Hơn 10 năm giảng dạy và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, tiến sĩ Chử Đức Hoàng sinh năm 1981 tại Đông Anh, Hà Nội, tích lũy nhiều kiến thức và trải nghiệm về công nghệ cũng như giải pháp tin học trong lĩnh vực y tế. Hằng ngày chứng kiến cha mình chống chọi với bệnh tiểu đường, anh Hoàng quyết tâm nghiên cứu phát minh ra chiếc máy đo tiểu đường không xâm lấn "made in Vietnam" để hỗ trợ chính cha mình và người bệnh.
Anh Hoàng nhận ra giải pháp quản lý điều trị bệnh tiểu đường bao gồm website tư vấn và dịch vụ, ứng dụng di động miễn phí và đặc biệt là máy đo tiểu đường không xâm lấn. Anh và cộng sự đã hoàn tất giải pháp công nghệ và ứng dụng di động; đang hoàn thiện máy đo tiểu đường.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của anh Hoàng cung cấp miễn phí ứng dụng phần mềm di động giúp bệnh nhân và người thân có thể theo dõi quản lý điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ. Ứng dụng di động cho phép quản lý và cập nhật hồ sơ cá nhân, theo dõi và kiểm soát các thông số đường huyết, huyết áp, lượng calo tiêu thụ, tra cứu hàm lượng dinh dưỡng và thực đơn ăn uống, tìm kiếm và kết nối với các chuyên gia, bác sĩ cũng như các phòng khám nội tiết khu vực lân cận.
Giải thích thêm về lợi ích của phần mềm đối với bệnh nhân, anh Hoàng cho biết ứng dụng kiểm soát, nhắc nhở cập nhật thông tin, vận động cũng như các cảnh báo về sức khỏe. Từ đó bác sĩ có thể theo dõi, chẩn đoán được tình trạng sức khỏe của người bệnh 24/24 giờ thông qua di động và website. Người bệnh cũng tự chủ động thay đổi hành vi, chế độ ăn uống sinh hoạt của mình theo hướng tích cực hơn. Phần mềm này đã được thử nghiệm từ những người thân trong gia đình anh, các bệnh nhân dùng miễn phí và cung cấp cho những phòng khám nội tiết.
7,9% dân số ở Hà Nội và TP HCM bệnh tiểu đường, chi phí điều trị lên tới hàng chục triệu đồng mỗi năm. Tới 25% bệnh nhân chưa quan tâm và chủ động điều trị bệnh. "Điều đó thôi thúc tôi phải xây dựng giải pháp công nghệ cho vấn đề này, trong đó ý tưởng phát minh ra chiếc máy đo tiểu đường không xâm lấn là đột phá chính”, anh Hoàng tâm sự.
Bệnh tiểu đường có thể xảy đến cho mọi lứa tuổi và phải theo dõi, kiểm soát đường huyết thường xuyên. Cách kiểm tra hiện nay là phải dùng kim chích máu, que thử máu và máy đo đường huyết, nhiều tốn kém, đau đớn và bất tiện cho bệnh nhân. Bản chất của quy trình này là dựa trên phản ứng hóa học để đo dòng điện thử mức glucose trong máu. Người bệnh được chỉ định đo đường huyết thường xuyên thì cần phải có máy đo đường huyết tại nhà với chi phí trên dưới một triệu đồng cho máy.
Anh Hoàng và cộng sự đang nghiên cứu hoàn thiện để đưa ra thị trường máy đo tiểu đường không xâm lấn. Thiết bị này có thể xác định lượng đường trong máu mà không cần kim chích máu, không cần que thử, không gây đau đớn và tiết kiệm chi phí phù hợp với người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ bị bệnh. Giá thành sản xuất dự kiến chỉ tương đương với các máy đo tiểu đường chích máu thông thường khác, anh Hoàng tự tin về triển vọng phát triển của giải pháp và tiềm năng to lớn của thị trường tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.
“Bệnh nhân phải đo lượng đường 3-4 lần một ngày theo chỉ định của bác sĩ. Giá mỗi que thử từ vài nghìn đến vài chục nghìn và không thể tái sử dụng. Như vậy, người bệnh sẽ rất tốn kém nếu duy trì việc theo dõi đường huyết trong thời gian dài. Một chiếc máy đo đường huyết không xâm lấn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thuận tiện và không gây đau cho người bệnh”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng cho biết, máy đo đường huyết không xâm lấn trong tương lai của anh hoạt động dưới hình thức đo gián tiếp, sử dụng cảm biến điện dung và các cặp cảm biến quang với nhiều bước sóng hồng ngoại từ 1.495 nm đến 2.105 nm nhằm xác định sự tương quan giữa thông số đường huyết với các giá trị cảm biến đo được. Như vậy người bệnh sẽ không đau khi đo chỉ số đường huyết và tiết kiệm chi phí que thử. Dự kiến anh sẽ hoàn thiện và phân phối máy đo tiểu đường không xâm lấn "made in Vietnam" tại thị trường trong nước và quốc tế. Hiện độ chính xác của máy đo tiểu đường chưa hoàn thiện do anh phát minh mới chỉ đạt từ 70 đến 80%, do vậy vẫn tiếp tục phát triển thêm.
Thống kê cho thấy, bệnh tiểu đường đang gia tăng toàn cầu và là một trong những thách thức lớn đối với hơn 480 triệu bệnh nhân trên toàn cầu. Bệnh là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong; thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong do các bệnh không lây nhiễm và thứ 2 gây mù lòa ở người trưởng thành. Tiểu đường là bệnh hiểm nghèo nhưng người bệnh vẫn có thể duy trì cuộc sống thêm 12-30 năm nếu được hỗ trợ điều trị tích cực.
Theo Tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Đái tháo đường, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng bệnh tiểu đường nhanh nhất thế giới. Theo báo cáo của Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Việt Nam có hơn 5 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Hơn 60% trường hợp chưa được chẩn đoán. 10 năm qua bệnh tiểu đường đã bùng phát, trở thành một trong những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng.
Lê Nga