Trang Guardian tổng hợp chín nơi trở nên nổi tiếng do thành bối cảnh phim.
Cầu thang Joker
Địa điểm thuộc quận Bronx ở New York, vô danh trước đây. Nó bỗng hút khách từ khi xuất hiện trong bom tấn Joker. Ở một cảnh, Joker (Joaquin Phoenix đóng) nhảy múa ở cầu thang trên nền nhạc Rock and Roll Part 2. Khi phim thành hiện tượng phòng vé, nhiều người đổ xô đến để chụp ảnh hoặc nhảy giống Joker. Một số thậm chí ăn vận giống nhân vật.
Theo Guardian, vài cư dân bị làm phiền và xin khách du lịch đừng đến. Tuy nhiên, độ nổi tiếng của cầu thang ngày càng lớn Trên Google Maps, người dùng đặt tên nơi này là "Cầu thang Joker". Báo Âu Mỹ dự đoán nơi này sẽ rất đông đúc trong dịp Halloween (31/10).
Trạm King's Cross ở London (Anh)
Trong series Harry Potter, đây là điểm bắt đầu hành trình đến trường phù thủy Hogwarts. Các nhân vật sẽ đi xuyên bức tường ma thuật giữa sân ga 9 và 10 để đến sân ga 9 3/4, sau đó lên tàu. Ngoài đời, sân ga 9 và 10 là hai tòa nhà tách biệt, không có tường nối. Ê-kíp ghi hình cảnh này ở chỗ giữa sân ga 4 và 5.
Từ năm 1999, ở một lối đi, ban quản lý trạm dựng tấm biển "Sân ga 9 3/4" cùng mô hình xe đẩy đang đi xuyên tường. Chỗ này được nhiều người thăm và chụp ảnh đến ngày nay. Cây bút Stuart Heritage của Guardian nói phải tránh hàng trăm du khách mỗi lần đi làm qua đây.
Cánh cửa xanh trong Notting Hill
Trong phim tình cảm pha hài nổi tiếng, chàng chủ tiệm sách Will (Hugh Grant) yêu minh tinh Anna (Julia Roberts). Khi họ bên nhau trong căn hộ của Will, giới báo chí tụ tập trước cánh cửa nhà màu xanh. Ngôi nhà đời thực, số 280 Westbourne Park Road ở London (Anh), từng là của biên kịch Richard Curtis tiếp nhận dòng người đổ đến và khắc tên lên cửa. Cánh cửa trong phim sau đó được bán đấu giá và thay bằng cửa đen. Tuy nhiên, chủ nhà mới sơn lại màu xanh gần đây.
Khu Century City trong Conquest of the Planet of the Apes
Phim ăn khách năm 1972 kể về cuộc nổi dậy của loài vượn thông minh chống lại con người. Khi vượn Caesar dẫn đầu nhóm nổi loạn, hai phe chiến đấu ở những bậc thềm của khu mua sắm ở Century City (Los Angeles, Mỹ). Khu vực Century City được ê-kíp hãng Fox ghi hình để mô tả một tương lai u ám của nhân loại.
Thị trấn Milton Keynes trong Superman IV: The Quest For Peace
Phần bốn về Siêu Nhân có cảnh anh phát biểu trước trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Do ít kinh phí, đoàn phim phải ghi hình ở thị trấn Milton Keynes (Anh). "Chúng tôi quay ở một khu công nghiệp trong mưa với một trăm diễn viên quần chúng, không có ô tô và rất nhiều bồ câu. Dù câu chuyện hay, chúng tôi khó đáp ứng được kỳ vọng khán giả với cách làm này", nam chính Christopher Reeve ghi trong hồi ký Still Me.
Khi phim chiếu, trích đoạn bị chê do hình ảnh trụ sở Liên Hợp Quốc thật đã in sâu tâm trí mọi người. Tuy nhiên, chính quyết định sai lầm của hãng phim khiến Milton Keynes được biết đến rộng rãi.
Popeye Village ở Malta
Phim người đóng (live action) năm 1980 về chàng thủy thủ Popeye không đạt doanh thu kỳ vọng. Tuy nhiên, trường quay ở Malta (quốc gia Nam Âu) lại hóa điểm du lịch hút khách. Từ năm 1979, đoàn phim xây dựng khu vực với quy mô lớn hơn cả yêu cầu ghi hình. 165 thợ tạo ra 19 tòa nhà bằng gỗ cùng một số thiết kế khác trong bảy tháng.
Trên màn ảnh, đây là ngôi làng giả tưởng Sweethaven, nơi nhân vật chính đến tìm cha. Chính quyền về sau gọi khu vực là Popeye Village (Làng Popeye) và mở cửa cho du khách.
Tiệm Katz’s Delicatessen
Nhà hàng khai trương từ năm 1888 được đánh giá có đồ ăn ngon bậc nhất New York. Nơi đây thêm nổi tiếng do là bối cảnh trong nhiều phim như Donnie Brasco, Enchanted, Across the Universe, We Own the Night...
Cảnh ghi dấu nhất là trong phim tình cảm When Harry Met Sally... (1989). Khi dùng bữa ở nhà hàng, nhân vật Sally (Meg Ryan đóng) cam đoan với Harry (Billy Crystal) rằng đàn ông không thể biết phụ nữ đạt cực khoái thật hay giả. Để minh chứng, cô vờ diễn trạng thái này và đánh lừa các khách trong quán. Về sau, nhà hàng treo biển nơi bàn ăn của họ, đề: "Nơi Harry gặp Sally... hy vọng bạn có điều cô ấy có".
Trạm tàu điện ngầm Canary Wharf
Khi Rogue One: A Star Wars Story (2016) tung trailer, người Anh nhanh chóng nhận ra một đoạn truy đuổi được quay ở trạm tàu điện ngầm Canary Wharf tại London. Chi tiết này khiến nhiều khán giả thích thú và chia sẻ trên mạng xã hội. Đạo diễn Gareth Edwards được cho là muốn tri ân nơi từng là bối cảnh phim ngắn đầu tay Factory Farmed của anh.
"Trụ sở Avengers" ở Norwich
Trung tâm Nghệ thuật Thị giác Sainsbury thuộc đại học East Anglia (Norwich, Anh) ra đời từ năm 1978. Tuy nhiên, với fan Marvel, nơi đây được nhớ đến như trụ sở của nhóm Avengers trong các phim Avengers: Age of Ultron, Ant-Man, Avengers: Infinity War và Avengers: Endgame.
Ban đầu, biệt đội siêu anh hùng ở tháp Avengers tại New York (Mỹ). Nhưng sau trận chiến với Ultron, Iron Man đưa họ đến nơi mới, gọi là Căn cứ New Avengers (tức tòa nhà ở Norwich ngoài đời). Khu vực quanh căn cứ là chiến trường cuối phim Avengers: Endgame nhưng cảnh chiến đấu được quay ở trường quay chứ không phải địa điểm thật. Joe Russo - đồng đạo diễn hai phần gần nhất về nhóm siêu anh hùng - từng học viết kịch bản tại đại học East Anglia.
Ân Nguyễn