Bad Times at the El Royale là tác phẩm đề tài tội phạm giật gân do Drew Goddard đạo diễn, ra rạp trong tháng 10. Lấy bối cảnh cuối thập niên 1960, phim xoay quanh bảy nhân vật bí ẩn, cùng xuất hiện tại El Royale - một khách sạn sang trọng nhưng vắng vẻ nằm trên biên giới hai bang Nevada và California (Mỹ). Phim mở đầu bằng một cảnh gây án trong quá khứ - tình tiết khởi đầu cho mục đích và mối liên hệ của các nhân vật ở phần sau. Cách mở màn này gợi nhớ đến Murder on the Orient Express (bản năm 1974) - một tác phẩm kinh điển trong dòng phim tội phạm gồm nhiều nhân vật.
Tuyến truyện chính của phim bắt đầu khi cha xứ Daniel Flynn (Jeff Bridges đóng), nữ ca sĩ Darlene Sweet (Cynthia Erivo đóng), nhà buôn Laramie Seymour Sullivan (Jon Hamm đóng) và cô gái trẻ Emily Summerspring (Dakota Johnson đóng) đồng loạt tìm đến khách sạn. Nhóm nhân vật thực hiện thủ tục nhận phòng nhuốm màu mờ ám cùng Miles Miller (Lewis Pullman đóng) - nhân viên duy nhất của khách sạn. Họ liên tục hành xử khác thường, dè chừng lẫn nhau, không ai thực sự hiện rõ là người tốt hay kẻ xấu. Những nhân vật chính còn lại như Rose (Cailee Spaeny đóng) - em gái của Emily, Billy Lee (Chris Hemsworth đóng) - thủ lĩnh một giáo phái lần lượt xuất hiện ở nửa sau, góp phần đẩy câu chuyện đi theo những hướng khó đoán.
Phim chia thành các chương, được giới thiệu bằng các title card (bảng chữ đề tên chương) theo phong cách hoài cổ. Ở mỗi chương, đạo diễn kiêm biên kịch Drew Goddard tập trung vào từng nhân vật, đan xen giữa quá khứ và hiện tại để lột tả thân phận, mục đích của họ tại El Royale. Tổng thể phim được kể theo thời gian tuyến tính nhưng các tình tiết lặp lại qua góc nhìn từng nhân vật. Ở cuối mỗi chương, Goddard khiến câu chuyện xoay chuyển đột ngột thông qua hành động đậm chất bạo lực. Thông tin được điều tiết theo lối úp - mở: một chi tiết hoặc diễn biến ở phần trước được lý giải cách quãng ở phần sau. Bộ phim gợi lên sự tò mò giúp người xem hào hứng theo dõi.
Bạo lực trong Bad Times at the El Royale gây ấn tượng nhờ tính bất ngờ và trực diện. Trước mỗi cảnh, Goddard thường thiết lập một không khí phim yên bình với diễn biến chậm rãi. Khi bạo lực xuất hiện, không khí thay đổi đột ngột qua hình ảnh máu me, âm thanh chát chúa của súng đạn cùng những khung hình đặc tả thương tích. Tuy vậy, Goddard cũng có sự tiết chế trong mức độ tàn phá của bạo lực.
Bad Times at the El Royale quy tụ dàn diễn viên chất lượng: tên tuổi gạo cội Jeff Bridges, ngôi sao dòng phim siêu anh hùng Chris Hemsworth, những gương mặt tiềm năng như Cynthia Erivo, Lewis Pullman... Jeff Bridges - chủ nhân của một tượng vàng Oscar - thể hiện diễn xuất đẳng cấp, đặc biệt qua ánh mắt đôi lúc thất thần khi nhân vật gặp vấn đề trí nhớ, đôi lúc tha thiết khi thuyết phục nhân vật khác tin vào câu chuyện của mình.
Cũng là một diễn viên giàu kinh nghiệm, Jon Hamm tạo ra được hình ảnh của một quý ông lịch lãm nhưng đầy toan tính, dù không có nhiều đất diễn. Trong vai diễn điện ảnh đầu tay, Cynthia Erivo - xuất thân là một ca sĩ - tạo được dấu ấn riêng với giọng hát nội lực, có sức lay động mỗi khi nhân vật của cô trình diễn. Diễn viên trẻ Lewis Pullman thể hiện khả năng thay đổi trạng thái cảm xúc đa dạng. Dakota Johnson và Cailee Spaeny diễn tròn vai, bổ sung thêm màu sắc cho dàn nhân vật. Ngoài ra, các khách mời như Nick Offerman và đạo diễn trẻ Xavier Dolan mang đến sự thú vị.
Hỗ trợ cho bối cảnh thập niên 1960 là phần hình ảnh hoài cổ do nhà quay phim Seamus McGarvey phụ trách. McGarvey chọn loại máy quay bằng phim 35mm đem lại chất xưa cũ. Khi kết hợp máy quay này với ống kính góc rộng, McGarvey xử lý những cảnh quay không gian hẹp với khung hình tĩnh khá ấn tượng. Tiêu biểu là phân cảnh người đàn ông bước vào một căn phòng khách sạn, xê dịch vật dụng trong phòng, cất giấu một chiếc túi bí ẩn bên dưới sàn nhà, chỉ thông qua một khung hình đứng yên từ đầu đến cuối.
Âm nhạc cũng là một điểm sáng của phim. Michael Giacchino - nhạc sĩ từng giành giải Oscar - lựa chọn những ca khúc kinh điển thập niên 1960 - 1970 như 26 Miles của The Four Preps, Can't Take My Eyes off You của Frankie Valli. Phần lớn ca khúc được cất lên từ chiếc đĩa than trong jukebox (máy chơi nhạc tự động) hoặc từ những màn thể hiện acapella (hát không nhạc đệm) của Cynthia Erivo, mang đến chất cổ điển cho bộ phim. Nhạc nền cũng thể hiện vai trò ở những phân cảnh cần thúc đẩy không khí hồi hộp, thường thấy trong dòng phim tội phạm, giật gân.
Dù có những điểm sáng, bộ phim mắc phải một số hạn chế. Câu chuyện thiếu tính chặt chẽ khi xuất hiện nhiều chi tiết thừa. Ví dụ việc El Royale có hai nửa nằm trên hai bang khác nhau, vai trò của người chủ khách sạn - kẻ ra lệnh cho cậu nhân viên Miles Miller thực hiện những việc mờ ám. Những chi tiết này không đóng góp cụ thể vào mạch truyện chính nhưng được nhắc nhiều lần.
Mối liên hệ giữa các nhân vật khi diễn ra cao trào cũng thiếu kết dính do bộ phim không thể hiện được điểm chung trong động cơ của nhóm nhân vật. Điều này khiến cho quyết định của họ khi đứng về phía một ai đó mang đến cảm giác sắp đặt. Phim cũng thiếu tình tiết “đổi phe” bất ngờ - một đặc trưng được mong chờ của dòng phim này. Ở một số nhân vật, các nhà làm phim chưa xây dựng được hình ảnh đủ sức thuyết phục, đặc biệt là nhân vật xoay chuyển cục diện như Billy Lee. Trong vai trò thủ lĩnh một giáo phái, yếu tố lôi kéo thông qua sự xảo ngôn hay ngôn ngữ hình thể của Billy Lee được thể hiện khá gượng ép.
Tác phẩm có những cảnh với lời thoại dài, không đóng góp cho việc khắc họa tính cách nhân vật. Chỉ một số đoạn thoại có tác dụng kéo giãn không khí phim để hỗ trợ tính bất ngờ, như cảnh nhân vật đức cha Daniel Flynn trò chuyện để lấy lòng tin từ nữ ca sĩ Darlene Sweet. Yếu tố bê bối chính trị, cuồng tín cực đoan cũng được đặt ra nhưng thiếu sức nặng và sự liên kết với mạch truyện chính.
Bad Times at the El Royale có nhiều tương đồng với tác phẩm của đạo diễn Quentin Tarantino. Trong đó, về mặt câu chuyện, phim có sự liên hệ gần gũi với The Hateful Eight - tác phẩm mới nhất của đạo diễn “quái kiệt”, cùng xoay quanh một nhóm nhân vật bí ẩn xuất hiện và đối đầu tại một không gian khép kín. Tuy nhiên, những hạn chế khiến phim chưa thể đạt tầm vóc như của Tarantino.
Drew Goddard nổi bật trong vai trò biên kịch cho những tác phẩm như Cloverfield, World War Z hay The Martian. Trong lần thứ hai ngồi ghế đạo diễn, Goddard đã có những thành công nhất định khi truyền tải được câu chuyện độc đáo, không khí tối tăm và chất bạo lực. Bad Times at the El Royale có tính giải trí tốt, dễ dàng cuốn người xem vào câu chuyện kịch tích, nhiều bất ngờ. Tuy vậy, bộ phim vẫn chưa phải là một bước tiến so với The Cabin in the Woods - tác phẩm đầu tay của Goddard.
Minh Dương