Justice League
Với kinh phí được cho là lên đến 300 triệu USD, dự án Justice League được hãng Warner Bros. trông chờ trở thành tác phẩm đầu tiên của Vũ trụ Điện ảnh DC cán mốc một tỷ USD, đồng thời trở thành đối trọng với The Avengers của Marvel. Tác phẩm quy tụ dàn người hùng Superman, Batman, Flash, Aquaman, Cyborg, đặc biệt là Wonder Woman - nữ anh hùng đang rất được quan tâm sau bom tấn cùng tên trong mùa hè.
Tuy nhiên, Justice League lại gây thất vọng lớn với kịch bản đơn điệu, dẫn dắt câu chuyện thiếu thuyết phục và kỹ xảo kém ấn tượng. Phim chỉ nhận 40% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Một số người hâm mộ cho rằng chất lượng kém của phim là bởi hãng Warner Bros. can thiệp quá nhiều lên sản xuất, đưa thêm nhiều câu thoại hài hước không cần thiết. Sau hơn một tháng ra rạp, phim chỉ thu về 633 triệu USD, chưa bằng một nửa The Avengers. Trong khi đó, trang Deadline ước tính tác phẩm phải thu về 750 triệu USD để có thể hòa vốn (bởi các rạp chiếu thường giữ lại 50% tiền bán vé).
King Arthur: Legend of the Sword
Sau khi chuyển thể thành công hai tập phim về Sherlock Holmes, đạo diễn Guy Ritchie tiếp tục đưa một nhân vật nổi tiếng trong văn hóa đại chúng Anh là vua Arthur lên màn ảnh. Tuy nhiên, King Arthur: Legend of the Sword lại thua xa hai phim Sherlock Holmes cả về chất lượng lẫn doanh thu. Dù quy tụ dàn sao Jude Law, Eric Bana, Charlie Hunnam và David Beckham (trong vai khách mời), tác phẩm chỉ thu về 148 triệu USD, trong khi kinh phí lên đến 175 triệu USD.
Theo tờ The Hollywood Reporter, thiệt hại mà bộ phim mang tới cho hãng Warner Bros. là khoảng 150 triệu USD. Một chuyên gia tài chính nhận định: “Warner Bros. không có lý do gì để bỏ ra hơn 175 triệu USD cho một bộ phim đáng lẽ chỉ nên tiêu tốn khoảng 60 triệu USD”. Giới phê bình đánh giá thấp phim với chỉ 29% bình luận tích cực trên Rotten Tomatoes, trong đó nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm đánh mất chất sử thi của huyền thoại về vua Arthur. Kế hoạch làm sáu phần phim về nhân vật này của Guy Ritchie cũng tan thành mây khói.
Suburbicon
Với kinh phí 25 triệu USD và chỉ thu về 7 triệu USD, Suburbicon là một thất bại của hãng Paramount. Càng đáng thất vọng hơn khi dự án quy tụ nhiều nghệ sĩ từng được đề cử hoặc giành giải Oscar như George Clooney (đạo diễn), anh em nhà Coen (biên kịch), Matt Damon và Julianne Moore (diễn viên). Câu chuyện xoay quanh những bí ẩn tại một thị trấn Mỹ vào thập niên 1950.
Giới chuyên môn xem Suburbicon là “một sự lãng phí tài năng khủng khiếp”. Bộ phim nhận đánh giá 28% trên Rotten Tomatoes và rời khỏi các rạp chiếu chỉ sau thời gian ngắn. “Thủ phạm” chính của thất bại trên là Clooney, khi hầu hết những lời chê bai dành cho Suburbicon đều liên quan tới khía cạnh đạo diễn. Tờ The Wrap bình luận: “Giống như các ca sĩ nhạc Pop tài năng cố chấp thử sức với điện ảnh và thất bại, George Clooney dường như không thể rời xa ghế đạo diễn dù tay nghề của anh ta ngày càng đi xuống”.
A Cure for Wellness
Đạo diễn Gore Verbinski dường như không có duyên với những dự án ngoài loạt phim Pirates of the Caribbean nổi tiếng của ông. Sau thảm họa phòng vé The Lone Ranger năm 2013, phải ba năm sau Verbinski mới trở lại ghế đạo diễn cùng A Cure for Wellness - bộ phim thuộc thể loại kinh dị, ly kỳ kể về những bí ẩn tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe trên dãy Alps.
Tác phẩm chỉ thu về 26 triệu USD dù được đầu tư 40 triệu USD, nhận điểm 47/100 từ Metacritic với những lời chê bai như “không biết điểm dừng và càng xem càng thấy lố” hay “cố gắng tái hiện không khí Gothic nhưng chỉ thể hiện sự ngớ ngẩn” từ các nhà phê bình.
Monster Trucks
Được hãng Paramount đầu tư 125 triệu USD, Monster Trucks chỉ đem lại thất vọng tràn trề. Câu chuyện xoay quanh hành trình phiêu lưu của cậu học sinh phổ thông cùng một quái vật sống bên trong chiếc xe tải. Không có ngôi sao nào và kịch bản chỉ ở mức trung bình, phim đạt doanh thu vỏn vẹn 64 triệu USD.
Cây viết Tom Huddleston của tờ Time Out nhận định: “Phim ngớ ngẩn ngay từ đề tài về những con quái vật sống bên trong xe tải”. Hầu hết báo uy tín như Variety, The Hollywood Reporter hay The Telegraph... đều cho phim điểm dưới mức trung bình, thể hiện qua điểm số 41 trên Metacritic.
The Promise
Nam diễn viên Oscar Issac gây chú ý với Star Wars: The Last Jedi cuối năm 2017, nhưng trước đó, anh từng phải nếm mùi thất bại với The Promise. Tài tử là một trong hai tên tuổi chính của tác phẩm, bên cạnh Christian Bale - diễn viên từng đoạt giải Oscar. Dự án này xoay quanh những năm cuối của đế chế Ottoman và được kỳ vọng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế tới cuộc diệt chủng người Armenia vào đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên, bộ phim được đầu tư 90 triệu USD này chỉ thu về 10 triệu USD. Trang Deadline nhận định rằng bên cạnh nội dung lịch sử khó xem, bộ phim còn sai lầm khi chọn thời điểm ra mắt vào tháng 4 (nhân dịp kỷ niệm Thảm họa diệt chủng Armenia) thay vì mùa thu (khi phòng vé trống trải hơn). Với chỉ 49% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes, phim cũng không thành công về chất lượng nghệ thuật.
Geostorm
Geostorm là một bộ phim về đề tài thảm họa môi trường, lấy bối cảnh tương lai khi con người có thể dùng vệ tinh để điều khiển thời tiết, nhưng rồi chính các vệ tinh lại bị lợi dụng để chống lại họ. Phim được quay từ năm 2014 với sự góp mặt của các ngôi sao như Gerard Butler, Jim Sturgess hay Ed Harris. Nhận phản ứng không tốt trong các buổi chiếu thử, hãng Warner Bros. cấp thêm cho đạo diễn Dean Devlin 15 triệu USD để quay và dựng lại nhiều phân cảnh.
Với kinh phí phình to đến 135 triệu USD, tác phẩm cần thu về 350 triệu USD để hòa vốn. Tuy nhiên, Geostorm chỉ thu về 207 triệu USD khi ra mắt vào thời điểm nhạy cảm - lúc cơn bão Irma đang tàn phá nước Mỹ. Chỉ 13% nhà phê bình khen ngợi phim trên Rotten Tomatoes.
The Snowman
Trong năm 2017, có hai bộ phim về những vụ án mạng nơi xứ tuyết được chú ý. Trong khi Wind River được đánh giá cao, The Snowman lại gây thất vọng nặng. Những ngôi sao đã khẳng định được tài năng như Michael Fassbender, Val Kimmer hay J.K. Simmons không thể cứu nổi sản phẩm của đạo diễn Tomas Alfredson.
Phim chỉ đạt điểm 23/100 trên Metacritic và 8% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Với đánh giá tiêu cực như vậy, không khó hiểu khi tác phẩm chỉ mang về 41,6 triệu USD, trong khi kinh phí là 35 triệu USD (chưa tính quá trình quảng bá). Trang Total Film cho The Snowman điểm 40/100 kèm lời bình: “Mọi dấu hiệu đều khiến ta kỳ vọng vào một phim hay: dàn diễn viên đẳng cấp, đạo diễn đang có phong độ cao và cuốn tiểu thuyết gốc hấp dẫn. Tuy nhiên, The Snowman cuối cùng lại là một nỗi thất vọng tràn trề”. Trên Indiewire, đạo diễn Alfredson nói hãng sản xuất sắp xếp quá ít thời gian để quay phim ở Na Uy, khiến anh chưa kịp quay nhiều cảnh trong kịch bản.
The Mummy
Trước trào lưu các vũ trụ điện ảnh, hãng Universal không thể đứng yên và quyết định sản xuất một vũ trụ điện ảnh về các sinh vật đen tối như xác ướp, Frankenstein, người sói... The Mummy được dự kiến là phim đầu tiên của series này, kể lại cuộc chiến của một sĩ quan với xác ướp công chúa Ai Cập. Nỗ lực của hãng được thể hiện qua việc mời hai ngôi sao kỳ cựu là Tom Cruise và Russell Crowe. Tuy nhiên, các dự án kế tiếp của vũ trụ này đang bị đặt dấu hỏi sau khi The Mummy gây thất vọng.
Tác phẩm thu về 409 triệu USD toàn cầu, nhưng bị trang Deadline nhận định là khiến hãng phim lỗ đến 95 triệu USD bởi chi phí sản xuất và quảng bá lớn. Khi xem phim, nhiều khán giả không hiểu tại sao một ngôi sao hạng A như Tom Cruise lại nhận lời tham gia một dự án có chất lượng kịch bản và chỉ đạo tệ đến vậy. Trên Rotten Tomatoes, chỉ 16% đánh giá về phim là tích cực. Nhiều nhà phê bình gọi đây là tác phẩm thảm họa trong sự nghiệp tài tử sinh năm 1962.
Valerian and the City of a Thousand Planets
Sau thành công với những dự án có kinh phí thấp như Leon: The Professional hay Taken, đạo diễn Luc Besson tự tin thực hiện một phim có kinh phí lên đến 180 triệu USD. Valerian and the City of a Thousand Planets được xem là bộ phim độc lập (không liên quan đến các hãng lớn của Mỹ) đắt giá nhất trong lịch sử và chứa đầy hoài bão của nhà làm phim Pháp. Câu chuyện được dựa trên bộ truyện châu Âu Valérian and Laureline, lấy bối cảnh thế kỷ 28, xoay quanh bộ đôi đặc vụ Valerian (Dane DaHaan) và Laureline (Cara Delevingne) ở trạm vũ trụ Alpha.
Bất chấp kỹ xảo đẹp mắt, tác phẩm vẫn bị chê nhiều hơn khen do kịch bản yếu kém (49% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes). Bộ phim chỉ thu về 225 triệu USD và theo Guardian, phim khiến hãng lỗ đến 120 triệu USD. Theo Variety, thất bại thảm hại của Valerian and the City of a Thousand Planets dẫn tới việc giá cổ phiếu của hãng sản xuất Europa Corp sụt giảm đến hơn 8%.
Thịnh Joey