Michelle Mone trong "Hành trình vươn tới đỉnh cao của bà trùm nội y"
Cuốn tự truyện do "bà trùm nội y" Michelle Mone viết vào năm 2015. Nữ doanh nhân 46 tuổi kể hành trình vươn lên trong cuộc sống. Tuổi ấu thơ của Michelle Mone gắn liền với khu ổ chuột vùng Đông Bắc Scotland. Năm 15 tuổi, Michelle Mone bỏ học để làm người mẫu. Sau nhiều khó khăn, cô nỗ lực để trở thành một trong những nhà sáng tạo nổi tiếng toàn cầu. Hiện nay, Michelle Mone sở hữu nhãn hiệu thời trang nổi tiếng Ultimo, đồng thời có chức tước trong Hoàng gia Anh.
Michelle Mone viết: "Nếu bạn không thành công, đừng đổ lỗi cho những người xung quanh. Đừng đổ lỗi cho anh này hay cô nọ, hoàn cảnh đó - hãy tự trách bản thân. Bạn làm chủ cuộc đời mình, nếu bạn có đam mê, tham vọng hay thậm chí những giấc mơ điên rồ nhất, bạn có thể biến chúng thành hiện thực: chỉ cần nắm quyền kiểm soát và đừng bao giờ từ bỏ".
Doanh nhân Peter Jones nhận xét Michelle Mone là phụ nữ không lùi bước trong nỗ lực theo đuổi các thành tích cao. Tỷ phú John Caudwell cho rằng Michelle sở hữu sáu yếu tố then chốt tạo nên thành công. Đó là khát vọng, động lực, đam mê, kiên trì, sự nhạy bén trong thương mại và tài lãnh đạo.
Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy trong "Bản lĩnh Jackie Kennedy"
Jacqueline Lee Bouvier Kennedy Onassis (1929 - 1994) là vợ của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Bà thường được gọi thân mật là Jackie.
Tác giả người Mỹ - Maud Guillaumin - soi chiếu cuộc đời Đệ nhất phu nhân từ những biến cố chấn động lịch sử, chính trị nước Mỹ. Jackie Kennedy được coi là biểu tượng mạnh mẽ đấu tranh cho nữ quyền thế kỷ 20. Trong Bản lĩnh Jackie Kennedy, chân dung của bà hiện lên với đầy đủ sắc thái: hạnh phúc, khổ đau, hờn ghen rồi tha thứ, bảo thủ lẫn cởi mở, khiêm nhường nhưng quyết liệt...
Jackie thích đọc sách, làm thơ. Mẹ của Jackie được miêu tả là cổ hủ và nghiêm khắc, uốn nắn các con tuân thủ những quy tắc về tính cách, trang phục và lề thói của giai tầng thượng lưu. Chịu ảnh hưởng của nền giáo dục châu Âu, Jackie Kennedy ý thức sâu sắc về hình ảnh cá nhân của mình và thấu hiểu tầm quan trọng của các biểu tượng đối với chính trị. “Tôi không hiểu tại sao một người đàn ông có thể làm mọi thứ cho một tấm phiếu bầu, lại không chịu cố gắng để tạo nên một hình ảnh đẹp đẽ”, lời của Jackie Kennedy được Maud Guillaumin ghi trong cuốn sách.
Sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị sát hại, bà được thừa hưởng hàng chục triệu USD. Thế nhưng, Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ quyết định đi làm, trở thành biên tập viên cho nhà xuất bản. Tiếp đó, bà lao vào cuộc đấu tranh bảo tồn di sản văn hóa Mỹ và ngăn chặn các chính sách xây dựng làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Coco Chanel trong "Thánh kinh Coco Chanel"
Cuốn sách của tác giả người Mỹ - Karen Karbo - lấy cảm hứng từ cuộc đời của "bà đầm" Coco Chanel - người tạo ra cuộc cách mạng giải phóng cơ thể phụ nữ khỏi lối ăn vận cổ điển và khởi xướng tinh thần tự do trong thời trang.
Coco Chanel có thời niên thiếu khó khăn khi sống trong trại mồ côi. Lên 18 tuổi, bà rời khỏi tu viện, đi hát thuê tại các quán rượu trong thị trấn. Cũng thời gian này, Coco bắt đầu học may vá. Bằng nghị lực và ý chí, bà đã vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt để biến cuộc đời, phong cách cá nhân thành niềm cảm hứng cho phái đẹp.
Coco Chanel (1983 - 1971) nằm trong danh sách 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20 do Tạp chí Times bình chọn. Nữ doanh nhân tạo dựng thương hiệu thời trang nổi tiếng Chanel bằng khối tài sản kếch sù từ ngành công nghiệp sáng tạo. Trải qua hơn 100 năm, vật dụng đính mác Chanel luôn là niềm khao khát của nhiều tín đồ thời trang trên thế giới.
Doanh nhân Oprah Winfrey trong "Những điều tôi biết chắc"
Cuốn sách là tự truyện của Oprah Winfrey về nỗ lực khẳng định bản thân. Cô hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, truyền hình và từng đoạt giải Emmy dành cho người Mỹ gốc Phi. Tháng 9/2006, tạp chí Forbes đưa Oprah Winfrey vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, với vị trí thứ 14.
Oprah Winfrey có quá khứ đau buồn. Hồi nhỏ, Oprah bị bạn bè kỳ thị vì làn da sẫm màu. Lên chín tuổi, cô bị bạn trai của dì họ xâm hại tình dục, dẫn đến có bầu. Trong Những điều tôi biết chắc, cô viết: "Nói tôi nghe nào, bạn biết chắc những gì về bản thân, cuộc sống... Lắm lúc một câu trả lời chẳng phải dễ kiếm ra. Nhưng đúng lúc tôi sẵn sàng giương cờ trắng và thét lên 'Thế đấy! Tôi chẳng biết gì hết' lại nhận ra mình đang dắt cún cưng đi dạo, đun một ấm trà hay ngâm mình trong bồn tắm. Chẳng biết từ đâu, một khoảnh khắc sáng tỏ sẽ đưa tôi trở về với điều gì đó mà trong óc, trong tim và tự bản năng, tôi hoàn toàn thấu suốt, vượt qua khỏi bóng tối nghi ngại".
Thủ tướng Đức trong "Angela Merkel - Thế giới của vị nữ Thủ tướng"
Cuốn lược sử do nhà báo người Đức - Stefan Kornelius - thực hiện, dựa theo tư liệu và quan sát riêng về khoảng thời gian hoạt động của nữ Thủ tướng Angela Merkel. Chân dung Thủ tướng hiện lên rõ nét qua cách bà giải quyết các vấn đề sau chiến tranh lạnh như: khủng hoảng nợ công, nội bộ EU bất đồng, quan hệ căng thẳng giữa Đức với cường quốc khác.
Bên cạnh tái hiện hình ảnh chính trị gia, cuốn sách giúp độc giả hiểu hơn về Merkel qua đời sống cá nhân. Nhà báo Stefan Kornelius dành một chương viết về thời thiếu nữ của Thủ tướng Đức. Bà thường xuyên đi nhờ xe đến Tbilisi, rồi trở thành khách mời danh dự của Nhà Trắng (Mỹ). Ngoài ra, cuốn sách còn khắc họa những trăn trở, lo nghĩ của bà trước vấn đề quyền phụ nữ, con người.
Angela Merkel từng lọt vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn qua các năm 2006, 2007, 2008. Tạp chí Times chọn bà là nhân vật của năm 2015.
Công nương Diana trong "Diana: I’m going to be Me"
Sách như cuốn tiểu sử chi tiết về cuộc đời Công nương Diana do cựu phóng viên Hoàng gia Anh - Phil Dampier - thực hiện. Qua đó, độc giả thấy được hành trình của Diana từ những năm tháng tuổi thơ chịu cảnh cha mẹ ly dị đến cuộc hôn nhân vội vã với Thái tử Charles. Sau 15 năm chung sống, cả hai ly dị vào năm 1996.
Mặc dù chuyện tình cảm chịu nhiều bất hạnh, Công nương luôn sống bằng tinh thần lạc quan, hài hước, thậm chí có phần nghịch ngợm và táo bạo, vượt qua khuôn phép của Hoàng gia. Ngoài ra, cuốn sách còn ghi lại những lời phát biểu của Công nương trước người dân Anh. Diana: I'm going to be Me khơi dậy ký ức của công chúng về phụ nữ quả cảm, đấu tranh cho sự bất bình đẳng giới.
Năm 1997, Công nương qua đời sau vụ tai nạn xe hơi ở hầm cầu Alma (Pháp). Sau đó, ca sĩ Elton John viết ca khúc Candle in the wind nhằm tưởng nhớ sự ra đi đột ngột của bạn thân.
Nữ hoàng Elizabeth II trong "Her Majesty Queen Elizabeth II"
Cuốn tiểu sử về nữ hoàng do sử gia người Anh - Robert Lacey - thực hiện vào năm 2002. Elizabeth II (Elizabeth Alexandra Mary) sinh năm 1926 trong gia đình quyền quý tại London (Anh). Cha bà sau này trở thành vua George VI. Năm 1947, Elizabeth kết hôn với hoàng thân Philip.
Năm 1951, sức khỏe của vua George VI yếu dần, Elizabeth thay cha đảm nhận công việc ngoại giao. Tháng 10 cùng năm, trong chuyến thăm Canada, Mỹ, công chúa mang theo bản thảo tuyên bố lên ngôi phòng khi vua cha qua đời lúc bà không có mặt ở Vương quốc Anh.
Sau khi cha mất, Elizabeth II tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước vào năm 1953. Đến nay, bà là người giữ vương quyền lâu nhất Vương quốc Anh (66 năm).
Nữ hoàng Ai cập Cleopatra trong "Cleopatra: A life"
Qua trang viết của tác giả người Mỹ - Stacy Schiff, chân dung nữ hoàng nổi tiếng trong lịch sử thế giới được tái hiện sinh động. Mặc dù phần lớn nội dung cuốn sách dựa trên những tư liệu về quá khứ, nhà văn cũng đặt ra nghi vấn về độ xác thực của chúng.
Cleopatra, một hậu duệ của triều đại Ptolemy, đã cai trị Ai Cập gần 22 năm trong nhung lụa giàu sang. Triều đại này vốn có dòng dõi Hy Lạp, thường có bản tính tàn bạo. Họ là những chúa đất lớn, thường xuyên tiệc tùng xa hoa.
Sau khi Cleopatra chết, binh lính của Octavian (người sau này trở thành Hoàng đế Augustus của La Mã) giết hại con trai trưởng của bà. Bàn về sức ảnh hưởng của nữ hoàng Ai Cập, nhà văn bình luận: “Sau 2000 năm liên tục xuất hiện trên báo chí, văn chương, điện ảnh và opera, không thể phủ nhận Cleopatra là một nữ hoàng tài giỏi, khôn ngoan, biết nắm bắt cơ hội và là một nhà chiến lược hàng đầu trong lịch sử”.
Trọng Trường