"Tối qua, thật tình cờ tôi xem lại trên tivi (500) Days of Summer. Hình như là lần thứ n. Nếu bạn còn trẻ và chưa từng xem bộ phim này, tôi nghĩ rất nên dành ra một giờ 37 phút cho nó. Sau đó có thể bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để 'tiêu hóa', tranh luận, buồn bã, do dự, hoang mang và cả để tin rằng tình yêu đôi lúc cần một sự thật hơn là những ảo tưởng của chính chúng ta", nhà văn trẻ Phan Ý Yên chia sẻ cảm nhận khi xem bộ phim được phát lại liên tục trên HBO trong mùa hè này.
Ra đời năm 2009, tác phẩm nói về tình yêu không chỉ đưa sự nghiệp tài tử Joseph Gordon-Levitt cùng êkíp sáng tạo lên hàng nổi tiếng, mà còn là một trong những phim gây sốt ở bất kỳ thời điểm nào được chiếu lại.
Chuyện tình của những ai từng yêu
(500) Days of Summer là tác phẩm lãng mạn có cấu trúc không theo trật tự tuyến tính thời gian. Mỗi cảnh phim được giới thiệu bằng một tấm thẻ đề thứ tự ngày trong hồi ức của nhân vật nam chính về mối tình đã thất bại với cô gái mang tên Summer.
Tác giả kịch bản - Scott Neustadter - cho biết phim dựa trên mối tình có thật của bản thân. Nhân vật Summer có nguyên mẫu là cô gái từng học chung đại học với anh. Trải nghiệm đau đớn và khủng khiếp khi mối tình tan vỡ thúc giục anh viết nên kịch bản.
Lúc nhận kịch bản, đạo diễn Marc Webb coi tác phẩm là phim về tuổi mới lớn hơn là một phim tình yêu mang màu sắc hài hước. Ông nói: "Hầu hết phim hài lãng mạn đều bám vào công thức hơn là tình cảm thật. Với câu chuyện này, tôi muốn nó là bộ phim không sến và không cay nghiệt. Tôi muốn người xem có thể nhún nhảy cùng nó. Đó là lý do tại sao lại có dấu ngoặc đơn quanh con số 500 ở nhan đề - dấu ngoặc khiến phim như một bản nhạc Pop. Bộ phim này không lớn lao, không bàn về chiến tranh hay nghèo đói. Nó là 500 ngày yêu của một chàng trai như bất kỳ ai. Khi trái tim bạn lần đầu tan vỡ, mọi cảm xúc ngốn ngấu bạn. Đó là thứ cảm xúc tôi muốn bộ phim này bắt được, trước khi chính tôi cũng quên mất".
Nam chính Gordon-Levitt lý giải rằng anh bị hút vào vai Tom bởi thấy gần gũi với bản thân. "Trái tim tôi cũng từng tan vỡ, thực sự tan vỡ. Nhưng khi tôi nhìn lại giai đoạn hậu chia tay đau khổ đó, tôi thấy thật hài hước bởi vì sự thực không đến nỗi bi thảm như cảm nhận lúc ấy của tôi. Một điều khiến tôi yêu bộ phim này là nó không coi nhẹ cảm xúc khi yêu của chúng ta. Nó chân thành ghi nhận lại cảm xúc tình yêu và rồi truyền tải bản chất đó lên khuôn hình một cách hài hước mà thâm thúy".
Bệ phóng thành công của êkíp và sao
Được làm với ngân sách vỏn vẹn 7,5 triệu USD, phim tạo hiệu ứng truyền miệng mạnh mẽ sau khi ra rạp. Tác phẩm thu về hơn 65 triệu USD trên toàn cầu. Ngoài giải "Kịch bản gốc xuất sắc" ở Lễ trao giải Tinh thần độc lập, phim cũng nhận đề cử "Phim ca nhạc/hài hước xuất sắc" ở Quả Cầu Vàng lần thứ 67.
Nhờ thành công của (500) Days of Summer, êkíp đạo diễn, biên kịch và sao chính có bệ phóng vững chắc trong làng điện ảnh. Sinh năm 1974, Marc Webb tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh trước khi chuyển sang làm video nhạc và phim ngắn. (500) Days of Summer là phim dài đầu tay của anh. Thành công của phim giúp đổi đời đạo diễn. Sau tác phẩm này, Marc Webb được hãng Columbia mời chỉ đạo hai tập phim của bom tấn đình đám là The Amazing Spider-Man vào 2012 và 2014.
Sau kịch bản gốc đầu tay xuất sắc, Scott Neustadter và đồng biên kịch Michael H. Weber tiếp tục được mời chấp bút các dự án phim tình yêu như The Spectacular Now, The Pink Panther 2 và mới đây nhất là phim chuyển thể The Fault in Our Stars (Lỗi thuộc về những vì sao) đã đại thắng hàng loạt giải thưởng năm qua.
Nổi tiếng nhất từ dàn sao của (500) Days of Summer là Joseph Gordon-Levitt. Diễn kịch và đóng phim từ nhỏ, trước 2009, chàng diễn viên sinh năm 1981 từng xuất hiện với nhiều vai phụ trong các phim truyền hình và một số vai thứ chính trong phim điện ảnh như 10 Things I Hate about You, Mysterious Skin hay The Lookout. Nhưng phải đến khi hóa thân thành chàng trai đau khổ, bị dày vò và dằn vặt, mong muốn lý giải vì sao mối tình cũ tan vỡ, anh mới được công nhận như ngôi sao trẻ tài năng. Diễn xuất của Levitt được đánh giá là chìa khóa cảm xúc chân thực cho phim. Vai diễn này giúp anh được đề cử "Nam diễn viên chính xuất sắc trong phim ca nhạc/hài hước" ở Quả Cầu Vàng lần thứ 67.
Sau thành công của (500) Days of Summer, Levitt trở thành thần tượng của hàng loạt cô gái, được giới làm phim chú ý. Anh được mời vào các bom tấn như The Dark Knight Rises, Inception hay mới đây nhất là phim tiểu sử Snowden của đạo diễn Oliver Stone. Nam diễn viên cũng gây ấn tượng khi chuyển sang làm đạo diễn và nhà sản xuất của các phim như Don Jon hay The Sandman.
Sau sáu năm vẫn gây sốt mỗi khi chiếu lại
Lần đầu giới thiệu ở Liên hoan phim Sundance, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Marc Webb được người xem vỗ tay nhiệt liệt trong hơn 10 phút. Trong 214 bài phê bình trên trang Rotten Tomatoes, có 86% bài đánh giá phim tích cực. Nhận định chung của giới chuyên môn về (500) Days of Summer là tác phẩm thông minh, lãng mạn, khác thường và quyến rũ. Phim được hàng loạt tạp chí và phê bình gia xếp vào Top 10 phim hay nhất năm 2009.
Một số nhà phê bình ví phim với những tác phẩm tình yêu kinh điển kiểu như Annie Hall (1997) hay High Fidelity (2000). Cố phê bình gia Roger Ebert chấm phim 4/4 sao và ngợi ca tác phẩm hài hước này có màu sắc vui tươi, nhiều sáng tạo. Tay nghề đạo diễn của Marc Webb được nhà phê bình Lou Lumenick của New York Post ngợi ca là một nhà làm phim đầu tay đầy tài năng và tự tin.
Từ sau khi ra mắt năm 2009, mỗi lần phim được phát lại ở các liên hoan phim hay trên sóng truyền hình, người hâm mộ ở khắp mọi nơi vẫn xao xuyến và thổn thức trước câu chuyện tình yêu chân thành.
Peter Travers của Rolling Stone lý giải sức hấp dẫn bền bỉ của (500) Days of Summer: "Hầu hết phim hài lãng mạn đều theo kiểu chàng trai gặp cô gái rồi chàng trai mất cô gái. Bộ phim này khác biệt bởi nó là một khúc ruột chân thành mà bất kỳ ai cũng tìm thấy dù xem bao nhiêu lần đi nữa".
Còn với Phan Ý Yên - người vừa thổn thức lại về câu chuyện tình yêu chân thành của phim trong hè này, (500) Days of Summer là tác phẩm mà cứ mỗi lần xem lại là thêm một lần tìm thấy những điều mới mẻ.
Trailer phim "(500) Days of Summer" |
|
Vũ Văn Việt