Tác phẩm là phim thứ năm trong Vũ trụ Điện ảnh DC, xoay quanh các nhân vật cùng tên trong truyện tranh DC. Dự án do Zack Snyder đạo diễn, nhưng lúc gần hoàn thành phim, anh xin rút lui để giải quyết chuyện gia đình sau cái chết của con gái. Đạo diễn The Avengers Joss Whedon được mời vào thế chỗ để thực hiện nốt dự án. Theo nhà sản xuất, phim được quay lại khoảng 15-20%.
So với các phim trước của Vũ trụ Điện ảnh DC, Justice League giảm bớt sự đen tối, nghiêm nghị trong câu chuyện. Sự nặng nề chỉ xuất hiện trong vài cảnh đầu phim trên nền nhạc Everybody Knows. Sau đó, phim đi theo mô-típ lập nhóm, chiến đấu quen thuộc với không khí nhẹ nhàng.
* Dàn người hùng chiến đấu trong "Justice League"
Câu chuyện bắt đầu với cảnh tượng thế giới xáo trộn sau cái chết của Superman (Henry Cavill) - người hùng mang biểu tượng hy vọng. Trong lúc này, vị thần ngoài hành tinh Steppenwolf đến Trái đất và âm mưu xóa sổ nhân loại. Hắn cần tìm ba chiếc hộp quyền năng đang nằm rải rác trên hành tinh để tạo ra nguồn sức mạnh khổng lồ.
Nhận ra kẻ thù, Batman (Ben Affleck) cùng Wonder Woman (Gal Gadot) bắt đầu tìm kiếm các người hùng khác để cùng chống lại hắn. Ba thành viên được mời tham gia là hải vương Aquaman (Jason Momoa), Cyborg (Ray Fisher) - chàng trai có cơ thể nửa người nửa máy và Flash (Ezra Miller) - chàng trai có siêu tốc độ. Sau đó, Superman sống lại và chiến đấu bên cạnh nhóm người hùng. Tình tiết này không gây bất ngờ cho fan bởi Henry Cavill đã xuất hiện dày đặc trong quá trình quảng bá phim.
Sự can thiệp của Joss Whedon có thể thấy rõ trong phong cách thoại của Justice League. Nếu như Zack Snyder chuộng các đoạn thoại dài, nghiêm túc, không ngại bàn sâu về chủ đề chính trị, lý tưởng, người thay thế anh lại có sở trường với các câu nói dí dỏm, nhân vật đá đểu nhau rồi kết thúc bằng một câu chốt gây cười. Kiểu trò chuyện này chiếm ưu thế trong phần lớn phim, khi sáu anh hùng xoay vòng tương tác với nhau. Các thành viên của nhóm Justice League vừa kình nhau, vừa cố hòa hợp để đứng chung chiến tuyến.
Sự chuyển hướng về phong cách còn nằm ở lối xây dựng nhân vật. Trong Batman v Superman, cả hai người hùng đều có số phận khắc nghiệt, vừa bị dằn vặt bởi nỗi khổ cá nhân, vừa mang trọng trách cứu nhân loại. Đến Justice League, những nỗi đau này được giảm bớt, thay vào đó cả Batman và Superman đều có những khoảnh khắc vui vẻ, hài hước.
Trong ba tân binh, Aquaman và Flash cũng được xây dựng theo lối dí dỏm. Hải vương có cá tính thô lỗ, ưa xung đột và ra oai với các thành viên khác, còn Flash trẻ con, nói nhiều, gần giống Spider-Man của Marvel. Chỉ có Cyborg là có phần nghiêm nghị bởi mang nỗi đau sống trong cơ thể nửa người nửa máy - cách duy nhất để anh sống sót sau vụ tai nạn trong quá khứ.
Với mô-típ siêu anh hùng, phim không thiếu những màn chiến đấu khoe kỹ xảo. Các pha hành động của phim khá đa dạng, từ cảnh đọ sức tay đôi, thi triển siêu năng lực đến bắn phá bằng súng ống. Nhân vật của Flash gây ấn tượng với tia chớp chói sáng mỗi lần chạy, đôi khi kết hợp với hiệu ứng slow-motion để phản ánh việc anh nhận thức thế giới xung quanh trôi đi chậm hơn bình thường. Trích đoạn ấn tượng nhất phim là khi Steppenwolf truy đuổi những người Amazon trên đồng cỏ để giành chiếc hộp, còn họ phối hợp trên lưng ngựa để chuyền tay nhau vật này. Lối dàn dựng uyển chuyển của biên đạo tạo nên nhịp độ gay cấn và hiệu ứng thị giác cho cảnh quay.
Tuy nhiên, tác phẩm còn mắc nhiều điểm trừ về kịch bản. Với nỗ lực đuổi theo đối thủ Marvel trong việc xây dựng vũ trụ điện ảnh, DC quyết định làm phim về nhóm Justice League trước phim riêng về các nhân vật như Flash, Cyborg, Aquaman. Trong phim mới, xuất thân của ba nhân vật này chỉ được giới thiệu chút ít, dễ gây khó hiểu cho những khán giả không có nhiều kiến thức về truyện tranh.
Sự phát triển tuyến nhân vật mới cũng còn quá nhanh hoặc nửa vời. Tương tác của họ chỉ dừng lại ở những câu nói hài hước bề mặt mà chưa đào sâu tâm lý. Lúc đầu, Flash thể hiện sự hồi hộp, bỡ ngỡ khi lần đầu chiến đấu, cần phải được Batman động viên, nhưng sau đó anh dễ dàng vượt qua nỗi sợ này. Cyborg dằn vặt trong nỗi đau nửa người nửa máy, có cảnh chia sẻ cảm động với Wonder Woman, nhưng đến nửa sau, tình tiết này cũng không được phát triển thêm. Cảnh chuyển biến tâm lý của Superman lúc hồi sinh cũng diễn ra quá nhanh, khi người hùng dễ dàng gạt bỏ các vấn đề trước đó.
Kẻ phản diện Steppenwolf được xây dựng một chiều, tâm lý đơn giản. Được thiết kế với tạo hình hoàn toàn bằng CGI (công nghệ đồ họa vi tính), hắn giống như một nhân vật bước ra từ trong trò chơi điện tử, một cỗ máy chiến đấu huyên thuyên những điều to tát chứ không có đời sống hay cá tính nổi bật. Đây là điểm thất vọng với một phim của DC - vốn thường xây dựng kẻ phản diện có động cơ và nội tâm phức tạp.
Ở một số cảnh của nhân vật Superman, khuôn mặt anh trông hơi bất thường, để lộ dấu tích của công nghệ CGI. Lý do của chuyện này là bởi sau khi quay Justice League, Henry Cavill tham gia dự án Mission: Impossible 6 trong vai nhân vật có râu quai nón. Khi phải quay lại một số cảnh trong Justice League, tài tử vẫn đang trong hợp đồng với phim kia nên không được cạo râu. Kết quả, đoàn phim DC phải dùng kỹ xảo để xóa phần râu này.
Trong số các diễn viên, Gal Gadot nổi bật với nhan sắc và thần thái của một nữ chiến binh quý phái. Sau thành công của Wonder Woman, nhà sản xuất mạnh dạn đẩy mạnh vai trò của cô trong Justice League. Nhân vật của cô đôi khi lấn át cả Batman trong việc tổ chức, kết nối các thành viên khác.
Điều này cũng một phần do diễn xuất nhạt nhòa của Ben Affleck trong vai Batman. Ở những cảnh tâm lý, tài tử 45 tuổi cứng đơ trong biểu cảm, kém người tiền nhiệm Christian Bale trong bộ ba phim của Christopher Nolan. Trong các diễn viên mới, Ezra Miller tròn vai nhất với cách diễn linh hoạt, thể hiện được phong độ của một tài tử trẻ thực lực từng được đề cử nhiều giải thưởng trong quá khứ.
Justice League khởi chiếu từ ngày 17/11.
Ân Nguyễn