Lượng thuê bao của Viettel sụt giảm. |
Lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông phê bình Viettel đã có những động thái nóng vội, chưa bàn bạc kỹ để tìm biện pháp tháo gỡ, đã vội vàng có những văn bản đệ trình Thủ tướng nhằm gây áp lực đối với Bộ và gây phản ứng không tốt cho dư luận. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu VNPT có báo cáo thường xuyên về tình hình kết nối giữa các doanh nghiệp.
Theo ông, trước mắt, các doanh nghiệp cần bình tĩnh tìm các giải pháp khắc phục kịp thời khó khăn về nghẽn mạng cho các mạng. Giải pháp được Thứ trưởng đưa ra là, trước mắt 2 doanh nghiệp ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Trên cơ sở Viettel đang gặp nghẽn tại đâu, VNPT sẽ cố gắng định tuyến, phân tải lưu lượng từ các “vùng ven” vào đó để hỗ trợ. Chẳng hạn, một số tổng đài VNPT vừa mới bổ sung, nâng cấp phục vụ mạng lưới ở Cần Thơ có thể được định tuyến đến để giải quyết tắc nghẽn cho Viettel ở TP HCM.
Về lâu dài, VNPT tiếp tục hỗ trợ Viettel khẩn trương triển khai mạng trục theo giấy phép đã được Chính phủ cấp từ năm 2003, để Viettel có thể chủ động được dung lượng và phát triển thuê bao của mình. Về phía Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ có sự hỗ trợ tích cực về tháo gỡ thủ tục, sửa đổi quy chế, thỏa thuận... để đẩy nhanh các tiến trình.
Dường như giải pháp mà Bộ nêu ra vẫn không đủ sức thuyết phục đối với lãnh đạo Viettel. Trao đổi với báo giới, ông Dương Văn Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel bức xúc: "Lý do VNPT không đáp ứng cổng kết nối cho Viettel vì sợ chúng tôi không dùng hết chỉ là cái cớ. Nếu chúng tôi đăng ký mà không sử dụng hết, chúng tôi sẽ nộp phạt phần không sử dụng hết".
Theo thỏa thuận giữa VNPT và Viettel, giai đoạn 1, 2 doanh nghiệp này kết nối vào tổng đài Toll. Theo đó, Viettel chỉ được kết nối ở Hà Nội và TP HCM. "Khi chúng tôi muốn kết nối thẳng với VinaPhone và MobiFone thì họ nói là hết cổng. Hiện chúng tôi đang triển khai các tổng đài nội hạt ở các tỉnh, nhưng có một điều nếu chúng tôi kết nối với tổng đài của các bưu điện tỉnh thì cũng giống như 178, nếu để kết nối được với 1 bưu điện tỉnh bình quân phải mất 5-6 tháng. Và để kết nối hết 64 tỉnh thành sẽ mất khoảng 25 năm", ông Tính nói.
Nhiều ý kiến trong cuộc họp cho rằng, VNPT chỉ thỏa thuận với các doanh nghiệp cấp kênh theo thực tế lưu lượng sử dụng của mạng (chứ không phải cấp theo con số dự phòng của các doanh nghiệp). Điều này góp phần đầu tư hiệu quả và tránh gây lãng phí tiền của Nhà nước, song nó không phù hợp với tốc độ phát triển thuê bao của Viettel.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc VNPT khẳng định: "Chúng tôi đã cung cấp đường truyền đúng theo yêu cầu thực tế của Viettel. Chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi lên Bộ về tổng đài Toll của VNPT, với số liệu minh chứng về tổng đài Toll ở Hà Nội và một số nơi khác đều gặp khó khăn".
Theo ông Hùng, mấu chốt của vấn đề là, thời gian qua Viettel phát triển thuê bao quá nhanh, dẫn đến việc mạng lưới không đáp ứng kịp. Còn với VNPT, khó khăn là dung lượng tổng đài đang được đầu tư, chưa kịp mở rộng. "Tôi hy vọng sau cuộc gặp này, Viettel sẽ thông cảm hơn với VNPT hơn", ông Hùng nói.
Kết thúc buổi họp, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cảnh báo, trước thềm hội nhập và cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước cần phải phát triển mạnh mẽ một cách thực sự, trên cơ sở mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại và rộng khắp. Vì vậy ngoài VP Telecom, Viettel cần tích cực triển khai mạng đường trục để phát triển bền vững.
Hồng Anh