Đào Trung Hiếu, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Hữu Phùng Nguyên với cá tính văn học khác nhau cùng viết về đề tài tội phạm ma túy. Cả ba tác phẩm đều đoạt giải cao trong cuộc thi sáng tác văn học "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" giai đoạn 2012 - 2015. Các tác phẩm vừa được nhà xuất bản Công an Nhân dân phát hành.
Bão ngầm - Đào Trung Hiếu
Bão ngầm viết về đề tài nóng của xã hội là bài trừ ma túy, nhằm làm nổi bật sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an. Trong cuộc chiến chống tội phạm, sự nguy hiểm từ súng đạn không đáng sợ bằng chính những cám dỗ của đồng tiền, danh lợi. Có những người sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, tính mạng để chống lại cái ác. Nhưng có người phản bội đồng đội, dính những "viên đạn bọc đường", có người lại để tình cảm riêng tư hoặc những suy tính đời thường chen vào làm hỏng công việc.
Tác giả Đào Trung Hiếu vốn là một chiến sĩ trinh sát. Bão ngầm là tiểu thuyết đầu tay của anh. Chính 14 năm trải nghiệm những trận chiến sinh tử giúp tác giả tạo nên một tiểu thuyết tội phạm có độ chân thực, sống động. Nhờ từng trải qua từ đầu tới cuối nhiều chuyên án, Đào Trung Hiếu có thể đi sâu vào những ngóc ngách của một vụ án, miêu tả tâm lý tội phạm, tâm lý người chiến sĩ.
Đào Trung Hiếu chia sẻ, khi Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi viết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", anh đã cầm bút viết Bão ngầm. "Tác phẩm như một sự chia sẻ với người đọc những khó khăn của người làm trinh sát, để mọi người có cái nhìn đúng hơn, sâu hơn về lực lượng công an", anh nói.
Cô Mặc Sầu - Nguyễn Đình Tú
Nhà văn Nguyễn Đình Tú đưa sở trường về đề tài tội phạm vào trong cuốn tiểu thuyết thứ tám. Bối cảnh chính của tác phẩm là thung lũng Cô Mặc Sầu nhỏ bé, xinh đẹp, nổi tiếng với loài hoa dạ thảo phong. Góc rừng núi thơ mộng ấy bỗng rúng động bởi những vụ án liên tiếp xảy ra. Ba nạn nhân bị giết hại đều là người dân tộc Vị, đồng thời là những đối tượng nghiện hút, tham gia tàng trữ, buôn bán ma túy. Thung lũng có thêm những người mới đến, họ dường như có can hệ tới các vụ án nơi đây.
Lần theo dấu vết những người sử dụng, buôn bán ma túy, các chiến sĩ an ninh đã điều tra về bí ẩn quanh các vụ giết người. Thông qua câu chuyện nhuốm màu huyền bí của bà lão trăm tuổi, cùng cuộc trở về tìm lại nguồn cội của nhân vật Việt kiều Min, tác giả đưa vào tác phẩm những góc nhìn về văn hóa, truyền thống và tình người.
Nguyễn Đình Tú cho biết, trong tám cuốn tiểu thuyết, anh có tới ba cuốn viết về đề tài hình sự, gồm: Hồ sơ một tử tù, Phiên bản (chuyển thể thành phim Hương Ga) và Cô Mặc Sầu. Anh đưa ra hai lý do khi viết nhiều ở chủ đề tài tội phạm: "Bản thân thôi bị đề tài đó hấp dẫn, cuốn hút, nên không ngừng thao thức với nó. Lý do nữa từ độc giả, bởi có một lượng người đọc yêu thích tôi viết về đề tài hình sự, vụ án. Chính những lời nhắn nhủ như: 'Khi nào có tiểu thuyết vụ án tiếp theo đây' là động lực khiến tôi bắt tay viết tiếp".
Thành phố không có cầu vồng - Nguyễn Hữu Phùng Nguyên
Trong Thành phố không có cầu vồng, tác giả Nguyễn Hữu Phùng Nguyên tái hiện chân dung một bộ phận người trẻ hiện nay. Họ từ nông thôn ra thành thị với bao hy vọng, nhưng rồi lại chìm trong bi kịch. Thất vọng với đời sống thực, không đủ bản lĩnh để trải qua thử thách, những người trẻ đắm mình trong ma túy, internet với những ảo giác mê hoặc. Ở đó, họ bị bọn tội phạm đưa vào suy đồi. Khi miêu tả cuộc chiến đấu của chiến sĩ công an với tội phạm, tác giả đưa ra chân dung loại tội phạm mới: tội phạm trí thức với tham vọng biến ma túy thành thứ "tôn giáo" làm phương tiện gây tội ác.
Nguyễn Hữu Phùng Nguyên vốn là một nhà báo chuyên viết phóng sự lâu năm. Anh viết cuốn tiểu thuyết từ sự ám ảnh với ma túy: "Khi viết phóng sự Tam giác quỷ ở thành Vinh, tôi bị ám ảnh bởi cái chết của cậu bé đánh giầy. Khi chết, cậu ta bị nghiện hút, đến giờ vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Nhưng tôi tin đằng đứng sau đó chính là những kẻ buôn bán ma túy". Sự ám ảnh thúc giục Phùng Nguyên cầm bút viết.
Theo Phùng Nguyên, qua quá trình viết phóng sự, được đi thực tế nhiều nơi, anh nhận thấy ma túy là một cái gì đó đã cũ, nhưng càng ngày nó càng trở nên một vấn nạn khủng khiếp, nhiều biến tướng. Vì thế anh cố gắng cắt nghĩa, lý giải về nó trong tiểu thuyết mới.
Lam Thu