Ngày 9/4, thi hài nghệ sĩ Anh Vũ được đưa từ Mỹ về TP HCM làm tang lễ. Bên cạnh gia đình, đồng nghiệp thân thiết, từ sớm, người dân vây kín địa điểm gần chùa Ấn Quang (quận 10) chờ linh cữu xuất hiện. Ngoài khán giả mộ điệu muốn dành tình cảm tiễn biệt nghệ sĩ, một đội quân Youtuber chực chờ quay hình, livestream... phục vụ người xem trên mạng xã hội.
"Đây là bố của Anh Vũ", một Youtuber vừa giơ cao điện thoại vừa nói lớn. "Like và chia sẻ liên tục nhé!", "Các bạn muốn quay cảnh gì thì để lại comment ở đây", "Các bạn hãy nhanh chóng đăng ký theo dõi kênh của mình"... là lời kêu gọi của những người livestream. Ở một góc nhà quàn chiều 9/4, Đức Tiến và nhiều nghệ sĩ khác bị một nhóm người vây quanh phỏng vấn. Không nhắc gì về người quá cố, các câu hỏi tập trung vào đời sống riêng tư, chuyện gia đình nghệ sĩ. Âm thanh huyên náo xen lẫn tiếng chuông chùa, át tiếng sư thầy và Phật tử đọc kinh, cầu nguyện cho người đã mất.
Một bộ phận khán giả còn đến đám tang vì hiếu kỳ, muốn được gặp các nghệ sĩ hay đơn giản chỉ để "check-in" trên mạng xã hội. Họ chuẩn bị điện thoại, chỉ cần sao đến là ùa tới xin "selfie". Một tài khoản Facebook mới đây bị chỉ trích vì chia sẻ ảnh "bắn tim" trước cáo phó Anh Vũ. Nhưng vẫn còn rất nhiều tiếng cười đùa, những hành động chỉ trỏ, bàn tán... không thể ghi lại hết bằng hình ảnh. Khuya 10/4, an ninh được thắt chặt hơn. Tuy nhiên, nghệ sĩ nhí Ku Tin khi đến viếng vẫn bị người dân hai bên đường bẹo má, tranh nhau hôn...
Gia đình nghệ sĩ Anh Vũ không thể làm gì khác vì lực lượng an ninh quá mỏng, còn người dân kéo đến ngày càng đông. Khi gia đình cho đóng cổng khu vực làm lễ tang, nhiều người vẫn tiếp tục quay hình qua những khe cửa nhỏ.
Nhiều lễ tang của sao Việt như: Wanbi Tuấn Anh, Duy Nhân, Minh Thuận... cũng gặp áp lực từ đám đông. Năm 2013, khi đám tang Wanbi Tuấn Anh diễn ra tại nhà riêng, khán giả nhí cầm sổ, viết..., đến xin chữ ký các nghệ sĩ đến viếng. Nhiều người vẫn nhớ khoảnh khắc Đông Nhi khóc tìm đường thoát đám đông. Cô chỉ vào được nhà Wanbi khi có hai bảo vệ ra mở đường. Năm 2015, tại đám tang người mẫu Duy Nhân, nhiều người leo lên bàn để chụp ảnh linh cữu. Còn trong buổi viếng ca sĩ Minh Thuận năm 2016, một người đàn ông xin chụp ảnh cùng Hồ Ngọc Hà và bị cô phản ứng. Sự việc diễn ra tương tự với NSƯT Hoài Linh. Dù từ chối, nghệ sĩ hài vẫn bị nhiều người dân bám đuổi.
Không ít nghệ sĩ bày tỏ khi viếng tang đồng nghiệp, họ chịu áp lực lớn từ một bộ phận khán giả.
Rời tang lễ Anh Vũ, diễn viên Quốc Thuận kể: "Tôi vừa bước tới cổng chùa thì bị vài người níu áo đòi selfie, ai cũng hớn hở. Họ còn rủ tôi vô chụp hình chung với linh cữu". Ca sĩ Pha Lê đăng bức ảnh một nhóm Youtuber và người dân cười, chụp hình cùng nhau tại nhà tang lễ chùa Ấn Quang. Cô và nhiều nghệ sĩ đã chọn đến viếng sớm hoặc vào đêm muộn nhưng vẫn bị quấy rầy. Pha Lê chia sẻ: "Điều này ảnh hưởng lớn đến gia đình cũng như những người yêu thương và muốn đến viếng Anh Vũ lần cuối. Chúng tôi muốn ở lại lâu hơn nhưng phải về sớm vì quá ngán ngẩm".
Trên trang cá nhân, diễn viên Ngọc Lan nhận xét nhiều người đến đám tang nhưng không thắp hương cho người đã khuất, không cần quan tâm gia chủ là ai. "Họ chỉ cần lượt xem cao bởi kiếm tiền từ mạng xã hội bây giờ quá dễ. Tôi thấy đau xót và bất lực", Ngọc Lan chia sẻ.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi nói cô thấy buồn khi không khí tang lễ nghệ sĩ luôn xô bồ. "Ở lễ tang, người ta gọi tên, tôi làm ngơ thì bất lịch sự nhưng cười thì không có tâm trạng. Nhiều người xin vào viếng nhưng chắp tay, vái lạy qua loa trước linh cữu rồi cầm điện thoại quay chụp. Tang lễ không phải là nơi để vui vẻ. Nếu không thương tiếc cho người quá cố, bạn ít nhất cũng nên tôn trọng họ và gia đình". Diễn viên Tiến Luật, Mai Phương... cũng lên án gay gắt tình trạng tụ tập, gây huyên náo ở đám tang nghệ sĩ để đổi lấy những câu chuyện làm quà.
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý (70 tuổi) thở dài nhớ lại tình cảnh khổ sở vì bị giật tóc, xô đẩy hay bị chặn lại ở đám tang Anh Vũ. Khi về, bà cần đến bốn người bảo vệ mới lên được ôtô. Theo diễn viên gạo cội, văn hóa thần tượng đang bị biến dạng trước sự xô bồ của thời đại internet. Bà hồi tưởng đám tang cố nghệ sĩ Thanh Nga hơn 40 năm trước từng có vài nghìn người đến viếng, nhiều đoàn khán giả thuê xe đò từ miền Trung vào tận TP HCM bày tỏ sự thương tiếc. Nhưng theo bà, không khí lúc ấy vô cùng trang nghiêm và xúc động, ai nấy xếp hàng vào thắp hương rồi lặng lẽ ra về trong trật tự.
"Nghệ sĩ chúng tôi cống hiến để mang lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả. Nhưng đó là trên sân khấu. Còn đã nhắm mắt xuôi tay, không ai mong muốn tiếp tục thành trở thành trò mua vui, thỏa mãn sự hiếu kỳ. Ai cũng có quyền bày tỏ lòng ngưỡng mộ với nghệ sĩ. Nhưng hãy giữ lại cảm xúc đó trong lòng ở nơi tang gia bối rối. Xin tôn trọng người đã khuất", Kiều Mai Lý chia sẻ.