Sau khi trình làng Phiên bản (dựng thành phim Hương Ga), Hồ sơ một tử tù, nhà văn Nguyễn Đình Tú tiếp tục dùng thế mạnh ở mảng đề tài tội phạm với tiểu thuyết Cô Mặc Sầu. Là nhà văn đa dạng trong phong cách sáng tác, cùng một đề tài nhưng Nguyễn Đình Tú luôn tìm được cách làm mới bút pháp của mình. Cô Mặc Sầu đạt Giải B Cuộc thi Viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (2012-2015) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Tiểu thuyết vừa được nhà xuất bản Công an Nhân dân phát hành.
Tiểu thuyết là quá trình điều tra để tìm hung thủ gây nên ba vụ giết người thảm khốc ở Cô Mặc Sầu. Đây là một thung lũng hẻo lánh thuộc huyện Mù Pan Tẩn, tỉnh Yên Châu, một "điểm nóng" về buôn bán ma túy.
Vốn là nơi "thâm sơn cùng cốc", Cô Mặc Sầu bỗng chốc trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng nhờ vẻ đẹp hoang sơ mà rực rỡ của hoa dạ thảo phong. Trong dòng người lũ lượt đến đó có Khoa - sinh viên khoa Nhân học tới đây để điền dã nghiên cứu bản sắc dân tộc Vị. Ngoài ra còn có sinh viên Triều - một phượt thủ chính hiệu. Gần tới nơi, chuyến xe khách chở họ gặp sự cố. Hai chàng sinh viên quá giang trên một chiếc ô tô của Roy Trần - một nữ đại gia luống tuổi - và nam người mẫu điển trai Hà Duy. Trên đường đến thị trấn Mù Pan Tẩn, họ đã cho thêm ba người nữa đi nhờ là Thụy - một cán bộ lâm nghiệp, cùng Hùng và Long - hai người đàn ông làm nghề lái trâu.
Bảy người đến thung lũng Cô Mặc Sầu vào lúc nơi đây xảy ra ba vụ giết người nghiêm trọng, chưa tìm được hung thủ. Nạn nhân đều là những người đàn ông dân tộc Vị đồng thời là những đối tượng nghiện hút, tham gia tàng trữ, buôn bán ma túy. Những vị khách mới đến dường như có mối liên hệ với các vụ án nơi đây. Bí mật đằng sau cái chết của nạn nhân và mục đích gây án của hung thủ được hé lộ với những nút thắt mở bất ngờ.
Cô Mặc Sầu không chỉ là câu chuyện về một vụ án. Đó còn là câu chuyện về nỗi cô đơn của những con người bị cuốn vào vòng xoáy của tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố ở đời. Họ tìm cách chạy trốn thị thành phồn hoa, tìm đến thung lũng hoang vắng để gặm nhấm nỗi cô đơn. Trong cuộc hành trình ấy, dù tìm lại hay đánh mất chính mình sau chuyến đi, các nhân vật không còn cảm thấy cô đơn nữa.
Tác giả Nguyễn Đình Tú sử dụng kết cấu hai tuyến tự sự song hành cho Cô Mặc Sầu. Tuyến thứ nhất là câu chuyện về tội ác, ẩn chứa góc khuất tăm tối bên trong mỗi nhân vật. Nó được kể bằng ngôn ngữ văn xuôi thông thường của tiểu thuyết. Trong đó có kể, miêu tả, đối thoại và độc thoại nội tâm. Tuyến tự sự thứ hai là các văn bản hành chính công vụ của cơ quan công an.
Nếu tuyến tự sự thứ nhất bị khuyết, chứa các tình tiết được giấu kín thì tuyến tự sự thứ hai có nhiệm vụ làm sáng tỏ các tình tiết ấy. Điều này làm cho các nút thắt mở xuất hiện liên tục, đan cài vào nhau tạo nên sự gay cấn và hồi hộp từ trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng. Được kể bằng hai ngôn ngữ tự sự với văn phong khác nhau nhưng hai tuyến truyện không tách rời nhau mà bổ sung cho nhau tạo một mạch thống nhất.
Các văn bản hành chính công vụ của công an vốn khô khan, nhưng nhà văn đã khéo léo thêm vào đó những tri thức về địa lý, lịch sử, văn hóa của vùng Yên Châu trong tiểu thuyết Cô Mặc Sầu. Điều đó cũng gợi cho người đọc liên tưởng tới thiên nhiên vùng Tây Bắc hùng vĩ.
Quỳnh Anh