Làng Đông Cao, Ý Yên, Nam Định có hai cây gạo cổ thụ. Nhiều người cho rằng hai cây được trồng từ khi xây đình làng, với tuổi thọ khoảng 300 năm. Năm 2010, một trong hai cây gạo héo lá, không trổ hoa khiến người làng Đông Cao vô cùng lo lắng.
Một bức thư được gửi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xin hỗ trợ việc chữa bệnh cho cây. Đoàn chuyên gia được cử tới, trong đó có cả chuyên gia lâm nghiệp Australia - Tiến sĩ Arbor Carbon Paul Barber. Do bị sâu đục thân quá nặng nên cây gạo 300 năm tuổi không thể tiếp tục đâm chồi. Cây còn lại cũng chết theo một năm sau đó.
Tiến sĩ Arbor Carbon Paul Barber đưa sáng kiến "tái sinh" cây bằng cách dùng gỗ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Một trại sáng tác điêu khắc hợp tác giữa Hội Mỹ thuật Việt Nam và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã mở ra. Trong vòng ba tuần, 18 nghệ sĩ sáng tác nên những tác phẩm từ gỗ của cây gạo chết.
Các tác phẩm được đưa về triển lãm tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội từ 1 tới 7/6. Các nghệ sĩ xử lý các khúc gỗ già, những đoạn thân cây bị sâu đục rỗng ruột, để mang tới tạo hình đẹp. Điêu khắc theo chủ đề "sự tái sinh", ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, sự sống, được thể hiện rõ trong tác phẩm Hồi sinh của tác giả Lê Anh Vũ. Từ một đoạn gỗ bị rỗng ruột, tác giả xử lý thành khúc gỗ bị cháy nhằm tạo hiệu ứng thị giác. Tạo hình mầm cây bằng chất liệu inox được gắn khéo léo, đưa lại hình ảnh về sự đâm chồi nảy lộc từ cái chết.
Nhà điêu khắc Đặng Thành Long - một người con của làng Đông Cao - nói: "Cây gạo già cỗi và chết khiến người dân chúng tôi tiếc nuối. Ai ngờ 'mảnh hồn làng' ấy lại tiếp tục có cuộc sống mới, trong những tác phẩm nghệ thuật này".
Một số tác phẩm điêu khắc từ cây gạo 300 tuổi
Lam Thu