The Girl Who Leapt Through Time là bộ phim ra mắt năm 2006 của điện ảnh Nhật Bản. Ngay sau khi ra mắt, tác phẩm tạo được hiệu ứng truyền miệng và đánh giá cao của giới chuyên môn. Gây sốt ở rạp chiếu trong nước, phim thu về 260 triệu Yên Nhật. Tác phẩm sau đó giành vô số giải thưởng quốc tế và luôn nằm trong danh sách các phim hoạt hình điện ảnh hay nhất của Nhật Bản.
Cuối tháng 10 vừa qua, phim được giới thiệu trở lại trong phòng chiếu hiện đại bậc nhất ở Tokyo trong khuôn khổ liên hoan phim Quốc tế Tokyo cuối tháng 10. Phòng chiếu 400 ghế chật kín khán giả. Hơn nửa người xem là những người từng kéo đến rạp thưởng thức tác phẩm một thập niên trước. Sau khi phim kết thúc, người hâm mộ thuộc nhiều thế hệ thổn thức vì nhớ lại trải nghiệm năm xưa. Sau tròn một thập kỷ, tác phẩm mang một sức sống tiềm tàng khiến ngay cả đạo diễn Mamoru Hosoda cũng phải bất ngờ.
Có nhiều thứ tạo nên thành công bất ngờ cho The Girl Who Leapt Through Time nhưng dường như yếu tố đầu tiên là câu chuyện đầy cảm xúc về sự trưởng thành.
Được dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Tsutsui Yasutaka, nội dung kể về cô nữ sinh 17 tuổi – Makoto Kanno – bỗng một ngày có khả năng “nhảy cóc” thời gian. Cô sử dụng năng lực đặc biệt này để sửa chữa những sai lầm của bản thân như khắc phục thành tích học tập, mối quan hệ với những người xung quanh. Nhưng cũng từ đó, mối quan hệ của cô với hai người bạn trai thân là Kousuke và Chiaki thay đổi mãi mãi. Đến khi Makoto nhận ra mặt trái của sức mạnh đi ngược thời gian, cô tìm mọi cách để thay đổi những ký ức của quá khứ…
Đó là một câu chuyện gần gũi với mọi thế hệ, mọi thời kỳ. Ai cũng từng ít nhất một lần phạm sai lầm, vấp ngã và muốn quay ngược thời gian để sửa chữa, ngăn chặn nó xảy ra. Cách xây dựng nhân vật Makoto với năng lực đặc biệt này đánh vào tâm lý mơ mộng của người xem, kích thích trí tò mò về diễn biến tiếp theo. Các cung bậc cảm xúc trong tâm lý Makoto được thay đổi một cách logic, đầy tính thuyết phục và được đẩy lên cao rồi vỡ òa trong đoạn kết. Tình yêu, tình bạn và sự trân trọng về thời gian được khai thác một cách tinh tế trong câu chuyện phim.
Hình ảnh của phim giản lược các nhân vật nhưng lại công phu, nuột nà ở từng bối cảnh. Lối vẽ Makoto, Kousuke hay Chiaki khá đơn giản nhưng những khung hình bao quanh các nhân vật đều đẹp ở từng chi tiết. Từ 10 năm trước, nhiều khán giả đã choáng ngợp với cảnh Chiaki đạp xe đèo Makoto lúc chiều tà hay khu vườn nhà của Makoto lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Đến nay, những hình ảnh đó một lần nữa lại làm rung động cả những khán giả cũ lẫn mới có dịp được thưởng thức trên màn ảnh rộng.
Thông điệp “Thời gian chẳng chờ đợi ai” (Time waits for no one) luôn đúng dù ở thời kỳ nào. Ai được sinh ra rồi cũng sẽ lớn lên, trải qua tuổi mới lớn đầy biến động khi tâm lý, cảm xúc thay đổi. Thời kỳ ấy rồi cũng sẽ qua đi sau những vấp ngã đầu đời và dành chỗ cho sự trưởng thành. Thời gian cứ thế trôi đi để đến một lúc mọi thứ chỉ còn là những ký ức, kỷ niệm vui – buồn. Không giảng giải chân lý hay bài học nào mà thông qua 98 phút, đạo diễn Mamoru Hosoda đã dùng ngôn ngữ điện ảnh để tạo cho người xem những cảm xúc, suy ngẫm về thời gian.
*Trailer phim "Cô gái vượt thời gian"
Nguyên Minh