- Một số truyện cổ tích gần đây bị phản ánh là có nội dung không phù hợp với thiếu nhi, Cục có ý kiến gì?
- Những ngày qua, chúng tôi nhận được thông tin phản ánh từ bạn đọc và các phương tiện truyền thông về những xuất bản phẩm có nội dung chưa phù hợp với trẻ nhỏ. Phải nhìn nhận vấn đề này từ hai phía.
Về phía các nhà xuất bản, chúng tôi ghi nhận nỗ lực, cố gắng của họ trong việc lựa chọn, sưu tầm, biên soạn sách cho thiếu nhi. Cần nói thêm, truyện cổ tích luôn có những dị bản. Việc lựa chọn dị bản nào cho phù hợp đối tượng đọc là trách nhiệm của nhà xuất bản. Quá trình biên soạn đòi hỏi trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập và biên tập viên nhà xuất bản...
Về phía cơ quan quản lý, sau khi sự việc được phản ánh, Cục đã chỉ đạo các nhà xuất bản kiểm tra và rà soát những sản phẩm chứa nội dung chưa phù hợp với thiếu nhi; đồng thời làm rõ trách nhiệm của nhà xuất bản, đối tác liên kết trong việc để xảy ra vi phạm.
- Cục có hình thức xử lý thế nào với trường hợp truyện "Sọ Dừa" và cuốn "Truyện cổ tích Việt Nam"?
- Cục đã yêu cầu Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Hồng Đức đình chỉ phát hành các xuất bản phẩm trên để thẩm định nội dung và đề xuất phương án khắc phục. Việc xử lý cần theo quy trình và tuân thủ quy định của pháp luật. Sai ở khâu nào sẽ xử phạt ở khâu đó, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào, sẽ xử lý đơn vị đó.
Đối với cuốn Truyện cổ tích Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng đã có văn bản báo cáo Cục về việc chỉnh sửa, cắt bỏ chi tiết không phù hợp trong truyện Thạch Sanh.
Đối với cuốn Sọ Dừa, qua báo cáo của Nhà xuất bản Hồng Đức, cuốn sách trên là do Nhà sách Thị Nghè xuất bản và phát hành, mạo danh nhà xuất bản. Cục đã kiểm tra và xác minh thông tin này. Cục quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhà sách Thị Nghè 45 triệu đồng.
- Cục có phương án gì để hạn chế những cuốn sách thiếu nhi phản cảm xuất hiện trên thị trường?
- Sau khi có phản ánh về những cuốn truyện cổ tích không phù hợp với bạn đọc thiếu nhi gần đây, Cục đã ban hành công văn gửi 63 nhà xuất bản. Văn bản này yêu cầu tất cả nhà xuất bản thực hiện rà soát toàn bộ xuất bản phẩm dành cho thiếu nhi đã phát hành; rà soát bản thảo đang trong quá trình xuất bản. Công văn yêu cầu các đơn vị lựa chọn và biên tập kỹ nội dung cho phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và tâm sinh lý lứa tuổi, ghi rõ đối tượng phục vụ, lứa tuổi bạn đọc ngoài bìa.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động xuất bản, hạn chế tối đa xuất bản phẩm vi phạm được phát hành ra thị trường.
Trong công tác này, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan truyền thông, báo chí và đặc biệt là sự quan tâm của độc giả để góp phần phát hiện những hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản nhằm có những biện pháp xử lý nghiêm minh.
- Vì sao nhiều cuốn sách đã qua khâu đọc lưu chiểu của Cục Xuất bản, khi phát hành ra thị trường vẫn bị độc giả, báo chí phát hiện sai phạm nội dung?
- Đọc, kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu là một phần trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản. Giám đốc Nhà xuất bản là người chịu trách nhiệm về nội dung, quy trình xuất bản theo quy định của pháp luật, từ khâu biên tập, in, phát hành ra thị trường.
Việc nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản, In và Phát hành là để cơ quan quản lý kiểm tra tính hợp pháp của xuất bản phẩm; đồng thời, giám sát trách nhiệm của giám đốc nhà xuất bản trong việc chấp hành quy định pháp luật đối với việc thực hiện xuất bản.
Ngoài ra, xuất bản phẩm khi phát hành ra thị trường còn được kiểm tra, giám sát bởi các cơ quan chức năng như: thanh tra, quản lý thị trường... Đặc biệt là sự kiểm tra, giám sát của bạn đọc, những người trực tiếp sử dụng. Bên cạnh đó còn một lực lượng đông đảo là các cơ quan truyền thông, báo chí.
Do vậy, một xuất bản phẩm khi được xuất bản và phát hành ra thị trường thì không hạn định thời gian kiểm tra, xử lý.
Trong thời gian tới, tất cả xuất bản phẩm lưu chiểu sẽ được đưa thông tin lên Cổng thông tin của Cục. Việc làm này nhằm minh bạch số lượng xuất bản phẩm, và để công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin một cách chính thống, qua đó góp phần giám sát việc thực hiện pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động này.
Lam Thu thực hiện