Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về cơ chế đầu tư xây dựng cảng Kê Gà và tuyến đường bộ phục vụ phát triển công nghiệp nhôm. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án liên quan, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Về phương án vận tải khi chưa có cảng Kê Gà, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện phương án duy tu, bảo dưỡng, cải tạo tuyến đường TL 725 và TL 769. Hai tuyến đường này được phê duyệt trong tháng 9.
Đối với tuyến đường quốc lộ 20 đoạn nối từ tỉnh Đồng Nai đến tỉnh Lâm Đồng, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư Dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao. Bộ nghiên cứu việc sắp xếp các trạm thu phí trên tuyến, mức thu phí và các cơ chế đặc thù khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
Sau khi có cảng Kê Gà, Phó thủ tướng yêu cầu TKV khẩn trương chủ động triển khai thực hiện đầu tư các tuyến đường chuyên dụng và đường nối từ quốc lộ 1A đến cảng Kê Gà, đảm bảo hoàn thành đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Cảng Kê Gà được xây dựng tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Dự án Cảng Kê Gà được chia thành 4 giai đoạn. Công suất bốc dỡ giai đoạn 1 sau 2 năm xây dựng sẽ đạt 3,5 triệu tấn mỗi năm. Đến năm 2020 sẽ hoàn tất cả 4 giai đoạn xây dựng với tổng công suất bốc dỡ được nâng lên khoảng 35 triệu tấn mỗi năm.
Để triển khai dự án này, UBND tỉnh Bình Thuận đã quyết định thu hồi, ngừng triển khai đối với 12 dự án du lịch nằm bên trong ranh giới cảng. Cảng Kê Gà hình thành sẽ rút ngắn cung đường, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa của các dự án bô xit nhôm.
Kỳ Duyên