Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản
Trung Quốc có kế hoạch biên chế ít nhất 6 tàu sân bay, trong đó chủ lực là các tàu sân bay nội địa lớp Type-001A và Type-002, trở thành quốc gia sở hữu nhiều tàu sân bay thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Điều này đặt ra thách thức nghiêm trọng cho các lực lượng hải quân châu Á, bao gồm cả Nhật Bản, buộc nước này nghiên cứu giải pháp đối phó phi đối xứng, dựa trên lực lượng tàu ngầm hiện đại, theo National Interest.
Để đối phó với tàu sân bay, quân đội các nước thường phát triển hai năng lực là tên lửa đạn đạo diệt hạm (ASBM) và tàu ngầm. Tuy nhiên, Nhật Bản rất khó chế tạo ASBM, vì hiến pháp cấm quân đội nước này sở hữu vũ khí tiến công. Ngoài ra, việc chế tạo và hoàn thiện hệ thống ASBM đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ, có thể vượt ngoài sức chịu đựng của ngân sách quốc phòng Nhật Bản.
Các chuyên gia quân sự cho rằng giải pháp khả thi hơn để Tokyo đối phó với đội tàu sân bay Bắc Kinh là theo đuổi chiến lược phi đối xứng, dựa vào hạm đội 22 tàu ngầm diesel-điện lớp Oyashio và Soryu.
Trong khi tên lửa đạn đạo diệt hạm chưa từng chứng minh được hiệu quả diệt tàu sân bay trong thực chiến, tàu ngầm đã thể hiện được uy lực của mình trong Thế chiến II, khi đánh chìm 8 tàu sân bay cỡ lớn.
Ưu điểm của các tàu ngầm Nhật Bản là độ ồn thấp, được trang bị nhiều hệ thống điện tử và vũ khí hiện đại. Chủ lực của hạm đội tàu ngầm Nhật chính là lớp Soryu (Rồng xanh), được Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) biên chế từ năm 2009.
Với lượng giãn nước 4.200 tấn khi lặn, Soyru là lớp tàu ngầm lớn nhất được Nhật Bản chế tạo từ sau Thế chiến II. Mỗi chiếc dài 84 m, rộng 9,1 m, có tầm hoạt động 11.300 km và độ sâu lặn tối đa 650 m. Đặc điểm nổi bật của lớp Soyru là cánh lái phần đuôi hình chữ X, được cho là giúp tăng khả năng cơ động ở vùng nước nông, yếu tố quan trọng trong chiến lược bảo vệ bờ biển và tuyến hàng hải của Nhật.
Vũ khí chính của tàu ngầm Nhật Bản là ngư lôi hạng nặng Type-89 với tầm bắn 50 km, cũng như tên lửa hành trình chống hạm phóng từ tàu ngầm UGM-84 Harpoon và thủy lôi.
Tàu ngầm Nhật có thể phóng hàng chục tên lửa Harpoon nhằm vào hàng không mẫu hạm đối phương từ khoảng cách 120 km, nằm ngoài tầm đáp trả của các hệ thống chống ngầm trong biên đội tàu sân bay.
Khả năng bay bám biển của Harpoon khiến tàu chiến đối phương có ít thời gian phát hiện mục tiêu. Khi được phóng đồng loạt với số lượng hàng chục quả, tên lửa Harpoon dễ dàng gây quá tải hệ thống đánh chặn trên tàu hộ tống và tàu sân bay đối thủ.
Nếu tên lửa Harpoon không tiêu diệt được hàng không mẫu hạm, tàu ngầm Nhật có thể áp sát đội hình tàu sân bay địch để phóng ngư lôi Type-89. Mỗi quả ngư lôi này có thể đạt tầm bắn tới 50 km và tốc độ hành trình 75 km/h, cùng đầu đạn 267 km. Chỉ cần hai đến ba quả ngư lôi Type-89 bắn trúng mục tiêu là có thể vô hiệu hóa, thậm chí gây hư hại nghiêm trọng và đánh chìm một tàu sân bay cỡ lớn.
Trung Quốc hiểu rõ mối đe dọa từ tàu ngầm của các nước láng giềng và đầu tư rất mạnh cho lĩnh vực tác chiến săn ngầm. Tuy nhiên, khả năng chống ngầm của Trung Quốc vẫn là một dấu hỏi, nhất là khi phải đối phó với những tàu ngầm diesel-điện có độ ồn cực thấp và sở hữu vũ khí tầm xa. Do đó, tàu ngầm được coi là phương án hiệu quả và tiết kiệm nhất để Nhật Bản đối phó với hạm đội tàu sân bay Trung Quốc.
Việt Hòa