũng có tương tác màn ảnh với nhiều nữ nghệ sĩ nổi bật khác như NSƯT Hà Xuyên, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Lan Hương...
Tự nhận định bản thân là người luôn say mê và nỗ lực hết mình, có năng khiếu cộng với ý thức trách nhiệm cao với xã hội, nghệ sĩ Anh Dũng luôn muốn tự khám phá bản thân qua nhiều công việc. Thập niên đầu thế kỷ 21, ông nắm giữ vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng viết kịch bản và đạo diễn nhiều phim truyền hình như Ngôi nhà trên cát, Người trong cuộc, Niệm khúc cuối, Tìm người trong tranh...
Từ năm 2009, sau khi thôi làm quản lý, NSƯT Anh Dũng trở lại với màn ảnh qua nhiều vai diễn. Trên truyền hình, người xem thường thấy những nhân vật dung dị, hòa đồng và nhiều ưu tư của một nghệ sĩ gạo cội có kỹ năng diễn xuất thuần thục. Vai diễn trong phim dài tập Vệt nắng cuối trời là một trong số những vai như vậy. Trong bộ phim gia đình thuần Việt gây chú ý năm 2010, NSƯT Anh Dũng vào vai ông bố trong gia đình lớn với ba thế hệ cùng những rắc rối đời thường, những suy tư, trăn trở. Đây cũng là một trong những vai diễn cuối cùng của nam diễn viên gạo cội.
Dù làm nhiều công việc khác nhau, nghệ sĩ Anh Dũng khẳng định: “Trước sau tôi vẫn là một người nghệ sĩ”.
Nam diễn viên đã đóng vài trăm vở kịch sân khấu và phim điện ảnh, truyền hình qua đời ngày 30/4, hưởng thọ 64 tuổi.
Vũ Văn Việt