Bà Lê Thị Lương - con gái nhà văn Lê Lựu - thay bố nhận giải ngày 25/12 tại Hà Nội. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Trần Gia Thái, ban chấp hành Hội vinh danh tác giả do ông là nhà văn kiên định, có uy tín, bề dày cống hiến cho văn học nước nhà. Ngoài đóng góp tác phẩm lớn, ảnh hưởng dư luận trong nhiều năm, ông còn lập một quỹ văn hóa hỗ trợ sáng tác đạt hiệu quả.
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942, là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Giai đoạn đầu sự nghiệp, ông có nhiều sáng tác như truyện ngắn Người cầm súng (1970), tiểu thuyết Mở rừng (1976) - được xem là tác phẩm kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh. Bộ ba tiểu thuyết khẳng định vị trí của ông trên văn đàn là Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994).
Những năm cuối đời, nhà văn Lê Lựu mắc nhiều bệnh, song ông vẫn giữ tinh thần tỉnh táo để sáng tác. Giai đoạn 2010 - 2013, ông xuất bản ba cuốn Thời loạn, Ở quê ngày ấy, Gã dở hơi. Năm 2016, nhà văn phải bỏ dở tiểu thuyết Kẻ chạy trốn do bệnh tật. Ông qua đời tháng 11/2022, thọ 80 tuổi.
Ông Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định với Thời xa vắng, nhà văn Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tiểu thuyết truyền tải thông điệp con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ. Tác phẩm được đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh mua tác quyền chuyển thể thành phim năm 1987, ra mắt công chúng sau 16 năm. Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông cũng lên màn ảnh, phát sóng năm 2000, do Lê Đức Tiến đạo diễn.
Nhà thơ Anh Ngọc từng gọi nhà văn Lê Lựu là tài năng thiên bẩm về văn chương. "Nhà văn không học cao, rèn luyện nhiều nhưng thành công nhờ lối viết giản dị, không màu mè, trung thực như chính con người ông'', nhà thơ Anh Ngọc nói. Còn theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, thành công của Lê Lựu là những trang viết đậm chất nông dân. Ông cho hay: "Suốt đời văn, Lê Lựu chỉ viết về chất nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa''.
Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm nay gồm bốn tác phẩm. Đó là tập tùy văn Hoa khởi trinh (Nguyễn Linh Khiếu), tập thơ Đêm hoa vàng (Bình Nguyên Trang), tập nghiên cứu, lý luận phê bình, chân dung văn học Văn học Việt Nam từ dấu mốc đổi mới 1986 chuyển động, thành tựu và bản sắc (Phùng Văn Khai), tập thơ song ngữ Mười nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc (dịch giả Nguyễn Hữu Thăng).
Dịp này, Hội kết nạp hội viên cho 45 tác giả, trong đó năm người ở lĩnh vực văn xuôi, 37 hội viên của lĩnh vực thơ, hai người chuyên ngành lý luận phê bình và một hội viên văn học dịch.
Ông Trần Gia Thái cho biết năm nay Hội đạt nhiều thành tựu có ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa tích cực trong đời sống sinh hoạt văn hóa Hà Nội. Một số hoạt động như ngày thơ, tọa đàm, trại sáng tác được tổ chức thành công. Tuy nhiên, ông nhận thấy mặt hạn chế là số hội viên trẻ hiện tại chiếm tỷ lệ rất thấp.
Phương Linh