Xu hướng những nhà làm phim độc lập tự tìm tòi, xoay xở kinh phí từ các nguồn tài trợ để làm phim dường như trở nên phổ biến hơn thời gian gần đây. Những dự án phim độc lập kiểu này thường không đặt mục tiêu về doanh thu trong cuộc chơi của những nhà sản xuất. Đơn giản là họ chỉ muốn làm một bộ phim của riêng mình, theo ý mình và theo một chuẩn mực nghệ thuật nhất định chứ không chỉ những món ăn tinh thần chiều lòng khán giả như kiểu Hollywood.
Với tham vọng làm ra những tác phẩm điện ảnh theo ý mình chứ không chỉ vào vai những nhân vật trong phim của người khác, các tài tử điện ảnh đã dấn thân và thành công trên cả vai trò đạo diễn lẫn diễn viên.
Trong rất nhiều nhân vật làm điện ảnh theo hướng đó, có thể thấy một nhóm đạo diễn vốn xuất thân là những diễn viên như Ben Affleck, Clint Eastwood, Sean Penn, Sofia Coppola, George Clooney, Mel Gibson, Joseph Gordon-Levitt… Họ có thể đi theo nhiều con đường và lựa chọn những quan niệm làm phim khác nhau nhưng đều để lại dấu ấn riêng và gặt hái những thành công nhất định.
Clint Eastwood là một trong những diễn viên tiêu biểu đã có lựa chọn hoàn toàn đúng đắn khi dấn thân vào vai trò đạo diễn. Với Changeling, Gran Torino, Hereafter… ông khẳng định phong cách riêng với lối làm phim dung hoà giữa “tinh thần” mạch lạc Hollywood và những lựa chọn nghệ thuật mang tính cá nhân.
Những bộ phim của ông chủ yếu vẫn có kết cấu cổ điển (thắt nút – cao trào – mở nút), vẫn hấp dẫn người xem bởi những xung đột, kịch tính nhưng người ta sẽ nhớ đến ông với một lối kể chuyện dung dị, cách nhìn cuộc sống đời thường, gần gũi hơn. Ông đưa nghệ thuật của mình đến gần với cuộc đời qua các vấn đề dân sinh, xã hội như nạn nhập cư, tội phạm, sự xung đột thế hệ (Gran Torino, Changeling) và cả thế giới tâm linh của con người (Hereafter).
Một đạo diễn xuất thân từ diễn viên khác cũng rất thành công là Sean Penn. Into the wild (2007) được đánh giá là tác phẩm thành công nhất trong vai trò đạo diễn kiêm nhà sản xuất của Sean Penn. Với ngôn ngữ điện ảnh riêng, tài tử phim I Am Sam kể cho khán giả câu chuyện về một cậu bé bất mãn và chán ghét gia đình. Cậu phản ứng với cha mẹ bằng cách bỏ nhà đi và rồi chết ở Alaska.
Cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn cùng những thước phim đẹp, chân thực và dung dị về nước Mỹ trong tâm tưởng của Sean Penn đã khẳng định một lần nữa tài năng của những tài tử điện ảnh với tham vọng đạo diễn những bộ phim của đời mình.
Những dự án làm phim độc lập đã cho những “đạo diễn không chuyên” có cơ hội được đưa những vấn đề thời sự, những vấn nạn lịch sử, xã hội mà họ quan tâm lên màn ảnh nhỏ. Đó có thể là những vấn đề đang ngày một diễn ra trong cuộc sống đời thường như nạn phân biệt chủng tộc, mối đe doạ hệ sinh thái (Dances with Wolves - Kevin Costner), sự chi phối của công việc tới cuộc sống đời tư… nhưng cũng có khi là những vấn đề ở tầm tư tưởng, những nghiền ngẫm sâu xa về lịch sử và văn minh nhân loại như Mel Gibson với Apocalypto năm 2006.
Một trường hợp đặc biệt khẳng định tài năng và tham vọng làm nghệ thuật chân chính của mình thông qua các giải thưởng lớn là Ben Affleck. Bộ phim khai thác đề tài chính trị, lịch sử - Argo (2012) - của anh được giới chuyên môn và phê bình điện ảnh đánh giá cao. Ít ai ngờ rằng chàng phi công điển trai Rafe McCawley năm nào trong Pearl Harbor có ngày được đứng trên bục danh dự nhận giải Oscar danh giá cho “Phim hay nhất” với tư cách là đạo diễn, nhà đồng sản xuất.
Thành công của Ben Affleck là một tín hiệu đáng mừng cho những tài tử dám lựa chọn và dấn thân vào con đường làm phim chuyên nghiệp. Họ có thể xuất thân với đôi chút năng khiếu diễn xuất bẩm sinh nhưng nếu thực sự đam mê và thực sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, họ sẽ không chỉ dừng lại ở những vai diễn để đời.
Ben Affleck là một minh chứng tiêu biểu cho khuynh hướng tìm tòi của những nhà làm phim độc lập mà vẫn đảm bảo được tính nghệ thuật lẫn tính hấp dẫn của điện ảnh Hollywood. Trên góc độ này, Ben có thể xếp vào những người kế tục Clint Eastwood, Sean Penn nhưng hứa hẹn còn đi xa hơn.
Tính nghệ thuật hay tính thương mại vẫn còn là một câu chuyện dài của nền công nghiệp điện ảnh lớn nhất thế giới – Hollywood. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những tài tử điện ảnh với tinh thần dấn thân để làm ra những bộ phim mang phong cách, dấu ấn của riêng mình dường như đang hé mở cơ hội giải quyết những bế tắc đó.
Một mặt, họ đều là những người lớn lên từ cái nôi Hollywood, từng tham gia vào các bộ phim theo tinh thần Hollywood mẫu mực nên ít nhiều, lối tư duy kể chuyện gây tò mò, hấp dẫn người xem vẫn là một chiếc cầu nối đưa họ đến gần với công chúng. Mặt khác, tham vọng thoát khỏi những vai diễn, những hình tượng do “người khác” dựng nên để làm ra những tác phẩm thể hiện suy tư, chiêm nghiệm của riêng mình sẽ khiến họ tạo dựng phong cách nghệ thuật riêng, màu sắc khác nhau trong bức tranh khổng lồ Hollywood.
Trong tương lai, khuynh hướng những tài tử điện ảnh đến một độ “chín” nhất định “đá sân” sang lĩnh vực đạo diễn, nhà sản xuất có lẽ vẫn sẽ được khán giả đón đợi. Joseph Gordon Levitt với dự án phim Don Jon trong thời gian tới sẽ là tâm điểm nhiều hứa hẹn cho một phong cách trí tuệ từ diễn xuất đến cách làm phim.
Thùy Anh