Vốn là dòng thời trang cao cấp, một bộ xiêm y chỉ được gọi là Haute Couture khi đạt đủ các tiêu chuẩn khắt khe của ngành công nghiệp. Tuy vậy, ngày nay, không ít nhà thiết kế sử dụng bừa bãi tên gọi này, khiến công chúng nhầm tưởng trang phục chỉ cần bán với giá đắt và được làm thủ công thì được gọi là Haute Couture.
1. Định nghĩa
Haute Couture, là một thuật ngữ tiếng Pháp, trong đó "couture" nghĩa là "may vá", "thời trang" còn "haute" biểu thị sự thanh lịch, tinh xảo, cao cấp. Nói ngắn gọn đây là nghệ thuật may mặc dựa trên hai tiêu chí là sang trọng và sự công phu. Mọi chi tiết trên trang phục đều phải được làm bằng tay để đảm bảo độ hoàn hảo và độc nhất, không phải đồ thủ công mua sẵn ngoài chợ. Bên cạnh đó, nhà mốt cũng phải đảm bảo: chất liệu sử dụng trong sản phẩm là hàng cao cấp, quý hiếm; nhân công là những người có tay nghề cao và sở hữu nhà xưởng đạt tiêu chuẩn.
2. Lịch sử
Vào thế kỷ 18, nhà thiết kế Rose Bertin là người có ảnh hưởng lớn với thời trang Pháp. Là người may váy và làm nón cho hoàng hậu Antoinette, bà sử dụng quyền lực để điều khiển các nhà mốt Pháp thời bấy giờ. Rose Bertin buộc các hãng làm couture phải sáng tạo nên những bộ trang phục độc nhất vô nhị, phục vụ cho phụ nữ đi dự tiệc mà không bị "đụng hàng". Yếu tố thương hiệu lúc này không được chú ý.
Tuy vậy, đến thế kỷ 19, mọi việc thay đổi hoàn toàn. Một nhà thiết kế Anh có tên Charles Worth đã đi tiên phong trong việc đưa tên tuổi của mình vào các mẫu quần áo. Bên cạnh đó, ông tự tay làm những bộ trang phục dựa trên ý tưởng riêng rồi cho người mẫu mặc để chào bán với khách hàng. Mua hay không là tùy ý các "thượng đế". Điều này tạo nên bước ngoặt lớn trong làng thời trang Pháp. Nếu Rose Bertin có công đặt nền móng cho ngành công nghiệp sản xuất Haute Couture thì Charles Worth mới là cha đẻ thực sự của thứ trang phục xa xỉ này.
Ngày nay, sự độc nhất trong thiết kế vẫn được nhấn mạnh trong các mẫu váy áo Haute Couture. Bên cạnh đó, mỗi trang phục phải tuân thủ theo một số điều luật khắt khe của ngành công nghiệp mới được dán mác là thời trang cao cấp.
3. Nhà mốt Haute Couture
Theo đúng luật, một nhà mốt Haute Couture chỉ được công nhận khi họ vượt qua những yêu cầu khắt khe của Bộ Công nghiệp Pháp và Liên đoàn Couture Pháp. Trong đó, Bộ Công nghiệp có nhiệm vụ đưa ra các điều luật quản lý và bảo hộ cho Haute Couture. Về phần mình, Liên đoàn Couture Pháp được giao trọng trách chỉ ra những nhà mốt nào mới thực sự làm ra sản phẩm đạt chuẩn Haute Couture.
Một trong những đòi hỏi đầu tiên là các nhà thiết kế phải tạo nên trang phục từ số đo của khách hàng đồng thời có dịch vụ thử và chỉnh sửa phù hợp. Bên cạnh đó, họ phải sở hữu một xưởng may tại Paris với số lượng nhân công không dưới 20 người. Trong một năm, một nhà mốt Haute Couture phải giới thiệu tối thiểu hai bộ sưu tập vào tháng 1 và tháng 7. Các trang phục đưa ra phải có đồ mặc ban ngày lẫn dự tiệc tối.
4. Nhân công
Đó là những người thợ may lành nghề. Họ dành hầu hết quãng đời của mình với một nhà mốt duy nhất. Theo tính toán, hiện có khoảng 2.200 thợ may tại Pháp đang ngày đêm biến những bộ xiêm y từ giấy trắng bước ra đời thực.
5. Giá bán
Một bộ Haute Coture cần ít nhất 20 người để hoàn thành trong trên dưới 700 giờ có giá bán cao gấp nhiều lần so với đồ may thông thường. Đối với Haute Couture mặc ban ngày, giá bán sẽ ở khoảng 8.000 bảng Anh (hơn 290 triệu đồng). Trong khi đó, đồ mặc ban đêm sẽ đắt hơn nữa. Nếu nhà mốt sử dụng vải hiếm cùng các loại trang trí làm từ vật liệu quý, giá bán của Haute Couture có thể bị đội lên vài triệu bảng.
6. Khách hàng
Ngoài giới thượng lưu tại Pháp, Haute Couture ngày nay còn có các buyer (những người mua lại đồ cao cấp để bán lại) từ Nga, Trung Quốc và Trung Đông. Giá bán của các mẫu đồ có thể bị đội lên sau nhiều năm nên họ sẽ thu lại được một món hời không nhỏ từ tay những người thích sưu tầm Haute Couture.
7. Nơi giới thiệu
Các bộ sưu tập Haute Couture luôn được ra mắt tại Paris. Karl Lagerfeld, giám đốc sáng tạo của Chanel, cho biết: "Hầu hết khách hàng thậm chí còn không được ngắm bộ sưu tập mới tại các salon. Họ chỉ được tận mắt nhìn thấy chúng sau khi chọn mua một món nào đó từ bộ sưu tập qua video chiếu trên máy bay riêng".
8. Thành viên chủ chốt
Theo Telegraph, những tên tuổi có mặt chính thức trong danh sách nhà mốt đạt chuẩn Haute Couture có thể kể đến Christian Dior, Valentino, Elie Saab hay Jean-Paul Gaultier. Một số hãng như Viktor & Rolf chỉ được gọi là "thành viên thường trực" còn Hervé Leroux và Zuhair Murad chỉ là "khách mời". Danh sách này thay đổi hàng năm.
9. Chất liệu
Đối với Haute Couture, chỉ những bộ cánh làm từ chất liệu tốt nhất từ tay những nghệ nhân giỏi nhất mới được chấp nhận. Có thể kể đến một số chất liệu như lông Lema, chỉ thêu Lesage, vải Massaro cho giày và Causse cho găng tay... Chất liệu càng tốt, độc và quý, trang phục càng được chú ý.
10. Lợi nhuận
Các nhà mốt nhận được rất ít lợi nhuận từ đồ Haute Couture. Chi phí sản xuất khổng lồ cộng với lượng khách hàng quá nhỏ (chỉ khoảng 2.000 người trên toàn thế giới) khiến số lượng nhà mốt Haute Couture giảm đi đáng kể trong 60 năm qua do chịu lỗ quá nhiều. Tuy vậy, vẫn có một số hãng vẫn cố trụ lại bởi đây là một nguồn đầu tư lâu dài giúp quảng bá thương hiệu đồng thời khiến khách hàng chú ý hơn tới các bộ sưu tập ứng dụng sau đó.
Video: Quá trình làm váy Haute Couture mini kỳ công của Dior
Đức Trí