Chương trình diễn ra vào 20h ngày 19/4 tại Nhà hát Bến Thành, quận 1, TP HCM. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong đêm nhạc như: NSƯT Cao Minh, Thùy Dung, Triệu Lộc, Võ Hạ Trâm, Nam Khánh, Công Lâm, Bích Toàn, Kim Phụng, Khánh Trang, dàn hợp xướng Nhà hát giao hưởng, nhóm múa Rex...
Con gái của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai là ca sĩ Jazzy Dạ Lam cũng vừa từ nước ngoài trở về để hát trong đêm nhạc của mẹ.
Nhân dịp này, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai ra mắt cùng lúc 3 đầu sách: Bạn bè và Trương Tuyết Mai, Tình yêu của tôi và Lật từng mảnh ghép. Bà sẽ chia sẻ thêm về hành trình sáng tác, gắn bó bền bỉ với làng nhạc Việt Nam từ thời chiến tranh đến nay.
Trương Tuyết Mai có nhiều ca khúc thành công như: Xe ta ơi lên đường (phỏng thơ Huy Cận), Nụ cười chiến thắng (thơ Tế Hanh), Hành khúc công nhân, Sao anh không là, Rừng với tình em, Từ ngày ấy, Ru anh, Đợi chờ, Bài ca cho anh, Phương Nam khúc ca lục bình...
Trong gia tài âm nhạc khá lớn, tên tuổi bà gắn liền với nhạc phẩm Huế tình yêu của tôi. Ca khúc này được phổ nhạc từ bài thơ của tác giả Đỗ Thị Thanh Bình. Ngay từ khi ra đời, nhạc phẩm này mau chóng được khán giả yêu thích và xem như là một trong những nhạc phẩm tiêu biểu nhất khi sáng tác về Huế. Giai điệu nhẹ nhàng, êm ái mà thâm trầm của ca khúc rất phù hợp để lột tả nét duyên riêng của cố đô Huế.
Điều khiến không ít nam nhạc sĩ nể phục Trương Tuyết Mai là: khi phổ bài thơ của Thanh Bình, bà không dùng những chất liệu âm nhạc dân gian khi thực hiện ca khúc về Huế, thay vào đó là ngôn ngữ âm nhạc hiện đại của Tây phương. Nhưng khi bài hát vang lên, không ai có thể phủ nhận được nét dân tộc đậm đà qua từng giai điệu. Trương Tuyết Mai chia sẻ, bà được học rất nhiều về nhạc dân tộc, nhưng khi sáng tác, bà luôn để cho cảm xúc thăng hoa và không bị chi phối bởi khuôn mẫu hay công thức nào.
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai sinh năm 1944. Bà bắt đầu hoạt động âm nhạc từ khi còn là học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Năm 1965, bà tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội, sau đó về công tác tại Dàn nhạc Đài Phát thanh Giải phóng (CP90). Từ năm 1974, bà phục vụ tại chiến trường Trị - Thiên, khu V và Chiến dịch Hồ Chí Minh (trong đoàn nghệ thuật tổng hợp Đài phát thanh Giải phóng).
Từ năm 1975 đến 1981, bà làm việc tại dàn nhạc Đài tiếng nói Việt Nam. Sau đó, nữ nhạc sĩ chuyển sang làm công tác biên tập âm nhạc tại Đài tiếng nói Nhân dân TP HCM. Đến nay, nữ nhạc sĩ sở hữu 300 ca khúc phổ thơ cũng như tự sáng tác.
* Video: Cẩm Ly thể hiện ca khúc "Huế tình yêu của tôi" |
|
Thất Sơn