Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về chuyển đổi số nông nghiệp trước thềm "Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam" diễn ra ngày 16/9.
- Thưa Bộ trưởng, sau chuyến công tác châu Âu, ông thấy tâm đắc với mô hình số hóa nông nghiệp nào trên thế giới?
- Thật ra nếu nói mô hình nào thì châu Âu hay các nước phát triển không còn mô hình vì chuyển đổi số hay số hoá đã đi vào đời sống xã hội. Từ quản trị nhà nước cho tới các ngành chuyên môn kỹ thuật, khoa học công nghệ... ngành nào cũng đi trước mình trong việc tiếp cận số hóa nên rất khó để nói tâm đắc với mô hình nào.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã có chương trình hành động của chính phủ, nghị quyết chuyên đề để đẩy mạnh chuyển đổi số, vấn đề là chúng ta bắt tay hành động như thế nào. Với ngành nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi xác định đây vừa là cơ hội vừa là thách thức mở ra một không gian phát triển mới.
- Cụ thể, chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức nào, thưa ông?
- Trước tiên là thách thức từ nhận thức, thói quen. Muốn thay đổi chúng ta cần xác định phải thay đổi tư duy nhận thức, phải tìm kiếm giá trị, hiểu được chiều sâu bản chất, từ đó sẽ kích hoạt được vai trò chuyển đổi số trong từng địa phương hay từng tổ chức, quốc gia. Mặt khách, khi hiểu chiều sâu bản chất, chúng ta sẽ có đam mê, động lực để hành động, sẽ biết cách tiếp cận và tự tin tiếp cận chuyển đổi số, dẫn đến thay đổi mô thức vận hành của người nông dân, của doanh nghiệp,... Tất cả sẽ theo một dòng chảy nếu xác định được cốt lõi. Ngược lại, nếu không hiểu được bản chất sẽ không có đam mê hay động lực để hành động.
Diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam do Bộ Ngoại giao phối hợp với VnExpress và Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức trên nền tảng VnExpress ngày 16/9. Sự kiện dự kiến thu hút 1.000 đại biểu tham dự phiên toàn thể, 400 đại biểu tham dự hai phiên thảo luận. Độc giả đăng ký trở thành đại biểu của diễn đàn tại đây.
Về thuận lợi, cơ sở hạ tầng của chúng ta so với một số nước đã có bước tiến dài đảm bảo cho công cuộc chuyển đổi số. Chúng ta đi sau nhưng lại có những thuận lợi của người đi sau do có kinh nghiệm của người đi trước. Ngoài ra, dư địa để phát triển đưa chuyển đổi số đi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội còn rất lớn. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ tích hợp những giá trị vô hình, hữu hình vào từng hoạt động của đời sống xã hội, tạo cho chúng ta sự bứt phá như kỳ vọng của Chính phủ.
- Diễn đàn quốc tế thực tế ảo Nông nghiệp Việt Nam và Triển lãm quốc tế thực tế ảo Nông nghiệp Việt Nam lần đầu áp dụng công nghệ thực tế ảo, ông kỳ vọng như thế nào về diễn đàn này?
- Tôi cảm ơn ban tổ chức và các cơ quan phối hợp ra được diễn đàn như hôm nay. Điều này một lần nữa cho mọi người thấy câu chuyện chuyển đổi số là bức thiết, phải làm và làm nhanh vì từ nghị quyết của Đảng đến chương trình hành động của Chính phủ đều xác định Việt Nam tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ba trụ cột đó làm cho tăng trưởng kinh tế từng ngành, tạo ra bước ngoặt đi vào chiều sâu và tích hợp với nền kinh tế tri thức sẽ mang lại sự phát triển vượt bậc. Tôi nghĩ rằng diễn đàn này cũng như triển lãm thực tế ảo sẽ tạo ra lực hút, sự chú ý trong xã hội để mỗi người, mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan tổ chức thấy việc chúng ta làm đang tạo ra sự thay đổi lớn. Chúng ta không thể do dự, bỏ lỡ thời cơ mà cả thế giới đang vận hành, đang tìm đến.
- Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về hướng đi chiến lược nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới - hậu Covid-19?
- Bối cảnh thời đại ngày nay luôn biến động, phức tạp, thậm chí có phần mơ hồ, như ngay biến thể Delta, biến chủng của SARS-CoV-2, là minh chứng cho sự phức tạp, mơ hồ, không biết khi nào mới chấm dứt. Chúng ta cũng sẽ dựa vào đó để định hướng lâu dài và thích nghi trong từng quãng ngắn.
Hiện nông nghiệp thế giới đứng trước các thách thức như khí hậu, biến động thị trường, đứt gãy chuỗi ngành hàng thế giới, biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Cụ thể, người ta tiêu thụ nông sản dựa trên nhiều yếu tố vô hình, mà ở châu Âu hay các nước phát triển gọi là "tiêu dùng xanh" - sản phẩm không gây ảnh hưởng hệ sinh thái, đa dạng sinh học, hiệu ứng nhà kính, hoặc không thải ra những chất gây ảnh hưởng môi trường. Điều này cho thấy đòi hỏi của biến chuyển thị trường lớn, chúng ta không thể tiếp tục bán cái chúng ta có, mà phải bán cái thị trường yêu cầu.
Đây là thách thức vì rất nhiều năm chúng ta chỉ sản xuất ra rồi tìm chỗ bán, giờ đổi ngược lại, chúng ta phải xem nhu cầu thị trường thế nào để từ đó sản xuất. Đặc biệt, mỗi thị trường sẽ có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau, thậm chí cùng một thị trường mà năm sau khác năm trước. Thế nên cần xác định thị trường để quyết định sản xuất. Hơn hết, từ thách thức chúng ta hãy biến thành thời cơ - sản xuất nông nghiệp cần minh bạch, trách nhiệm để có thương hiệu hoà nhập với thế giới. Trong quá trình đó, hãy kết hợp với các giá trị truyền thống lịch sử, tài nguyên bản địa của chúng ta để tạo thành nền nông nghiệp đa giá trị. Như vậy giá trị mới gia tăng, nông nghiệp mới phát triển.
Hiện chúng ta ở giai đoạn chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp là chính sang tư duy kinh tế nông nghiệp, mang hàm lượng tri thức cao, trong đó có kinh tế số. Chúng ta sẽ tích hợp tất cả những điều đó thành nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sang tạo, chuyển đổi số. Chúng ta còn khoảng dư địa lớn để làm được những điều đó.
- Xin cám ơn ông.
Nguyễn Phượng