Vợ chồng nghệ sĩ Hán Văn Tình sống trong ngôi nhà cất tạm trên mảnh đất ruộng không sổ đỏ được họ mua cách đây vài năm. Ngôi nhà nằm cuối con ngõ ở phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, thuộc phố nhưng đặt chân tới là thấy đậm chất thôn quê.
Trong nhà không nhiều đồ giá trị nhưng khá mát mẻ, gọn gàng, hai vợ chồng ăn mặc giản dị tiếp khách. Cách trò chuyện của họ chân chất, không câu nệ, cầu kỳ. Chất giọng sang sảng, đậm chất quê của ông khiến người đối diện cảm thấy thật tự nhiên, thoải mái.
"Không nên hoãn cái sự sung sướng ấy lại" - Quềnh của Đất và người nói. Còn với Hán Văn Tình ngoài đời, đặc biệt những ngày này - khi thoát chết trở về sau cơn bạo bệnh, câu nói cửa miệng của ông là: "Bình thường thôi, có gì đâu".
Nghệ sĩ vui vẻ cho biết sức khỏe của ông đã tương đối tốt. "Nhận định chủ quan là đạt tới 80 - 90% so với ban đầu. Chỉ có điều mình luôn phải hết sức cẩn thận vì tuổi cũng cao rồi. Có những cái lặt vặt, trước kia không sao nhưng giờ trái gió giở trời là nó phát lên. Trước đây cắt móng tay không may phạm vào tí cũng chẳng sao, giờ có khi đau mất cả tuần", ông nói.
Không nằm viện nữa nhưng nam nghệ sĩ vẫn phải uống thuốc theo phác đồ điều trị. Hàng tháng ông đều phải trở lại bệnh viện chụp chiếu kiểm tra và lấy thuốc cho cả tháng. Viên thuốc đặc trị ung thư gây tác dụng phụ khiến ông thường bị mọc mụn nhọt khắp người. Hán Văn Tình cho biết dù phổi không còn đau nhưng khi hít thở sâu vẫn gây cảm giác tức và gờn gợn.
Có lẽ bản tính của ông là lạc quan. Nghệ sĩ kể lại cảm giác khi đối diện bệnh ung thư: "Mới đầu nghe kết quả mình cũng choáng, nhưng choáng 30 phút thôi, rồi phải bình thường ngay. Bởi người bệnh như mình mà không bình tĩnh, tư tưởng vững vàng thì người nhà sống làm sao được".
Xác định bệnh hôm hồi tháng 1, do thấy số tiền chữa trị quá lớn, nghệ sĩ nhất quyết đòi về chữa bằng xoa bóp, bấm huyệt. "Mình bảo vợ thôi không chữa được đâu, đi về. Biết đâu mình chết mà để lại nợ rồi vợ khổ, con khổ là mình không muốn". Khoảng ba tuần sau, bệnh phát nặng thì nghệ sĩ mới chịu đi bệnh viện. Hán Văn Tình cho biết những ngày đó ông xác định nằm giữa sự sống và cái chết nhưng vẫn phải lạc quan để động viên tinh thần vợ con.
Nam nghệ sĩ kể điều ông cảm nhận rõ nhất thời gian nằm viện là tình cảm của mọi người, từ đội ngũ bác sĩ, lãnh đạo các Bộ, Cục cho tới bạn bè nghệ sĩ và khán giả. "Cô Trà My tổ chức hai đêm diễn thu được 156 triệu đồng, anh Đàm Vĩnh Hưng gửi cho 20 triệu nữa là 176 triệu. Rồi nhiều bạn đồng nghiệp, có người mình còn không biết, những học trò sân khấu, một số bạn làm phim trẻ bây giờ cũng đến thăm. Khán giả từ trong nước, Đức, Tiệp... cũng gửi quà về. Có lẽ từ trước tới nay chỉ có Hán Văn Tình mới nhận được nhiều tình cảm của mọi người đến thế", nghệ sĩ nói.
Cảm kích trước những tấm lòng đó, ông tâm niệm phải sống sao cho thật tốt. "Sau khi rời viện, tôi thường đến những nơi tâm linh, đọc sách Phật. Phải sống sao để không làm khổ mình, không làm khổ người khác, không làm khổ vạn vật xung quanh. Cầu toàn cũng không được. Như thế này là vui rồi".
Cuộc sống của Hán Văn Tình giờ đây đạm bạc, ăn ngày hai bữa, chủ yếu ăn chay và chú trọng đủ chất. Thi thoảng ông tới một số sự kiện ở chùa nói về việc ăn chay, giảng về điều hay lẽ phải hay đến một số chương trình dành cho thiếu niên, nhi đồng. Ông nói: "Đi đâu mình thấy vui là được".
Tiếc đời người quá ngắn, không còn thời gian cống hiến cho nghệ thuật
Trước khi lâm bệnh, Hán Văn Tình là trưởng đoàn tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Hiện ông xin tạm nghỉ công việc để dưỡng sức. "Đáng lẽ năm 2018 thì về hưu nhưng giờ mình đang chờ nghị định 108 để về sớm. Làm sân khấu tuồng nặng lắm chứ không đơn giản".
Hỏi có ai mời đóng phim trở lại không, ông nói: "Hiện thì chưa thấy ai mời. Nếu mời chắc họ chỉ mời những dự án ngăn ngắn thôi, chứ phim dài đóng chưa xong đã đi rồi thì chết à. Người ta cũng phải tính toán chứ", Hán Văn Tình đùa. Nghệ sĩ cho biết gần đây ông chỉ tham gia một số tiểu phẩm truyền hình cho đài Hà Nội hay Bắc Ninh.
Hán Văn Tình hồ hởi kể chuyện ngày xưa, khi còn là đứa trẻ một mình từ Phú Thọ xuống Hà Nội thi tuyển vào trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. "Quê mình ở xã Văn Lang 'cả làng nói phét' đấy. Hồi đó học lớp 7, ở trên quê nói đến Hà Nội vẫn là điều trong mơ. Mình xuống Hà Nội trong ngày trời không nắng, không mưa, lên tầng thượng nhìn không biết hướng nào là nhà. Muốn khóc cũng không khóc nổi. Một mình mình tự mày mò, học hành. May được cụ Tốn - cụ tổ tuồng Bắc - và cụ Trà nhận là chỗ thân quen. Ngẫm lại thấy cuộc sống của mình tự lập nhiều. Đến giờ mình vẫn dạy con cái phải như thế".
Sau khi tham gia vai diễn đầy tính cách trong vở tuồng Không còn con đường nào khác, Hán Văn Tình được đạo diễn Lưu Trọng Ninh để mắt và chọn vào đóng phim nhựa Canh bạc. Từ đó, nghệ sĩ góp mặt trong nhiều phim cả điện ảnh lẫn truyền hình như Vụ áp phe Đông Dương, Hoa ban đỏ, Phía trước là bầu trời, Người thổi tù và hàng tổng, Đất và người, Bão qua làng...
Ngoài đời trông giản dị, chân chất nhưng Hán Văn Tình thường xuất hiện trong phim với những vai vừa gây cười vừa có chút ranh mãnh, tai quái. Ông lý giải: "Cá tính ngoài đời với phim ảnh nó cũng giống nhau ít thôi, chứ giống hệt thì chết. Ngoài đời, ít hay nhiều mình cũng là người nghệ sĩ, lại làm công tác quản lý nên bắt buộc phải có những khuôn thước nhất định. Chứ ba ngang ba ngửa như Chu Văn Quềnh hay cái anh Trương Tuần trong Người thổi tù và hàng tổng thì đâu có được. Nhân vật thuộc típ như thế thì mình phải đóng theo. Diễn viên phải dựa theo ý đồ của tác giả và đạo diễn".
Cát-xê cao nhất mà ông nhận được là từ phim Đất và người. Vợ ông góp vui: "Được lĩnh 10 triệu 600 nghìn đồng thì về đưa vợ 5 triệu, còn 5 triệu bảo giữ để đi đường nhưng rồi cũng chẳng tiêu gì". Thời chưa đổ bệnh, Hán Văn Tình cũng thường được mời đi diễn các show ở nhiều nơi, kiếm được khoảng chục triệu một tháng.
Nghệ sĩ chiêm nghiệm về cuộc sống: "Mình cảm thấy đời người quá ngắn ngủi. Mình muốn nhiều, thích nhiều lắm. Chẳng hạn muốn đưa đoàn tuồng đi diễn ở nhiều nơi, nhờ có cái tên của mình đi đây đó cũng thuận lợi hơn. Rất tiếc bây giờ thời gian không còn, sức khỏe không cho phép nữa thì phải chịu thôi. Tiếc lắm". Ngoài ra, vợ Hán Văn Tình cho biết con cái chưa đâu vào đâu cũng là một trong những điều khiến ông phải bận lòng.
Thu nhập hiện nay của nhà nghệ sĩ chỉ đến từ khoản lương tháng. Mỗi tháng ông nhận 5 triệu đồng từ Nhà hát Tuồng. Vợ ông từng là nhân viên Bệnh viện Xanh Pôn, về hưu nhận mức lương chưa đầy 4 triệu. Con trai cả của hai vợ chồng học công nghệ thông tin, ra trường chưa có việc làm trong khi cô con gái đang học năm thứ hai Đại học Nội vụ cũng cần tiền đóng học. May mắn chi phí thuốc men, điều trị của Hán Văn Tình phần nhờ bảo hiểm, phần khác được bệnh viện giúp đỡ nên bớt đi gánh nặng. Hán Văn Tình nói: "Đời nghệ sĩ nghèo nhưng mình phải bằng lòng với mình thôi".
Nghệ sĩ Hán Văn Tình xuất viện về nhà thì cách đây hơn bốn tháng, vợ ông đi xe máy lại bị tai nạn, phải phẫu thuật ở đầu gối. Những ngày này, sáng sáng, Hán Văn Tình lấy xe máy chở vợ đi trị liệu phục hồi chức năng sau chấn thương, ngồi đợi vợ rồi lại chở về.
Buổi chiều, hai vợ chồng lại đưa nhau tới nơi ông thực hiện các bài mát-xa hỗ trợ điều trị bệnh và ăn cơm chay tại đó. Kết thúc cuộc trò chuyện cũng đến giờ vợ chồng nghệ sĩ phải đi. Trên chiếc xe máy, Hán Văn Tình từ từ tăng ga chở vợ phía sau. Trên con ngõ lát bê tông, hai bên đầy màu xanh cây cối, hình ảnh đôi vợ chồng đèo nhau làm người ngoài không khỏi nhớ tới câu nói của ông: "Bình thường thôi, có gì đâu".
* Xem thêm: Những trạng thái cảm xúc của nghệ sĩ Hán Văn Tình
Anh Sa
Ảnh: Quý Đoàn