Trưa 12/10, chị cùng người thân làm lễ chung thất (49 ngày) cho mẹ - nghệ sĩ Bạch Mai - và tưởng nhớ dì - nghệ sĩ Kim Phượng, hai cậu - nhạc sĩ Thanh Châu, diễn viên Thanh Linh, và nhạc sĩ Thanh Dũng - người anh trong nghề chị coi như ruột thịt. Trước di ảnh mẹ, Bình Tinh hứa thay bà lèo lái Huỳnh Long - đoàn tuồng cổ của gia tộc.
Nhờ sự động viên của các đồng nghiệp, chị vực dậy sau mất mát. Nghệ sĩ nói: "Những nỗi đau tận cùng đã nếm trải thì không gì làm khó tôi được nữa. Tôi tin mẹ và các dì, cậu sẽ luôn ở bên mình".
Từ Mỹ, Ngọc Huyền tưởng nhớ nghệ sĩ Bạch Mai. Chị cho biết: "Con sẽ không khóc nữa, vì con tin thầy đã yên tâm khi thấy Bình Tinh trưởng thành". Bạch Mai là người thầy dìu dắt Ngọc Huyền vào nghề từ cuối thập niên 1980. Trong đó, Xử án Phi Giao - vở Bạch Mai viết đo ni đóng giày cho học trò - là tác phẩm tiêu biểu. Ban đầu, Ngọc Huyền lo lắng vì trước đó chỉ chuyên đóng đào thương, chưa quen vai phản diện như Phi Giao. Bạch Mai khuyên học trò tự tin để từ đó có vai diễn ghi dấu ấn sự nghiệp.
Tin buồn liên tiếp đến với gia đình Bình Tinh gần đây. Hôm 25/7, nghệ sĩ Kim Phượng (dì thứ chín của Bình Tinh) - qua đời ở tuổi 66 sau một ngày nhập viện vì dương tính với nCoV. Sinh thời, bà là trụ cột của đoàn, đảm nhận công việc chế tác phục trang, đạo cụ, mũ mão cho gánh hát. Ngày 11/8, nhạc sĩ Thanh Châu - người cậu thứ 10, chuyên sáng tác, đệm đàn trong đoàn - mất vì suy hô hấp. Hôm 24/8, nhạc sĩ Thanh Dũng (con trai nghệ sĩ Thanh Thế) mất sau nửa tháng điều trị Covid-19. Anh sáng tác, làm nhạc phần lớn vở tuồng của đoàn, đồng thời là một trong những nhạc sĩ trụ cột của bộ môn nghệ thuật cổ truyền những năm qua.
Ngày 25/8, nghệ sĩ Bạch Mai qua đời ở tuổi 73 sau thời gian chữa Covid-19. Bà góp công giúp đoàn hát đạt đỉnh cao vào thập niên 1970, 1980, là soạn giả của loạt vở diễn kinh điển những năm 1990. Gần đây nhất, ngày 15/9, nghệ sĩ Thanh Linh - cậu út của Bình Tinh - qua đời do bệnh tim ở tuổi 63.
Đoàn Huỳnh Long là một trong hai gia tộc tuồng cổ lâu đời nhất miền Nam, bên cạnh đoàn Minh Tơ. Thập niên 1940, vợ chồng nghệ sĩ hát bội Bảy Huỳnh và Ngọc Hương sáng lập nên đoàn cải lương Hồ Quảng, ban đầu lấy tên Kim Mai. Họ có chín người con, đều theo nghiệp cha mẹ. Sau năm 1975, đoàn đổi tên, gây tiếng vang với vở Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu (Bạch Mai đóng chính). Nhiều vở khác của đoàn tạo chú ý như: San Hậu, Đường về San Hậu, Ngũ Sắc Châu, Bí mật thành Cổ Loa, Rạng ngọc Côn Sơn...
Tiến sĩ Lê Hồng Phước - chuyên nghiên cứu ngành lịch sử văn hóa của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM - đánh giá gia tộc của Bình Tinh tạo ảnh hưởng rõ nét đến các thế hệ nghệ sĩ tuồng cổ sau này, từ cách ca đặc trưng và vũ đạo điêu luyện. Khi anh trai Bình Tinh đo- nghệ sĩ Chinh Nhân - đột ngột qua đời đầu năm 2016, chị trở thành trụ cột, cùng người thân gây dựng lại đoàn hát.
Tam Kỳ