Điện ảnh châu Âu thường đi tiên phong về những thử nghiệm mới trong cách kể chuyện. Hàng năm tại các liên hoan phim ở khu vực này, nhiều tác phẩm với ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, khác lạ được phát hiện và khiến giới chuyên môn bàn tán sôi nổi. Victoria (Cô gái di cư) là bộ phim của điện ảnh Đức được nhắc tới nhiều nhất trong hai năm trở lại đây, với phong cách đã được các nhà làm phim giới thiệu ngay trên poster: “Một thành phố. Một đêm. Một cú máy”. Đây không phải là tác phẩm đầu tiên sử dụng hình thức kể chuyện này nhưng đến nay vẫn là dài nhất - 140 phút.
Cốt truyện xoay quanh nhân vật chính là cô gái trẻ người Madrid (Tây Ban Nha) tới Berlin (Đức) làm việc tại một quán café. Trong một đêm nọ, khi vừa ra khỏi quán bar để đạp xe về nhà, Victoria kết bạn với bốn thanh niên người Berlin – Sonne, Boxer, Blinker và Fuss. Ngay trong đêm, họ có một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, từ việc leo lên tầng thượng một tòa cao ốc đến cùng thực hiện một phi vụ ngầm mạo hiểm tới tính mạng. Mới di cư tới Berlin và chưa có người bạn nào, Victoria đã có những trải nghiệm tuổi trẻ dữ dội chỉ trong một đêm bên những người xa lạ…
Phim mở đầu bằng tiếng nhạc điện tử chát chúa của DJ người Đức – Koze. Ánh đèn neon nhấp nháy tới mức nhức mắt của một vũ trường đậm chất châu Âu và hình ảnh những người trẻ đang lắc lư, say mê trong điệu nhạc dẫn dắt người xem bước vào cuộc sống về đêm ở Berlin – thủ đô nước Đức. Đạo diễn hình ảnh người Đan Mạch - Sturla Brandth Grøvlen – đã sử dụng máy quay Canon EOS C300 để hoàn thành tác phẩm mà chẳng cần dùng tới Steadicam (dụng cụ để chống rung, lắc khi di chuyển máy).
Với một lần bấm máy kéo dài liên tục hơn hai tiếng, Sturla đưa người xem từ vũ trường bước ra đường phố Berlin, leo lên tầng thượng chung cư, vào quán café, chui xuống garage, bước lên mặt đất xong lại vào khách sạn… Điểm độc đáo nhất của Victoria nằm ở việc chỉ một cú máy duy nhất và không được phép biên tập, phim đưa người xem theo dõi trực tiếp câu chuyện về một đêm không ngủ ở Berlin của những người trẻ theo cách chân thật, hồi hộp với nhiều cung bậc cảm xúc. Hình thức kể chuyện này đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa quay phim, đạo diễn cùng các diễn viên. Họ phải thực sự sống trong câu chuyện bởi chỉ cần một sơ ý nhỏ, mọi thứ phải làm lại từ đầu.
Êkíp làm phim đã quay tổng cộng ba lần và lần quay cuối cùng chính là phiên bản được lựa chọn thành phim. Thời gian quay hoàn chỉnh của đoàn từ 4h30 sáng đến 7h sáng ngày 27/4/2014 ở khu vực Kreuzberg và Mitte (Berlin). Kịch bản phim chỉ dài 12 trang và đa phần thay đổi trong quá trình quay nên ở phần credit cuối phim, các biên kịch đã dùng từ “câu chuyện” thay cho “kịch bản”. Quá trình sản xuất, diễn tập được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng đến lúc quay, mọi thứ đều diễn ra rất tự nhiên, từ ánh sáng đèn đường, ánh sáng vũ trường cho tới chiếc xe cảnh sát tình cờ chạy qua ống kính.
Sử dụng một cú máy để kể toàn bộ câu chuyện kéo dài hơn hai tiếng là hình thức thể hiện mang tính rủi ro rất cao. Trước đây, nhiều bộ phim như Running Time, Enter the Void hay “Phim hay nhất” của Oscar 2015 – Birdman – đã dùng kỹ thuật cắt dựng để tạo cảm giác là một cú máy, dù thực chất quá trình quay không hề xuyên suốt. Tuy nhiên ở Victoria, người xem có thể thấy rõ rệt cảnh quay không hề bị ngắt quãng. Chính vì vậy, vai trò của nhà quay phim còn quan trọng hơn đạo diễn. Trong phần giới thiệu cuối tác phẩm, tên của đạo diễn hình ảnh Sturla Brandth Grøvlen đã được trân trọng giới thiệu đầu tiên, trước cả tên đạo diễn Sebastian Schipper.
Ở đoạn đầu phim, Victoria có thể khiến nhiều khán giả hơi bị xao nhãng khi bắt đầu làm quen và tò mò để ý tới kỹ thuật quay. Nhưng càng về sau, câu chuyện lại càng có sức nặng, dẫn dắt người xem qua từng cung bậc cảm xúc – từ hài hước, lãng mạn tới hoang mang, hỗn loạn và một chút kích động. Nhìn ở góc độ thi vị hóa, Victoria là bộ phim về tuổi trẻ và những cuộc phiêu lưu liều lĩnh.
Cô gái trẻ Victoria tới một thành phố mới, làm quen với những thanh niên xa lạ và cùng họ thực hiện những chuyện điên rồ nhất chỉ trong một đêm. Máy quay đã bắt nhịp được những khoảnh khắc rất “phiêu” của các diễn viên, như khi Victoria chơi đàn Piano vào buổi sớm tinh mơ trong quán café, hay ánh mắt của Sonne và sự “đứng hình” của anh khi nghe những tâm sự, khát khao của cô gái trẻ Tây Ban Nha vừa mới quen. Mọi thứ cứ thế diễn ra tự nhiên, tràn đầy sức sống trước ống kính mà chẳng cần tới những hoạt cảnh cầu kỳ, trang phục phối màu cùng tông hay ánh sáng “đánh” bên này, “tỉa” bên kia.
Cách xây dựng nhân vật trong câu chuyện của Victoria cũng mang những nét gần gũi với cuộc sống thực. Một cô gái tri thức, dịu dàng như Victoria khi gặp thời điểm thích hợp sẽ nổi loạn, sẵn sàng đi chơi đêm với những người xa lạ để khám phá bản thân. Nhóm của Sonne – những anh chàng có ngoại hình bặm trợn, mồm nói tục suốt ngày, lúc nào cũng trong trạng thái say khướt – cũng có những phút yếu mềm.
Một kịch bản chỉ dài 12 trang với đa phần lời thoại cho diễn viên “tự biên tự diễn” nhưng khi trở thành một phim hoàn chỉnh, Victoria đã có một câu chuyện đầy màu sắc với đầy đủ cao trào.
Khi ra mắt tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin vào năm ngoái, phim nhận vô số lời tán dương của giới phê bình và giành giải thưởng Gấu Bạc. Tờ Hollywood Reporter nhận định đây là tác phẩm “tràn đầy cảm hứng, cuồng nhiệt và cho người xem cảm giác như đang đi tàu siêu tốc”. Trong 140 phút với bối cảnh câu chuyện diễn ra từ lúc nửa đêm tới tờ mờ sáng, tác phẩm đưa người xem đi từ những khoảnh khắc tươi vui, sôi động và trải qua những xung đột rồi để lại dư vị ngọt – đắng về tuổi trẻ và sự mộng mơ.
Trailer phim "Victoria" |
|
Nguyên Minh