Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Glendon Swarthout, The Homesman lấy bối cảnh và đề tài về cuộc sống ở miền Tây nước Mỹ, cụ thể là Nebraska. Tuy nhiên, khác những bộ phim đậm chất anh hùng và sặc mùi súng ống cùng đề tài, The Homesman vẽ nên một miền Tây khác, với những người phụ nữ kỳ lạ và khắc nghiệt hơn cả những mùa đông.
Mary Bee Cuddy (Hilary Swank) là một phụ nữ hiền lành, chất phác, sống cuộc đời lặng lẽ trong một ngôi nhà gọn gàng, với tài sản và gia súc đề huề trên lãnh thổ Nebraska. Một ngày kia, trong làng có nhiệm vụ cần vận chuyển ba người phụ nữ tâm thần ra khỏi cộng đồng tới Iowa - nơi họ sẽ được tiếp quản và điều trị. Không người đàn ông nào trong làng muốn đồng hành cùng những người điên này trên hành trình rong ruổi suốt mùa đông. Cuddy đành đóng vai "người đàn ông" dũng cảm, đầy cao thượng cuối cùng nhận nhiệm vụ đó.
Được biết đến với hai tượng vàng Oscar (trong Baby Don’t Cry và Million Dollar Baby), Hilary Swank là gương mặt vốn không còn xa lạ với khán giả điện ảnh. Vẻ mặt góc cạnh và có phần nam tính một lần nữa trở thành thế mạnh của cô. Xuất hiện với tạo hình giản dị: chiếc váy sờn cũ, đôi tay thô ráp và làn da rám nắng, Hilary trong vai Cuddy hiện lên hoàn chỉnh với hình ảnh một người phụ nữ miền Tây cằn cỗi, sống cuộc đời độc thân câm lặng.
Tuy nhiên, Cuddy chỉ là một trong số những phụ nữ chôn vùi cuộc đời mình giữa bão cát sa mạc nơi đây. Ba người đàn bà điên còn cho người xem một hình dung hoàn chỉnh hơn về miền Tây nước Mỹ. Đó là những người phụ nữ giết con, tuyệt vọng vì có ba đứa con mắc bệnh bạch hầu hay khủng hoảng với người chồng vũ phu. Họ không chỉ là cái cớ cho cuộc hành trình của Cuddy. Họ còn là những mảnh ghép chân thực đến xót xa, cay nghiệt về một xã hội thiếu vắng học thức, nghèo nàn văn hóa và cư xử hoang dại như thuở hồng hoang.
Khi ấy, Mary Bee Cuddy dường như là một điều gì đó bất thường. Cô không những có tài sản tích lũy riêng, cư xử hoà nhã, lịch thiệp mà còn mang một tâm hồn bay bổng. Chính điều đó đã mang đến cho Cuddy một bi kịch khác: không người đàn ông nào muốn xây dựng cuộc sống gia đình cùng cô. Cô có tất cả những điều mọi người phụ nữ nơi đây thiếu nhưng lại bị cự tuyệt một quyền năng thiêng liêng nhất - quyền làm vợ, làm mẹ. Nỗi dằn vặt bởi việc bị từ chối và phủ nhận đẩy Cuddy vào cùng hội cùng thuyền với ba người đàn bà điên bị cộng đồng “sa thải" kia. Họ cùng lên một chiếc xe, đi khỏi mảnh đất không chốn dung thân đến khi được giải thoát.
Nếu như nhắc đến miền Tây trước đây, người xem thường nghĩ tới vó ngựa, mũ phớt của những cao bồi viễn chinh thì giờ đây, miền Tây thuộc về những người đàn ông ích kỷ và hèn nhát. Họ không dám chịu trách nhiệm trước cuộc sống hôn nhân nhưng cũng không ngần ngại ăn bám tình thương của người phụ nữ. Họ chỉ biết lao vào đàn bà để thỏa mãn nhưng cũng sẵn sàng chối bỏ và lẩn tránh trách nhiệm với những người đàn bà ấy khi cần.
Nếu có một đại diện nào đó cứu vãn danh dự cho những người đàn ông ở đây thì đó chính là George Briggs. Ông vốn xuất thân là một kẻ bị sa thải khỏi công ty, một tên đào ngũ, ôm quá khứ nợ nần, bê bối chạy trốn khỏi thực tại. Mục đích duy nhất của George khi nhận lời cùng Cuddy theo hành trình này chỉ là phần thưởng 300 USD. Chỉ đến khi người đàn bà ngoan cố và nhân hậu kia dạy ông một bài học tưởng như đơn giản về sự tử tế, ông mới bừng tỉnh - hoá ra, người ta đôi khi giết nhau không phải bằng một phát súng mà bằng chính sự nhẫn tâm, vô cảm của mình.
Cùng Hilary Swank, Tommy Lee Jones hoàn thành xuất sắc cả hai vai trò đạo diễn lẫn diễn viên nam chính trong phim. Tạo hình bụi bặm, phong trần với chiếc mũ phớt và gương mặt lạnh khiến khán giả liên tưởng đến một cao bồi miền Tây kinh điển. Ngoài ra, màn ra mắt đầy ấn tượng với khói bụi in hằn từng nếp nhăn trên gương mặt từng trải, già nua hay với màn kết thúc đầy âm hưởng du ca và phóng khoáng cũng góp phần không nhỏ trong dụng ý nhấn mạnh “chất miền Tây” của đạo diễn.
Sẽ có nhiều hơn một hình ảnh làm người xem nhớ mãi cho đến ám ảnh trong phim như chiếc dương cầm vải của Cuddy; người đàn ông ngồi trên ngựa chờ chết; những người đàn bà điên gào thét; cuộc hành quyết lạnh lùng trong một sớm mùa đông… Tuy nhiên, nếu như ở đâu đó sự tử tế lên tiếng, khán giả hẳn sẽ không quên hình ảnh George, sau bao quyết tâm và nỗ lực từ bỏ, vẫn quay lại dìu ba người đàn bà điên không nơi nương tựa qua khúc sông nước xiết để trở về với cuộc đời. Đó là khoảnh khắc khi tình thương chứ không phải 300 USD hay bất kỳ điều gì khác lên tiếng, dẫn dắt con người qua cơn thác lũ.
Bộ phim kết thúc ở lưng chừng giấc mộng về miền viễn Tây mà George suốt đời theo đuổi, khi ký ức về Cuddy, về sự tử tế cuối cùng còn sót lại trên đời rồi cũng như tấm ván bia trôi theo dòng nước trên sông. Không ai hiểu được lựa chọn đường đột và quyết liệt của Cuddy ngày hôm ấy. Chỉ có tiếng súng nổ vang trong đêm, nhạc rộn ràng và những chân trời tự do mở ra mãi…
Như một màn kết hợp hoàn hảo giữa sự khốc liệt và chất thơ, The Homesman mở ra một miền Tây khác lạ. Ở đó, những người phụ nữ vừa trở thành anh hùng, cũng vừa là nạn nhân của sự tăm tối, u mê không lối thoát. Ở đó, sự tử tế vang lên yếu ớt như điệp khúc của một bài dân ca đã bị lãng quên: “Take me a token and love me away”…
Trailer phim "The Homesman" |
|
Anh Mai