Sài Gòn thương còn hổng hết là ký ức của tác giả Hoàng My về thời sinh viên sống ở nhà ngoại trong con hẻm xóm lao động. Những đêm vắng, từng âm thanh của cuộc sống vọng lên căn gác rõ mồn một. Đó là tiếng "xực tắc" của người đàn ông làm nghề tẩm quất, tiếng bước chân rảo qua mọi ngóc ngách của những đứa trẻ nhà hủ tiếu gõ, tiếng rao bánh chưng, bánh gai, bánh giò... Hết thời sinh viên, rời xa con hẻm, tác giả nhớ tiếng tàu đêm để lắng nghe những âm thanh quen thuộc. Từng trang viết là hoài niệm về Sài Gòn vẫn còn tiếng côn trùng, tiếng rao hàng rong mỗi tối nhưng ngày càng ít người có đủ thời gian và lắng đọng để lắng nghe, cảm nhận.

Bìa sách "Sài Gòn thương còn hổng hết".
Sài Gòn trong sách Hoàng My có những cô bé, cậu bé phải mưu sinh khi đang tuổi cắp sách đến trường. Em bé phải ra chợ bán ếch giúp mẹ bị ốm. Để khi có ai đó ghé thăm, em buộc miệng thổ lộ: "Mẹ em kêu ra đời buôn bán mà cái gì cũng sợ là chết đói". Câu nói tưởng chừng đơn giản, ngây ngô của em chứa đựng một động lực sống của những thân phận nhỏ bé ở đô thị lớn: Sống chốn này, yếu đuối thì làm sao tồn tại được.
Sài Gòn, nơi con người luôn phải cảnh giác bởi những thông tin bất an hoặc người người chạy theo vòng xoáy của đồng tiền. Nhưng nếu quan sát, người ta vẫn bắt gặp giữa dòng người đông đúc ấy, tình người vẫn hiện hữu. Hoàng My kể lại những câu chuyện đời thường cô nhìn thấy, quan sát, chiêm nghiệm cùng những hoài niệm về tuổi trẻ sống ở Sài Gòn. Qua đó, tác giả thể hiện tình yêu, nỗi nhớ thành phố khi rời xa.
Sài Gòn của Hoàng My có những người già thèm được con cháu chở ra phố phường thăm thú, hít thở khí trời vì họ chỉ quanh quẩn ở nhà lo chuyện bếp núc, chăm sóc nhà cửa để các con yên tâm đi làm. Nhưng những đứa con còn mải mê lo cơm áo gạo tiền, gánh "nồi cơm" trên vai mà quên mất mẹ lâu không được ra ngoài. Ở Sài Gòn, xe ôm thường làm việc theo một đội tự quản để cùng nhau tìm kiếm, chia sẻ khách hàng. Có những bác xe ôm "bao đồng", sẵn sàng giúp những người xa cơ lỡ vận trong khả năng của mình, khuyên bảo họ trở về con đường hoàn lương, làm người lương thiện.
Cũng như chú xe ôm, trên khoảng vỉa hè nhỏ hẹp, chị bán báo co lại một chút nhường chỗ cho người phụ nữ trẻ bụng mang dạ chửa vẻ ngoài lam lũ cùng mưu sinh. "Lá rách đùm lá nát" đó là tấm lòng của người Sài Gòn, cho đi rồi mà vẫn băn khoăn về hạnh phúc của mảnh đời bất hạnh hơn mình.
Mở đầu cuốn sách là một mẩu chuyện nho nhỏ để nhớ về mẹ, kết thúc là hoài niệm về cha như ngụ ý Sài Gòn sẽ đủ đầy, đẹp nhất khi có tình yêu thương của gia đình. "Đóng cuốn sách lại, tôi chắc bạn cũng sẽ như tôi vội vã thay quần áo, dắt xe ra khỏi nhà, không phải dạo phố mà là đến thăm cha mẹ, chỉ để an lòng thấy cha mẹ còn đi ra đi vô, dọn cái này, dẹp cái kia, càm ràm con chó thậm chí đay đi đay lại những điều bạn từng nhiều lần gắt gỏng với họ...", nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền - một đồng nghiệp của Hoàng My - nói về cuốn sách.
Nhà văn Hoàng My quê Bạc Liêu, hiện sống và làm việc ở TP HCM. Chị là tác giả của nhiều cuốn sách như Vì em là đàn bà, Chỉ tình yêu là đủ, Sau chủ nhật là thứ hai, Đàn bà @...
Thùy Linh