Tác phẩm có tên tiếng Anh là Vietnamese horror story. Đơn vị phát hành là Cai Chang International Inc., từng giới thiệu nhiều phim quốc tế tại đây như Along with the gods (Hàn Quốc), Violet evergarden: the movie (Nhật), Molly’s game (Mỹ)...
Đạo diễn Trần Hữu Tấn hạnh phúc khi phim được giới thiệu ra thị trường quốc tế. Anh nói kỳ vọng khán giả Đài Loan thấy phim hấp dẫn, bởi tác phẩm là nỗ lực của êkíp trong việc giới thiệu các giai thoại truyền miệng tại Việt Nam. Trước đó, phim Bắc kim thang - tác phẩm đầu tay của Hữu Tấn - cũng từng chiếu ở Đài Loan. Tác phẩm này là phim kinh dị đầu tiên của Việt Nam được chọn tham gia Liên hoan phim quốc tế Busan 2019, hạng mục A Window on Asian Cinema.
Sau sáu ngày công chiếu, sáng 17/2, Chuyện ma gần nhà đạt gần 60 tỷ đồng - theo công bố của nhà sản xuất, là phim Việt mở màn tốt nhất từ đầu năm. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết việc thành công của tác phẩm kinh dị - vốn không dành cho khán giả đại chúng - cho thấy tiềm năng của dòng phim này. Anh nói: "Với tín hiệu lạc quan này, tôi tin thị trường sớm hồi phục như thời điểm trước dịch".
Chuyện ma gần nhà là chùm ba câu chuyện được sắp xếp theo tuần tự. Chuyện thứ nhất kể về Lan Hương (Lê Bê La), minh tinh ở Sài Gòn nhiều thập niên trước. Sau một tai nạn, cô đột ngột biến mất. Thời gian sau, nữ diễn viên trẻ Ngọc Minh (Như Đan) đến biệt thự của Ái Như (Khả Như) - một minh tinh khác - để tuyển vai mới và được chọn. Sau khi chuyển đến sống cùng Ái Như theo lời đề nghị, cô phát hiện một bí mật.
Chuyện thứ hai xoay quanh một thanh niên là ảo thuật gia (Huỳnh Thanh Trực). Sống cùng cha già (Mạc Can), anh thường bị ông cấm theo nghề. Một lần, cãi lời cha, anh biểu diễn ảo thuật cho một đứa trẻ, từ đó nhiều hiện tượng quỷ dị xảy ra. Ở chuyện cuối, nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) được gia đình cô Út - một thiếu nữ quá cố - nhờ tìm hài cốt. Khi lần mò tìm hiểu câu chuyện của Út, cô Bích bị một thế lực đeo bám. Dự án của Trần Hữu Tấn (đạo diễn Bắc kim thang, Rừng thế mạng) quy tụ nhiều tên tuổi như Mạc Can, Vân Trang, Khả Như, Huỳnh Thanh Trực, Trần Phong...
Phim ghi điểm nhờ khâu hóa trang, bối cảnh chăm chút. Không gian Sài Gòn xưa với biệt thự cổ, chung cư cũ góp phần khắc họa không khí u ám. Dù vậy, kịch bản phim gây tranh cãi do thiếu sự liền mạch khi kể ba câu chuyện không liên quan. Sự rối rắm trong cách kể chuyện, nhất là ở chương thứ hai và thứ ba, khiến tác phẩm thiếu thuyết phục số đông. Cách giải thích qua loa làm cái kết bị trôi tuột, khiến phần lớn khán giả khó nắm bắt câu chuyện. Ngoài ba câu chuyện chính, phim còn tạo một "twist" khác để khép lại tác phẩm, nhưng chi tiết này diễn ra chóng vánh, có phần hời hợt.
Chiếu phim Việt ở thị trường quốc tế là hướng đi của nhiều nhà sản xuất thời gian qua. Đầu tháng 6/2021, Bố già của Trấn Thành ra mắt ở một số bang của Mỹ, thu 350 nghìn USD (hơn tám tỷ đồng), xếp thứ 10 trong top doanh thu tuần đầu phát hành, theo Box Office Mojo. Trước đó, phim công chiếu ở Singapore và Malaysia sau khi vượt mốc 400 tỷ đồng trong nước. Tháng 3/2019, Ngô Thanh Vân ra mắt phim hành động Hai Phượng tại Mỹ sau một tháng phát hành trong nước, giúp doanh thu phim đạt hơn 200 tỷ đồng.
Tam Kỳ