Tôi có duyên với hai chị em nghệ sĩ Ái Vân - Ái Xuân. Vào một ngày của năm 2006, tôi qua nhà chị Ái Xuân trong con hẻm trên đường Vườn Chuối, quận 3, TP HCM để viết bài về chị. Bữa đó, tôi còn ngồi nói chuyện với cha chị, ông bầu đầu tiên, ông chủ rạp hát đầu tiên tại Việt Nam - tài tử Hà Quang Định. Lúc đó, bác còn rất minh mẫn mặc dù đã phải ngồi trên xe lăn (năm sau, 2007, thì bác mất). Ái Xuân ngồi kể chuyện, thỉnh thoảng lại quay sang hỏi: “Có đúng không ba, có đúng không ba?”. Ông Định chỉ cười, rất đỗi hiền lành và tự hào. Sao không tự hào cho được khi người đàn ông này “sở hữu” người đàn bà tài sắc nhất nhì Hà Nội những năm 30-40 của thế kỷ trước: nghệ sĩ Ái Liên, và sau này là các cô con gái: Ái Loan, Ái Mai, Ái Vân, Ái Xuân, Ái Thanh.
Bài viết về nghệ sĩ Ái Xuân sau này được tôi đưa vào tập sách Ký sự nhân vật Người nổi tiếng tôi biết do NXB Văn hóa Sài Gòn in ấn và Công ty văn hóa Phương Nam độc quyền phát hành. Sau khi sách phát hành một thời gian, tôi nhận điện thoại của chị Ái Xuân. Chị nói: “Hiền ơi, chị Ái Vân sau khi đọc sách của em xong thì muốn tiếp xúc với em. Chị cho chị Vân số điện thoại của em nhé!”.
Vài tháng sau, Ái Vân về Việt Nam. Chúng tôi hẹn gặp nhau ăn tối tại quán cà phê trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Chị Vân ngồi kể chuyện tới đâu, tôi ô a tới đó. Ái Vân rất ngạc nhiên: “Chị nghĩ em đã biết về cuộc sống riêng tư của chị nhiều rồi chứ!”. Cuối buổi nói chuyện, Ái Vân để ngỏ về việc hợp tác viết hồi ký.
Bẵng đi gần hai năm, tôi không thấy chị Ái Vân đả động gì đến việc viết lách gì. Công việc làm báo hàng ngày cũng cuốn tôi đi. Vào tháng 9/2010, Ái Vân đột ngột điện thoại nói muốn gặp tôi để bàn về việc viết tự truyện. Và chúng tôi đã ăn trưa ngay tại nhà riêng của tôi để thảo luận về cuốn sách.
Khi Ái Vân quay trở về Mỹ, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Sáng sớm, tôi mở Skype và chờ tín hiệu gọi của Ái Vân. Giấy bút được sắp sẵn. Ái Vân kể, tôi ghi chép lại, thỉnh thoảng ngắt ngang hỏi về vài điều chưa rõ ràng. Mỗi sáng, chúng tôi trò chuyện chừng hai tiếng đồng hồ, sau đó tôi đi làm. Buổi trưa, tôi ngồi viết những điều vừa được nghe kể lại, mail cho Ái Vân. Có điều gì cần sửa đổi, Ái Vân mail lại ngay trong ngày, và công việc ngày hôm sau lại được tiếp tục như vậy. Chúng tôi gọi đó là việc viết theo kiểu “cuốn chiếu”. Thời gian làm việc của chúng tôi gần như liên tục trong suốt hơn một tháng trời, chỉ nghỉ vào cuối tuần.
Những ngày cuối tuần, chị Ái Vân xếp sắp lại tư liệu và hỏi han người thân, bạn bè về những chi tiết nhớ chưa chuẩn xác. Các đồng nghiệp báo chí rất quan tâm, đã hỏi thăm từng ngày về cuốn sách. Và cuốn hồi ký của ca sĩ Ái Vân đã được nhắc tới là một trong những cuốn hồi ký được chờ đợi nhất.
Khi công việc đang rất trôi chảy, thì luật sư của hai bên cần soạn thảo hợp đồng để làm rõ việc bảo hộ sở hữu tác quyền, tác phẩm. Hồi ức một đóa hồng dự tính sẽ được dịch sang tiếng Anh để phát hành bên Mỹ, và sau này có thể dựng thành phim. Do vậy, cần rõ ràng các vấn đề tác quyền ngay từ đầu. Cả hai chị em chúng tôi đều rất ú ớ việc này nên rất ngại va chạm. Có vài điều chưa hiểu, Ái Vân đã email hỏi lại luật sư tại Việt Nam. Rồi sau đó chị nói với tôi có lẽ sẽ thuê luật sư tại Mỹ soạn thảo và tư vấn. Tuy nhiên, việc này không khả thi vì cuốn sách được thực hiện tại Việt Nam, do vậy phải tuân thủ theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Những ngày sau đó, Ái Vân bị mệt, rồi chị nói rất bận rộn vài công việc khác. Tôi đang thực hiện dang dở công việc này, tuy vậy, cũng không giục Ái Vân, để chị sẽ tự thu xếp mọi thứ cho ổn thỏa nhất. Vì vậy, cuốn sách chỉ mới viết được 11 phần trong chương I, trong tổng số ba chương chính theo dự kiến.
Đầu năm 2013, Ái Vân điện thoại cho tôi. Chị nói, sẽ sắp xếp thời gian để toàn tâm toàn ý thực hiện nốt cùng tôi dự án còn dang dở này trong thời gian tới. Vì vậy, các phần tiếp theo của Hồi ức một đóa hồng hy vọng được ra mắt gần nhất với bạn đọc, những người quan tâm đến Ái Vân và đại gia đình nổi tiếng của nữ nghệ sĩ.
Có bạn đọc đã điện thoại hỏi tôi, điều gì ở cuộc đời Ái Vân khiến tôi kiên nhẫn chấp bút, cho dù sự cách trở về địa lý và khoảng cách để hoàn thành cuốn sách khá dài như vậy. Hơn nữa, công việc làm báo tại tòa soạn của tôi cũng rất bận rộn, con gái còn nhỏ cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Thời gian nào để tôi có thể nuôi ngọn lửa đam mê viết lách suốt nhiều năm dài cho một tác phẩm?
Có hai điều rất quan trọng khi tôi thực hiện dự án này. Thứ nhất, tôi là người đàn bà luôn cảm thấy cô đơn trong cuộc sống nên ráng “vịn” vào cây bút để đứng cho thật vững. Thứ hai, vì sức hấp dẫn quá lớn của những biến cố trong cuộc đời Ái Vân khiến tôi rung động và đồng cảm. Chị là điển hình của điển hình thân phận người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, nhưng đã bị những xô đẩy của thời cuộc, của môtíp “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” vùi dập. Cho đến tận thời khắc hiện tại, có lẽ trong tâm hồn sâu thẳm của người nghệ sĩ, hạnh phúc vẫn là điều thật khó nắm bắt!
Tôi rất cám ơn sự theo dõi rất chăm chú và hứng thú của nhiều độc giả VnExpress. Những lời góp ý, cả khen lẫn chê, đều được tôi ghi lại trong cuốn sổ tư liệu của mình. Hẳn rằng, khi tiếp tục Hồi ức một đóa hồng, tôi và ca sĩ Ái Vân sẽ cố gắng đáp ứng phần nào mong mỏi của đa số bạn đọc.
Những chương tiếp theo, những câu chuyện tình, những bước ngoặt gay cấn trong cuộc đời nữ ca sĩ Ái Vân, chúng tôi để in thành sách, và phát hành trong thời gian sớm nhất có thể.
Đinh Thu Hiền