Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới tuyên bố nước này chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể bắn tới Mỹ. Ngay sau đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố trên Twitter rằng "điều này sẽ không diễn ra". Giới phân tích quân sự cho rằng trong trường hợp Triều Tiên phóng thử ICBM, Mỹ có nhiều lựa chọn quân sự để đáp trả nhưng tất cả đều ẩn chứa rủi ro, theo Defense One.
Theo chuyên gia phân tích Bruce Klinger, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ phát triển tên lửa Taepodong (Unha) gắn đầu đạn hạt nhân có tầm bắn 10.000 km để có thể vươn tới nước Mỹ. Với một số nâng cấp, tầm bắn của tên lửa này có thể tăng lên gần 13.000 km, đủ sức tấn công khu vực bờ Đông nước Mỹ.
Một lựa chọn khác của Triều Tiên là tên lửa đạn đạo KN-08 dài 16 m, tầm bắn khoảng 6.700 km, có thể phóng từ xe tải để tăng khả năng cơ động ẩn nấp. Hồi tháng 4/2016, Triều Tiên đã tiết lộ ảnh thử động cơ mới của tên lửa này, giúp nó tăng tầm bắn để có thể mang đầu đạn hạt nhân phóng tới Mỹ.
"Với công nghệ này, các loại ICBM di động của Triều Tiên như KN-08 hoặc bản cải tiến KN-14 có thể mang đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu ở khoảng cách tới 13.000 km, xa hơn dự kiến trước đó. Điều này có thể giúp Bình Nhưỡng tấn công các mục tiêu ở bờ Đông như New York hoặc Washington", giáo sư John Schelling của Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins khẳng định.
"Nếu quá trình thử nghiệm trên mặt đất được tiếp tục và thành công, ICBM của Triều Tiên có thể bắt đầu các cuộc phóng thử trong vòng một năm. Ngoài ra, Bình Nhưỡng có thể triển khai hệ thống này vào năm 2020", ông Schelling nhấn mạnh.
Các phương án quân sự đối phó của Mỹ
Theo Schelling, với tuyên bố việc Triều Tiên thử ICBM "sẽ không xảy ra", ông Trump có thể đang ám chỉ đến một cuộc không kích phủ đầu, có sự tham gia của nhiều tiêm kích và oanh tạc cơ, nhằm vào mục tiêu là tên lửa trên bệ phóng của Triều Tiên. Nhưng điều này có thể khơi mào cho cuộc tấn công trả đũa toàn diện của Triều Tiên nhắm vào Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á, gây ra thương vong lớn.
"Đây là nguyên nhân khiến Mỹ không thực hiện phương án này vào năm 2006, do lo ngại Triều Tiên sẽ tấn công Hàn Quốc bằng pháo binh, gây leo thang căng thẳng khó lường", học giả Bruce Bennett từ Viện nghiên cứu RAND cho hay.
Khi ICBM Triều Tiên được phóng đi, Mỹ có một số lựa chọn để tiêu diệt mối đe dọa. Để bảo vệ lục địa Mỹ, 30 tên lửa đánh chặn đã được triển khai ở căn cứ Greely, bang Alaska và căn cứ không quân Vandenberg, California. Mỹ đang nghiên cứu triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa khác như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Tuy nhiên, các hệ thống này được thiết kế để đánh chặn những loại tên lửa có tầm ngắn hơn.
"Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm trung như No-dong và Musudan nếu chúng nhắm vào Hàn Quốc. Với tầm bắn chỉ 200 km, THAAD sẽ được bố trí sát thành phố Busan và không thể bảo vệ Seoul, chứ đừng nói đến các tên lửa xuyên lục địa", Bennett nhận định.
Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm tới lá chắn tên lửa tương tự Vòm Sắt của Israel, nhưng vẫn chưa mua hoặc trang bị hệ thống như vậy.
Mỹ cũng có các tàu chiến trang bị lá chắn tên lửa Aegis ở Thái Bình Dương, với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, nhưng chúng không được thiết kế để đối phó ICBM, theo một quan chức quốc phòng Mỹ. Hệ thống Aegis chỉ dùng để bảo vệ biên đội tàu chiến chứ không thể bắn hạ ICBM.
Bắn hạ ICBM bằng vũ khí laser
Một lựa chọn khác là sử dụng vũ khí laser. Quân đội Mỹ đã nghiên cứu khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo bằng máy bay trang bị vũ khí laser từ năm 1983. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) đang nghiên cứu các phương thức mới để ngăn chặn ICBM trước khi nó phóng đi, trong đó vũ khí laser là phương án hấp dẫn nhất.
"Một trong những lựa chọn sẵn có là bắt đầu thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) trang bị laser trong hai năm tới, để có thể tấn công tên lửa khi nó ở trạng thái dễ bị ngắm bắn nhất. Chúng tôi đang xem xét ý tưởng thu nhỏ hệ thống để trang bị cho UAV, sau đó bố trí một loạt thiết bị này trên một khu vực nhất định", quan chức Mỹ mô tả về chương trình thực nghiệm laser công suất thấp.
Một UAV trang bị vũ khí laser bay trên bầu trời Triều Tiên sẽ dễ triển khai hơn một cuộc không kích, thiệt hại cũng được giới hạn tới mức tối thiểu. Tuy nhiên, điều này vẫn ẩn chứa nguy cơ rủi ro, khiến Triều Tiên trả đũa các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Cho đến khi đó, Mỹ vẫn sẽ theo đuổi các phi bạo lực đáp trả để đáp trả Triều Tiên.
"Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra trên vùng biển quốc tế sẽ không gây ra mối đe dọa hiện hữu đến Mỹ, trong khi việc đánh chặn nó sẽ chuyển hướng sự chú ý và tức giận của cộng đồng quốc tế khỏi hành động vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc của Triều Tiên", chuyên gia Klinger nhận định.
Một vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên
Duy Sơn