NSND Trần Phương được nhớ tới với các vai diễn như A Phủ trong Vợ chồng A Phủ, Khoa - chồng Tư Hậu - trong Chị Tư Hậu, Tiệp trong Ngày lễ Thánh, Lực trong Vợ chồng anh Lực... Sinh năm 1930, ông thuộc thế hệ những nghệ sĩ kỳ cựu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Tới gặp Trần Phương, câu đầu tiên ông nói: "Tôi giờ chỉ còn chờ chết thôi. Bạn bè vẫn có nhưng còn lại ít, những người trạc tuổi mình đi hết rồi. Tự tay tôi đi chôn cất nhiều người. Đến lượt mình thì chắc chỉ có họ đón ở dưới chứ không còn ai đưa tiễn". Trong sự trào lộng của ông có chút ngậm ngùi.
Tuổi già lẩn thẩn nên trong đầu ông chỉ nghĩ tới chuyện sống - chết. Nhắc tên một người bạn diễn cũ, ông cũng hỏi: "Thế bà ấy còn sống à". Ông nhớ người đồng nghiệp thân thiết trước đây là Trịnh Thịnh cũng đã qua đời năm ngoái. Lại có những người bạn mà như ông kể: "Nghe tin còn sống nhưng không sao gọi được. Cái người này hay lắm. Sống thui thủi một mình, vợ con chết rồi, không chịu gặp ai, trò chuyện với ai. Mỗi người một tính một nết mà".
Người bạn diễn cùng thời hiếm hoi còn liên lạc với Trần Phương là NSND Trà Giang. "Ngày xưa cô ấy với tôi cũng thân lắm. Hồi làm diễn viên chúng tôi hay đóng cặp. Khi làm đạo diễn tôi cũng hay mời cô ấy đóng. Cách đây không lâu cô ấy lặn lội ra tận đây, đuổi con đi chơi để nói chuyện với tôi. Tôi bảo, cô tưởng tôi chết nên ra đây viếng à. Tôi cứ đùa thế. Cô ấy bảo không, em nhớ anh nên đến thăm anh. Cô ấy lại bảo anh em mình gặp nhau lần này chắc là lần cuối. Tôi mới nói, năm ngoái, năm kia cô cũng đến và bảo như thế".
Bạn của Trần Phương giờ là những người ông quen trong các buổi chiều ra hồ Tây tập thể dục, hóng gió. Với ông, đó là những người bạn quê mùa nhưng sống tốt, sống khỏe và yêu đời hơn ông, nhất là không phải lo về sống - chết. "Có khi mình nói chuyện ông ấy không hiểu, ngược lại ông ấy kể những câu chuyện mình cũng không biết hết. Nhưng thế cũng vui. Thi thoảng họ cho mình cái bánh bảo ăn cái này hay lắm. Cuộc sống bây giờ nó thế. Mỗi người đều phải tự thu xếp bản thân cho ổn thỏa".
Vợ mất đã gần 10 năm. Ở tuổi 85, nghệ sĩ ở một mình trong ngôi nhà cũ, đồ đạc đơn giản. Con cái đều có gia đình riêng. Con gái Trần Phương Thủy - giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh - cùng cháu ngoại ông dọn về sống trên tầng ba cùng khu nhà với nghệ sĩ nhiều năm nay. Trần Phương kể: "Nó bận nên đi cả ngày. Tôi bảo trổ cầu thang riêng mà đi về tự do. Cơm nước buổi trưa, buổi tối thì tôi tự lo. Thi thoảng con gái mang đồ ăn xuống cho. Tôi sống độc lập từ thời trẻ, đi bộ đội, đi học rồi diễn đều một mình tự chăm lo cuộc sống. Bây giờ tôi thấy rất bình thường, không muốn làm khổ con cháu, vì chúng nó cũng bận nhiều việc. Thế hệ của tôi sống đơn giản lắm".
Nhớ về vợ, ông nói: "Thời trẻ cứ đinh ninh mình chết trước bà ấy. Suốt ngày lo mình đi trước, bà ấy ở lại cũng buồn. Nhưng bất thình lình bà ấy đi. Có cảm giác bà ấy sợ bị cô độc. Ngày cuối đời bà ấy còn dắt tôi ra hồ Tây ngắm cảnh chiều. Tôi nghĩ thời đại của tôi nó khác, giờ con cái cũng tốt nhưng không lo được như bà xã lo cho tôi hay tôi lo cho bà ấy".
Ông thừa nhận mình cô đơn. Nằm trên giường trong căn nhà trống, thi thoảng ngó qua cửa sổ, ông bảo có ai đi qua gọi 'ông Phương ơi' thì giật mình ngóng ra xem rồi lại nằm xuống. "Cô đơn nhưng cũng phải chịu thôi".
Mấy năm trước, nghệ sĩ Trần Phương phải đi cấp cứu vì huyết áp cao, "tưởng đi rồi". Sau thời gian chữa trị, nghệ sĩ bảo giờ ông lại thấy khỏe mà không cần uống thuốc. Tuy vậy, tuổi già khiến chân tay cập rập, đi lại khó khăn.
Ký ức "Vợ chồng A Phủ"
Hiện tại, nghệ sĩ Trần Phương có chuyện tỉnh có chuyện không. Có lúc ông cứ lặp đi lặp lại một chuyện. Hỏi tên khách nhớ được lúc rồi lại quên. Tuy vậy, trong cách nói chuyện vẫn còn cái chất tếu táo, thoải mái của người từng xông pha trong nghề hết đóng phim tới làm đạo diễn. Và dù không nhớ nhiều bộ phim từng đóng, ông vẫn nhớ như in Vợ chồng A Phủ - vai diễn điện ảnh đầu tiên. Phim của đạo diễn Mai Lộc, nhà văn Tô Hoài viết kịch bản. Trần Phương cho biết chính Tô Hoài là người đã khuyến khích ông sống cùng người Mèo trên miền núi, phải thâm nhập thực tế rồi mới đóng phim. "Hồi đó tôi đi làm phim theo sự hướng dẫn của ông Tô Hoài. Không phải hướng dẫn về diễn xuất mà chính ông ấy đã kể câu chuyện thời ông đi cùng dân Mèo để viết tác phẩm. Tôi đi lại con đường mà Tô Hoài đã đi".
Trần Phương cũng nhớ mãi câu chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân: "Tôi gặp Nguyễn Tuân đi bộ ở Tuần Giáo, Điện Biên, khi ông ấy đang đi thâm nhập viết tùy bút Sông Đà. Ông ấy hỏi: 'Cậu biết thế nào về thằng A Phủ'. Hồi đó tôi ngây ngô lắm, nói như nhà cách mạng, rằng A Phủ là người nông dân nghèo khổ, sau này vùng dậy tự giải phóng bản thân. Ông Nguyễn Tuân cười khà khà, bảo thế là cậu đếch hiểu gì về A Phủ cả. Cái thằng A Phủ, trước tiên nó cưỡi ngựa rất giỏi, cậu phải biết cưỡi ngựa. Thứ hai là phải biết ghẹo gái. Dân Mèo quen nhau là rủ nhau đi suốt cả đêm. Cậu làm được như thế mới có thể đóng được vai này".
Trần Phương cho biết sau đó ông không làm được vế thứ hai như Nguyễn Tuân nói nhưng đã sống với người Mèo cả năm trời, ăn, ở cùng họ, nuôi đàn bê cho tới khi chúng lớn. Phim có cảnh giết bò nên mỗi lần một con bò chết, mọi người trong đoàn lại mổ ăn. Ăn không hết ông tranh thủ làm ruốc gửi về cho vợ và con ở nhà.
Nghệ sĩ Trần Phương cũng kể về kỷ niệm khi đóng phim với cố nghệ sĩ Đức Hoàn - người vào vai Mỵ. "Hồi đó Đức Hoàn đẹp lắm. Hai anh em cùng đi thâm nhập trên đấy. Tôi kiếm con ngựa tập cưỡi, cho bà ấy ngồi sau lưng. Trên đầu tôi còn một cái sẹo do lần tập ngựa, nó quất ngược tôi ngã xuống đường, chảy máu. Ngồi trên ngựa lúc đấy không có yên cương, chỉ có thừng, nó quật ngã mình suốt".
Bộ phim thứ hai mà Trần Phương nhớ nhiều là Chị Tư Hậu đóng cùng Trà Giang. Ông kể cả hai đóng vợ chồng, có cảnh nằm ôm nhau ngủ. Vợ ông xem chỉ cười nhưng ông biết trong lòng bà không thoải mái. Tuy vậy, bà với NSND Trà Giang ở ngoài lại chơi thân với nhau. Hồi vợ Trần Phương còn sống, Trà Giang vẫn thường tới nhà trò chuyện, cơm nước cùng.
Sau này, NSND Trần Phương chuyển sang làm đạo diễn. Ông bảo con người ông không chịu dừng lại bao giờ, luôn muốn làm cái mới, cái khác. Chính ông là người viết kịch bản phim Tội lỗi cuối cùng. Sau đó, nhận thấy không ai có thể đạo diễn phim này đúng theo ý mình, ông bắt tay làm luôn. Để phim được chân thực, Trần Phương đã vào sống trong trại giam một thời gian. Sau này, nữ diễn viên Phương Thanh cũng được đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, chung sống cùng các nữ phạm nhân nhằm có trải nghiệm cho vai diễn. NSND Trần Phương khẳng định muốn làm nghề tốt phải thâm nhập thực tế.
Say nghề, hết mình vì vai diễn và các bộ phim nhưng NSND Trần Phương bảo: "Tôi cứ làm vì thích thế thôi. Thế mà được giải này giải nọ. Rồi người ta phong cho là nghệ sĩ nhân dân chứ tôi có bao giờ để ý tới những cái đó đâu". Không còn làm phim được nhưng nhìn thấy máy quay, ông lại hỏi han và so sánh với phương tiện quay phim thời ông, như vẫn còn nhớ và yêu nghề lắm.
Anh Sa
Ảnh: Quý Đoàn
Video: Trần Quang