Ca sĩ Ái Vân vừa từ Mỹ trở về TP HCM chuẩn bị ra mắt tự truyện mang tên Để gió cuốn đi. Chị tâm sự trên trang cá nhân: "Cuối cùng thì cũng xong một việc rất khó với mình: ra sách. Đây là cơ hội để chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề và chuyện tình..". Sách do First New Trí Việt và Nhà xuất bản Hội nhà văn thực hiện.
Tự truyện Để gió cuốn đi dày hơn 300 trang, gồm 17 chương được đặt tên như: "Ba má", "Ông bà ngoại", "Cuối thời vang bóng", "Đại gia đình", "Theo nghiệp má", "Lên mười", "Gánh hát tuổi thơ", "Chiến tranh", "Học trường nhạc", "Khu nhà 36-38 phố Huế", "Năm 1975", "Ca hát thời bao cấp", "Nhạc nhẹ", "Tình duyên", "Vượt biên", "Quê người", "Vĩ thanh".
"Đây không chỉ là câu chuyện của tôi mà còn là của thế hệ tôi, không chỉ là câu chuyện của gia đình tôi mà còn của bạn bè tôi nữa. Câu chuyện những tấm lòng của những tấm lòng? Đúng vậy. Như lời một ca khúc của Trịnh Công Sơn: 'Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi'. Vâng, cuốn sách này cũng vậy. Nó được viết ra cũng chỉ để gió cuốn đi", ca sĩ Ái Vân chia sẻ.
Mong muốn viết một cuốn hồi ký về cuộc đời mình trên từng chặng đường ca hát đã đến với Ái Vân hơn chục năm về trước. Nhưng đến năm 2010 nữ ca sĩ mới cùng nhà báo Đinh Thu Hiền lên kế hoạch về cuốn tự truyện do Đinh Thu Hiền chấp bút. Năm 2013, cuốn hồi ký được dự kiến lấy tên là Hồi ức một đóa hồng. Cả hai đã cùng làm việc tích cực trong vài tháng và đã có được chương đầu gồm 11 đoạn, trích đăng độc quyền trên VnExpress.
Tuy vậy, sau phần trích đăng thứ 11, Ái Vân không muốn có cuốn sách nữa. Việc viết tự truyện khiến chị phải nhớ quá nhiều, trong khi có nhiều chuyện nữ nghệ sĩ muốn quên đi. Chị quan niệm hồi ký - tự truyện phải kể thật, nói thật mới đúng, nếu không chỉ nên viết tiểu thuyết cho xong. Nhưng khi đã kể thật, nói thật sẽ đụng chạm tới nhiều người, đấy là điều Ái Vân không muốn. Chị đã xin lỗi tác giả Đinh Thu Hiền và độc giả để chấm dứt cuốn Hồi ức một đóa hồng.
Vài năm gần đây, Ái Vân lại thao thức về những gì đã trải qua trong đời mình. Ký ức làm chị khó ngủ, bệnh mất ngủ bắt đầu từ đó. Rất nhiều đêm Ái Vân thức trắng để nhận ra có những điều không thể không nói ra. Danh ca tâm sự nếu cuốn hồi ký không được viết ra chắc chắn bệnh mất ngủ của chị sẽ không chấm dứt. Vì thế, chị quyết định tự mình phục hồi lại cuốn hồi ký.
"Giá như không phải nói gì cả, cứ thế mang theo xuống mồ thì hay biết bao nhiêu. Nhưng cuốn sách này là 'cục nợ' cuối cùng tôi phải trả, trước khi 'trắng nợ' trần gian. Viết một lần cho xong. Viết một lần để quên đi, để đến khi nhắm mắt xuôi tay mình không còn phải áy náy. Viết để hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau hơn và quan trọng để yêu thương nhau hơn, thế thì tại sao lại không viết?", nữ danh ca bộc bạch.
Nghệ sĩ Ưu tú Ái Xuân - em gái danh ca Ái Vân - bày tỏ về cuốn sách: "Cuốn tự truyện chân thật của người chị yêu quý của tôi đã nói lên tất cả".
Ái Vân là ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu của Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Chị từng đoạt giải Grand Prix tại Liên hoan âm nhạc quốc tế Dresden (Đức) năm 1981 với ca khúc Bài ca xây dựng và bài hát tiếng Đức Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế. Ái Vân sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ là nghệ sĩ tài danh Ái Liên, bố là "công tử Hà Thành" lừng lẫy một thời - Hà Quang Định, chủ hãng Vietfilm (Hãng phim tư nhân đầu tiên tại Việt Nam).
Ngoài sự nghiệp ca hát, thời trẻ, Ái Vân còn tham gia một số bộ phim điện ảnh như: vai chính trong phim Chị Nhung, hai vai phụ trong Chú rể đi đâu, Bản danh sách mật.
>> Xem thêm:
Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - Hồi ức một đóa hồng: phần một, phần hai, phần ba, phần bốn, phần năm, phần sáu, phần bảy, phần tám, phần chín, phần mười, phần cuối.