Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là phim đầu tay của đạo diễn Mai Thế Hiệp. Dàn diễn viên gồm có Kim Xuân, Lê Bình, Dương Cường, Khắc Minh, Tấn Thi và Khánh Hiền.
Câu chuyện bắt đầu khi chàng nhân viên địa ốc tên Sơn (Dương Cường) đến một khu phố nghèo để thuyết phục người dân bán nhà. Tại đây, bà Tư (Kim Xuân) nhận anh là người con bỏ trốn 30 năm trước vì bị tình nghi giết người. Trở về, Sơn bắt đầu có những giấc mơ kỳ lạ, thấy mình là con bà Tư trong quá khứ. Anh dần hoài nghi thân phận mình, trong lúc thời hạn giải quyết công việc đã gần kề.
* Bà Tư khóc nghẹn chờ con 30 năm
Mở đầu, tác phẩm có nhiều nét tương đồng với phim kinh dị. Khi Sơn đến khu phố, đạo diễn cài cắm một cú jumpscare (chèn tiếng động hoặc hình ảnh rùng rợn bất thình lình) khiến khán giả giật mình. Sau đó, phim dựng theo lối kể chuyện song song, đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Từng mảnh ghép của bi kịch năm xưa được hé lộ qua góc nhìn của Sơn. Không khí rùng rợn, liêu trai thể hiện qua những cảnh Sơn mơ mình là con bà Tư rồi choàng tỉnh, hay cảnh bà Tư thường nằm dưới ngọn đèn thờ hắt ánh sáng đỏ.
Tuy nhiên, đến hồi ba, phim đi theo mô-típ lấy nước mắt, tập trung khai thác về tình mẫu tử thiêng liêng.
Vai người mẹ đau khổ gần như "đo ni đóng giày" cho nghệ sĩ Kim Xuân - người từng đóng mẫu nhân vật tương tự trong nhiều phim. Bà nhập tâm trọn vẹn trong các cảnh khắc họa nỗi buồn qua ánh mắt đau đáu ngóng con hoặc bày tỏ ước mơ tham gia cuộc thi hát để tìm con. Nghệ sĩ Tấn Thi (vai chồng bà Tư) và Lê Bình (vai ông Phát hàng xóm) gây ấn tượng với gương mặt khắc khổ và lối diễn chân thật. Chỉ cần những cảnh đời thường như trong một cuộc nhậu hoặc khi ngồi trên cầu thang nhìn xa xăm, họ cũng thể hiện được nỗi đau trong lòng.
Phần nhạc phim hỗ trợ cảm xúc cho khán giả với các bài hát Mẹ ơi mai con về, Em đi trên cỏ non và Có căn nhà nằm nghe nắng mưa. Dù không học thanh nhạc, đạo diễn Mai Thế Hiệp vẫn sáng tác ca khúc chủ đề Có căn nhà nằm nghe nắng mưa cho phim. Anh tự hát ra giai điệu, sau đó nhờ người khác ký âm lại. Trên phim, ca khúc do Khắc Minh thể hiện.
Đời sống Sài Gòn năm 1986 được tái hiện qua khung cảnh sinh hoạt bình dị ở một con hẻm. Mỗi buổi tối, những người phụ nữ dán mắt vào màn hình tivi xem cải lương còn cánh nam giới chén thù chén tạc. Bất thình lình, điện bị cắt khi một người đàn ông chuẩn bị cất tiếng đàn khiến mọi người mất hứng. Đến sáng, người lớn tất tả lao vào cuộc mưu sinh còn lũ trẻ bắt đầu đến trường. Người dân thời đó sống giàu tình nghĩa, yêu thương nhau. Tuy nhiên, họ cũng dễ bị kích động. Trong cao trào giữa phim, khán giả cảm nhận rõ sức ép khi hơn mười người vây lấy nhà bà Tư, buộc con trai bà tội giết người. Câu chuyện sau đó trở thành bi kịch cho người mẹ đau đáu chờ con 30 năm.
* Ngọc Huyền xúc động khi hát nhạc phim
Tuy vậy, càng về sau tác phẩm càng đơn điệu với các tình huống nút thắt lỏng lẻo. Mở đầu, phim có thể khiến nhiều khán giả tò mò về vụ án bí ẩn năm xưa, sau khi nút thắt này được giải đáp, phim lồng ghép thêm một bất ngờ khác nhưng không mang nét kịch tính mà chủ yếu để giải thích những sự kiện trước đó. Vì kịch bản thiếu chiều sâu, hành động của nhiều nhân vật còn gượng gạo, ví dụ trong trích đoạn khi người dân phát hiện vụ án mạng, họ đã vội vàng buộc tội con bà Tư.
Trong vai Sơn - nhân vật chính, Dương Cường thể hiện có phần căng cứng, không gây xúc động khi bộc lộ tình cảm. Khánh Hiền - thủ vai bạn gái Sơn - diễn xuất điệu đà, quá lố, cộng thêm phần đài từ được lồng tiếng khiến lời thoại nhân vật của cô trở nên thiếu tự nhiên. Diễn viên Khắc Minh (đóng vai con bà Tư) hóa thân vào nhân vật tự nhiên hơn nhưng thời lượng của anh trong phim khá ngắn.
Phim ra rạp từ ngày 5/5.
Ân Nguyễn