Giới chuyên gia nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra trên mọi lĩnh vực. Điều này đặt nền nông nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều thách thức mới.
Thách thức chuyển đổi số của nông nghiệp
Trong bài chia sẻ trước thềm Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, thách thức đầu tiên đến từ nhận thức, thói quen của người làm nông nghiệp. Cụ thể, người làm nông nghiệp cần thay đổi tư duy nhận thức, tìm kiếm giá trị để kích hoạt vai trò chuyển đổi số, có đam mê, động lực để tiếp cận chuyển đổi số, thay đổi mô thức vận hành của nông dân và doanh nghiệp.
Đi sâu vào chuyển đổi số cho nông hộ nhỏ, tại Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021, ông Kohei Sakata, Giám đốc bộ phận Nông nghiệp Kỹ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Bayer đánh giá, hiện đã có nhiều giải pháp về canh tác kỹ thuật số trên thị trường, tuy nhiên, hầu hết không phù hợp cho nông hộ nhỏ. Một số giải pháp tập trung vào canh tác thương mại trên diện tích lớn với khả năng chi trả cao. Trong khi đó, thách thức lớn nhất của nông hộ nhỏ Việt Nam và các quốc gia châu Á là chuỗi giá trị bị phá vỡ, nông dân không thể nắm bắt giá trị mà họ tạo ra. Chẳng hạn, nông hộ nhỏ có thể cải thiện năng suất, chất lượng thu hoạch bằng cách dùng máy bay không người lái, dự báo dịch bệnh. Tuy nhiên, vì không thể đàm phán với thương lái thu mua sản phẩm, nên nông dân không có đầy đủ giá trị thành quả.
Bên cạnh đó, sự phân tán và tính chất vùng miền của nông hộ nhỏ như vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, hệ sinh thái địa phương, cơ sở hạ tầng, loại cây trồng... cũng khiến giải pháp công nghệ cho nông nghiệp bị phân tán. Theo ông Kohei Sakata, thực tế vẫn chưa có giải pháp thích hợp riêng cho từng địa phương, trong khi giải pháp chung lại không phù hợp với tất cả. Đồng thời, đa số nhà nông không biết nhiều về kỹ thuật số nên khó tiếp cận các ứng dụng. Người nông dân Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đại lý bán hàng, cán bộ khuyến nông hay đầu mối thu mua.
"Điều quan trọng là phải giải quyết thách thức trong hệ thống chuỗi giá trị khi phát triển giải pháp canh tác kỹ thuật số cho nông hộ nhỏ", ông Kohei Sakata nhận định.
Theo báo cáo Tổng quan nông nghiệp số Việt Nam 2021, tỷ lệ công ty nông nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số còn thấp. Rào cản của doanh nghiệp nằm ở việc thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tài chính. Cơ sở hạ tầng về kho bãi và công nghệ chế biến của Việt Nam còn lạc hậu.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng tác động nhiều và tiêu cực đến nền nông nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Trong bối cảnh Covid-19, các giải pháp giãn cách xã hội còn làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng.
Dù vậy, nông nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi. Đó là cơ sở hạ tầng đã có bước tiến dài so với một số nước. Đồng thời, nông nghiệp nước ta còn được thừa hưởng kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước, tạo đà phát triển chuyển đổi số. Dư địa để đưa chuyển đổi số đi vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội được giới chuyên môn đánh giá còn rất lớn, tạo điều kiện để ngành nông nghiệp khai thác, phát triển.
"Tập trung chế biến sâu sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường toàn cầu và nâng cao giá trị sản phẩm nuôi trồng. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ sẽ thúc đẩy công tác quản lý dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc", đại diện Bayer nói.
Giải pháp công nghệ cho nông nghiệp
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của các Bộ, ngành liên quan, còn phải kể đến đóng góp của các tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực này. Trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 với chủ đề "Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19", đại diện tập đoàn Bayer, ông Kohei Sakata cũng đưa ra loạt giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Theo đó, để gắn kết các đối tác trong chuỗi giá trị, Bayer thiết lập khả năng tương tác trên nhiều ứng dụng, nền tảng canh tác kỹ thuật số. Thay vì thu thập dữ liệu từ một công ty hay hệ thống, Bayer phát triển giải pháp cho phép chia sẻ dữ liệu để phân tích nâng cao, đồng thời đảm bảo quyền riêng tư, bảo mật thông tin của cả nông dân và cơ quan quản lý.
Doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp này còn xây dựng giải pháp lấy con người làm trọng tâm, phát triển trải nghiệm khách hàng, hoàn thiện ứng dụng kỹ thuật số cho nông hộ nhỏ. Theo ông Kohei Sakata, Bayer đang tìm kiếm, thiết lập quan hệ với đối tác để giải quyết khó khăn của nông dân.
"Chúng tôi sẽ mở rộng thêm quan hệ đối tác với các bên có liên quan trong hệ sinh thái của chuỗi giá trị nhằm đạt được cam kết bền vững là hỗ trợ cho 100 triệu nông hộ nhỏ vào năm 2030", ông Kohei Sakata cho hay.
Tại châu Á, Bayer cho ra mắt công cụ tư vấn kỹ thuật số FarmRise ngay trên điện thoại thông minh, hỗ trợ cho nông dân Ấn Độ trong quá trình trồng ngô và rau. Tại Trung Quốc, ứng dụng bảo vệ cây trồng với máy bay không người lái đã sẵn sàng được thương mại hóa rộng rãi. Bayer cũng đang thúc đẩy đổi mới công nghệ với các đối tác kinh doanh và kỳ vọng có thể triển khai tại Việt Nam trong tương lai.
Còn tại Việt Nam, Bayer xác định mục tiêu đồng hành cùng Chính phủ để phát triển nông nghiệp bền vững. Tập đoàn cam kết thúc đẩy nền kinh tế số ngay ở khu vực nông thôn tại Việt Nam, cho các nông hộ nhỏ, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Với hy vọng hỗ trợ cho nông dân Việt Nam vượt qua khó khăn do biến đổi khí hậu, Covid-19 và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, Bayer Việt Nam đã phát triển các dự án kỹ thuật số khác nhau như MyAgrolink, Airfarm.
Trong đó, MyAgrolink là ứng dụng trực tuyến kết nối nông dân với nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp uy tín. Ứng dụng giúp người dùng tiết kiệm thời gian, dễ kết nối, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Bayer kỳ vọng myAgrolink mang đến 4 lợi ích cho những người hoạt động trong ngành nông nghiệp, gồm tiết kiệm thời gian, kết nối dễ dàng, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Còn Airfarm là nền tảng canh tác kỹ thuật số kết nối chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp nông dân và doanh nghiệp cải thiện chất lượng cây trồng thông qua dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái hay phân tích và dự đoán. Airfarm cũng cung cấp nhiều loại sản phẩm, dịch vụ như đào tạo trực tuyến, phần mềm quản lý trang trại, tư vấn kỹ thuật số và thị trường.
Theo ông Kohei Sakata, đại diện Bayer, các sản phẩm công nghệ, thực hành và quan hệ đối tác góp phần quan trọng trong việc phát triển ngành nông nghiệp, sinh kế của nông dân. Cùng với đó là giảm tác động môi trường của nông nghiệp, tăng năng suất và hiệu quả cho nhà nông.
Là một trong những công ty hàng đầu về giải pháp nông nghiệp sáng tạo trên thế giới, Bayer cam kết thực hiện các nguyên tắc phát triển bền vững. "Bằng cách kết nối kỹ thuật số với các tập dữ liệu mới, chúng tôi cung cấp giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho nhà nông, từ trồng trọt đến thu hoạch", đại diện Bayer cho biết.
Hà Thanh (Ảnh: Thanh Tùng)